Thứ bảy, 23/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bằng chứng cho thấy khả năng hấp thu vốn ngày càng kém

Mạc Bùi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi nhiều đại biểu bàn rất sôi nổi về việc cần gói kích thích kinh tế “đủ lớn”, “đủ rộng”, “đủ lâu”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết bộ đang nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dẫn ra cách làm của một số nước để kích thích nền kinh tế sau đại dịch như Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia... Nói chung bộ muốn một gói hỗ trợ về vốn để phục hồi và kích thích nền kinh tế.

Đầu tư không hiệu quả là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tăng CPI và nợ nần do mức tổng tiết kiệm quốc gia thiếu hụt so với lượng đầu tư. Ảnh: H.P

Một câu hỏi nhiều người đặt ra là đầu tư công ảnh hưởng thế nào đến tăng trưởng GDP?

Hiện số liệu thống kê chính thức trên trang web của Tổng cục Thống kê có số liệu của các chuyên ngành đến năm 2020. Số liệu về vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2020 khoảng 2,2 triệu tỉ đồng, trong đó đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước khoảng 636.000 tỉ đồng, chiếm xấp xỉ 33,7%.

Đầu tư không hiệu quả (đầu tư quá mức và đầu tư không cần thiết) là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và nợ nần do mức tổng tiết kiệm quốc gia (Gross National saving) thiếu hụt so với lượng đầu tư.

Tuy nhiên cũng theo niên giám và trang web của Tổng cục Thống kê, khoản tiền 2,2 triệu tỉ đồng chỉ tạo ra 1,7 triệu tỉ đồng tài sản cố định(1) và tài sản lưu động, tức là chỉ khoảng 78,5% khoản tiền xã hội bỏ ra đầu tư đến được với sản xuất tạo ra tài sản. Chênh lệch giữa vốn đầu tư và tích lũy gộp tài sản từ năm 2010-2020 ngày càng có xu hướng tăng lên (bảng 1). Điều này dẫn đến tỷ trọng vốn đầu tư so với GDP cao hơn tích lũy gộp tài sản so với GDP khá nhiều. Năm 2020 tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP khoảng 34,4% nhưng tỷ lệ tích lũy gộp tài sản so với GDP chỉ khoảng 27%.

Có thể thấy, khi đầu tư 100 đồng thì chỉ có 78,5 đồng đi vào nền kinh tế, còn 21,5 đồng “bèo giạt mây trôi” đâu đó trong nền kinh tế. Tình trạng này chắc ở các nước như Mỹ, Trung Quốc... không có. Sự chênh lệch giữa vốn đầu tư và tích lũy tài sản đang ngày một rộng ra phải chăng phần nào cho thấy nền kinh tế hấp thụ vốn ngày càng kém. Nếu năm 2010 chênh lệch giữa vốn đầu tư và tích lũy tài sản chỉ là 7,2%, đến năm 2020 tăng lên tới 21,5%.

Bản chất của GDP là ngắn hạn và mang tính nhất thời, khi GDP tăng tại một thời điểm nhưng không lan tỏa đến phía cung (giá trị sản xuất, giá trị tăng thêm) trong chu kỳ sản xuất sau. Như vậy có thể thấy đầu tư cao dẫn đến tăng trưởng ngay tại thời điểm đó, nhưng nếu đầu tư không hiệu quả thì dù làm GDP tăng nhưng là nguyên nhân sâu xa cơ bản dẫn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng.

Chẳng hạn nhiều chục năm nay cứ đến mấy tháng cuối năm là lại thấy đào, lấp đường và vỉa hè. Về nguyên tắc tính GDP, đào đường, lấp đi rồi lại đào lên đều là khoản đầu tư làm tăng GDP ngay ở thời điểm đào và lấp, nhưng nó không có ý nghĩa gì. Trường hợp đầu tư công cho tượng đài và cổng chào cũng vậy, cũng làm tăng GDP và tăng cả nợ nần.

Với cơ cấu đầu tư như năm 2020, cho thấy nếu đầu tư công tăng 5% thì vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng 1,68% và lượng tiền đến được với sản xuất khiến tích lũy tăng 1,63% và GDP tăng khoảng 0,42%.

Đầu tư không hiệu quả (đầu tư quá mức và đầu tư không cần thiết) là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tăng CPI và nợ nần do mức tổng tiết kiệm quốc gia (Gross National saving)(2) thiếu hụt so với lượng đầu tư.

Khoảng cách giữa tiết kiệm quốc gia với đầu tư và tích lũy tài sản ngày càng lớn. Từ năm 2015-2020, tỷ lệ tiết kiệm quốc gia nhỏ hơn tỷ lệ vốn đầu tư và tích lũy so với GDP; tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP và tiết kiệm quốc gia so với GDP chênh nhau gần 10 điểm phần trăm (vốn đầu tư/GDP khoảng 34% và tiết kiệm quốc gia/GDP khoảng 24%). Điều này thực sự là một cảnh báo thay vì vui mừng với GDP tăng trưởng. Chẳng hạn nhiều chục năm nay cứ đến mấy tháng cuối năm là lại thấy đào, lấp đường và vỉa hè. Về nguyên tắc tính GDP, đào đường, lấp đi rồi lại đào lên đều là khoản đầu tư làm tăng GDP ngay ở thời điểm đào và lấp, nhưng nó không có ý nghĩa gì.

Trường hợp đầu tư công cho tượng đài và cổng chào cũng vậy, cũng làm tăng GDP và tăng cả nợ nần. Như vậy, có thể thấy đưa ra gói kích thích kinh tế lớn đến đâu, rộng đến đâu, lâu đến mức nào cần hết sức thận trọng và nghiên cứu rất nghiêm túc, nếu không sẽ phản tác dụng. Bài học gói hỗ trợ năm 2008 và hậu quả là lạm phát gần 20% trong năm 2011 vẫn còn rất mới.

------------

(1) https://www.gso.gov.vn/px-web-2/?pxid=V0308&theme=T%C3%A0i%20kho%E1%BA%A3n%20qu%E1%BB%91c%20gia
(2) Tổng tiết kiệm Quốc gia (GNS) = Tổng thu nhập Quốc gia khả dụng (GNDI) - Tiêu dùng cuối cùng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới