Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bằng đại học không phải chìa khóa vạn năng

Quỳnh Thư

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Chủ nhật tuần trước, ngày 26-3, báo chí đưa tin Cục Đăng kiểm Việt Nam đề xuất sửa đổi nghị định về dịch vụ kiểm định xe cơ giới, theo đó có thể cấp chứng chỉ đăng kiểm viên cho ứng viên với trình độ cao đẳng hay trung cấp kỹ thuật cơ khí thay vì người đã tốt nghiệp đại học như hiện nay(1).

Lý giải đề xuất này, đại diện Cục Đăng kiểm cho biết đăng kiểm là một ngành kỹ thuật nên những người “làm kỹ thuật có tay nghề cũng có thể trở thành đăng kiểm viên, không nhất thiết có bằng đại học”(2).

Như vậy, sau hơn bốn năm áp dụng tiêu chuẩn đăng kiểm viên theo nghị định này, cơ quan đăng kiểm đang muốn nhắm đến một bộ tiêu chuẩn thấp hơn về bằng cấp nhằm có thể bổ sung nhân sự bù đắp cho bộ máy đang thiếu hụt trầm trọng qua các đợt xử lý tiêu cực gần đây.

Trong khi đó, thứ Sáu tuần rồi, ngày 24-3, tại một hội nghị do Bộ Nội vụ chủ trì nhằm lấy ý kiến đóng góp cho nghị định của Chính phủ về tiêu chuẩn cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, nhiều đề nghị cho chức danh này lại trái ngược với đề xuất của Cục Đăng kiểm.

Các ý kiến nói trên cho rằng quy định trình độ của cán bộ, công chức cấp xã chỉ “từ trung cấp trở lên” là còn “thấp”. Vì thế, công chức cấp xã phải có [ít nhất] bằng đại học(3).

Phát biểu về ý kiến này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói “tinh thần chung là chuẩn hóa và nếu cán bộ, công chức cấp xã đạt được trình độ đại học thì tốt quá”(4).

Vâng! Công chức cấp xã đạt được trình độ đại học thì tốt quá. Nhưng liệu đăng kiểm viên chỉ cần trình độ trung cấp kỹ thuật là đủ trong khi cán bộ xã phải có bằng đại học mới đảm đương được công việc?

Theo một số ý kiến, tiêu chuẩn hiện hành của đăng kiểm viên không hề thấp, bao gồm phải tốt nghiệp đại học chuyên ngành kỹ thuật cơ khí, phải có ít nhất một năm thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên và phải có kết quả đánh giá đạt yêu cầu(5).

Mặc cho các tiêu chuẩn không phải dễ đạt như vậy, chất lượng của nhiều đăng kiểm viên vẫn có vấn đề và hàng loạt người trong số họ đang vướng vòng lao lý. Tuy bằng cấp quan trọng, đó không phải là tất cả. Trái lại, chính năng lực mới là yếu tố quyết định.

Dĩ nhiên, bằng cấp là yếu tố không thể thiếu. Tuy nhiên, cần có yêu cầu đúng về bằng cấp cho các chức danh. Cũng nên ý thức rõ rằng bằng đại học hiện nay không phải là chiếc chìa khóa vạn năng mà nơi đâu cũng cần.

Lấy ví dụ việc đào tạo phi công hàng không dân dụng tại Việt Nam. Theo tiêu chuẩn hiện hành, người dự các khóa đào tạo phi công không cần phải tốt nghiệp đại học, mà chỉ cần bằng phổ thông trung học. Dĩ nhiên, ứng viên đã có bằng đại học thì “càng tốt”, nhưng tấm bằng không phải là một điều kiện tiên quyết. Ngược lại, các yếu tố khác – như sức khỏe, năng lực ngoại ngữ và khả năng ứng phó, linh hoạt trong điều khiển máy bay – còn quan trọng hơn nhiều.

Tuy công việc của phi công lái máy bay hàng không dân dụng và công chức cấp xã, thôn ở Việt Nam rất khác nhau, cũng khó nói rằng công chức xã có bằng đại học là “vượt trội” so với phi công chỉ mới tốt nghiệp phổ thông. Có thể nói người ta hơn nhau ở năng lực của mỗi người chứ không phải đem so kè tấm bằng đại học.

Bằng cấp cũng rất có ý nghĩa, nhưng trong nhiều trường hợp xã hội chúng ta quá xem trọng khoa bảng, xem nhẹ khả năng. Do đó, từ tuyển dụng đến bổ nhiệm đều có vấn đề. Nhiều lúc tiêu chí bằng cấp rất cao nhưng người được đề bạt cũng không hoàn thành nhiệm vụ vì chỉ có bằng cấp mà lại thiếu thực tài. Thế cho nên, nói trọng bằng mà không trọng tài là vậy.

Nếu phi công hàng không dân dụng đã không cần phải có bằng đại học thì nên chăng công chức cấp xã, thôn lại nhất thiết phải có bằng đại học?

Người viết cho rằng khả năng của một người quan trọng hơn tấm bằng người đó có. Vấn đề nằm ở chỗ nhà tuyển dụng phải đánh giá đúng thực lực của ứng viên. Có bằng thì tốt. Nhưng nếu được việc, không bằng cũng chẳng sao.

---------------------

(1), (2), (5)https://vnexpress.net/de-xuat-dang-kiem-vien-khong-bat-buoc-co-bang-dai-hoc-4585700.html

(3), (4)https://vietnamnet.vn/de-xuat-can-bo-cong-chuc-cap-xa-phai-co-trinh-do-dai-hoc-2124477.html

2 BÌNH LUẬN

  1. Bằng đại học chỉ là chìa khóa chứ không phải chìa khóa vạn năng. Chìa khóa đại học chỉ chuẩn bị cho ta tư duy và phương pháp, chứ không trang bị cho ta kỹ năng chuyên nghiệp và trình độ thực chiến trong cuộc đời. Hai vế sau chỉ dành cho những người dám hành động, dấn thân, biết chấp nhận thất bại, thấu hiểu sự thành công là như thế nào. Đại học chưa bao giờ là lựa chọn duy nhất, nhưng trước hết là lựa chọn được xem là đúng đắn. Tất nhiên, người học phải luôn có động cơ đúng đắn thì mới có thành tựu xứng đáng được.

  2. Làm đăng kiểm chỉ cần trình độ trung cấp, thành thạo kỹ năng, kỹ thuật chuyên ngành là OK rồi. Nhưng làm quan chức cấp xã, dù là cấp hành chính nhỏ nhất, cũng cần thiết phải trải qua thi tuyển trình độ đại học hành chánh. Bởi lẽ đây là công việc nhạy cảm, quản lý nhà nước toàn diện, đa ngành, phải sát dân, hiểu dân, vì dân, vận dụng đúng đắn luật pháp. Dụng nhân như dụng mộc. Nhưng trước hết, dụng nhân cũng phải tùy biến, không thể vô tội vạ, vô nguyên tắc.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới