Báo chí và xu hướng “điện ảnh hóa” thảm họa
Đỗ Anh
![]() |
Người rơi. Ảnh: THE NEW YORK TIMES |
(TBKTSG) - “Như bom rơi”! - Nạn nhân MH17 rơi xuống mái nhà như bom là tít mà báo Việt Nam đặt cho bài dịch từ nguồn nước ngoài. Câu chuyện ghi lại lời kể của một người dân ở ngoại ô Donetsk, miền Đông Ukraine, chứng kiến cảnh tượng thi thể của nạn nhân máy bay MH17 rơi xuống nhà mình.
Bài báo có những chi tiết rùng rợn như “Chỉ còn một nửa người, nhưng đó là một phụ nữ, có thể tầm 50 tuổi. Họ tìm thấy đầu và chân cô ấy trên mái nhà”.
Lần tìm lại bài báo gốc trên trang news.com.au thì cái tít báo tiếng Anh không phải như vậy, mà là Bên trong “ngôi làng chết chóc” ở Ukraine và câu chuyện thương tâm về thi thể số 26. Và ngay mở đầu bài báo gốc đã có hàng chữ in đậm cảnh báo về những chi tiết ghê rợn của câu chuyện.
Ở ta báo chí và truyền hình vẫn chưa có thói quen cảnh báo về nội dung có tính bạo lực, sex, và không phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Trong khi rất nhiều nước đã áp dụng việc này từ lâu đối với phương tiện truyền thông đại chúng vốn có sức ảnh hưởng rất mạnh với nhận thức và tâm lý.
Tuy nhiên, việc chuyển dịch bài báo sang tiếng Việt và đặt một cái tít trung thực, phù hợp với bản gốc và tính chất câu chuyện là điều hoàn toàn trong khả năng. Trong trường hợp này, sự nhầm lẫn ban đầu về thi thể rơi xuống như trái bom là có thật, nhưng đó là lời kể lại ấn tượng kinh hoàng của người chứng kiến trong bối cảnh họ đang sống trong vùng có chiến sự. Từ đó mà “giật tít”, biến thành một lời mô tả khô khốc như trên là một cách làm thiếu trung thực và thiếu cân nhắc.
“Người rơi”
Nhân chuyện nạn nhân nổ máy bay rơi xuống, chúng ta nhớ tới thảm họa 11-9. Khỏi cần nói về sự tàn khốc của vụ khủng bố này. Trong hàng loạt những hình ảnh được truyền đi, một tấm ảnh được coi là ấn tượng nhất, gây sốc nhất của thảm họa này là bức ảnh chụp một người đàn ông rơi xuống từ tầng cao chót vót của tòa nhà phía Bắc tháp đôi. Bức ảnh của nhiếp ảnh gia Richard Drew, hãng AP, sau này được đặt tên là The Falling Man (Người rơi) chụp một trong số rất nhiều nạn nhân vụ khủng bố đã nhảy ra khỏi tòa tháp và chấp nhận cú rơi khủng khiếp đến cái chết. The Falling Man được đăng trên New York Times một ngày sau thảm họa, ngay lập tức vấp phải sự phản đối kịch liệt của độc giả đến mức nó không được phép in lại và chỉ xuất hiện trở lại sáu năm sau đó.
Lý do thứ nhất, dễ thấy, là vấn đề đạo đức: việc chụp ảnh một người đang đi vào cõi chết là xâm hại đến tính riêng tư của cá nhân. Lý do phản đối thứ hai có lẽ quan trọng hơn với người Mỹ bởi tôn giáo của họ không chấp nhận, nói đúng hơn là cấm kỵ sự tự vẫn.
Câu chuyện tiếp diễn khi có vài nguồn tin sau đó nhận diện nạn nhân trong bức ảnh là ông Norberto Hernandez, một nhân viên chỉnh âm thanh cho một nhà hàng trên tòa tháp. Tuy nhiên, gia đình Hernandez cực lực phản đối, cho rằng người thân của mình không lựa chọn một hành động “tội lỗi” như vậy. Đến khi người ta khẳng định The Falling Man không phải là ông Hernandez, con gái của ông đã nói: “Tên tuổi của cha tôi đã được trả lại trong sạch”!
Tới nay, nhân vật chính bất đắc dĩ của bức ảnh nối tiếng vẫn hoàn toàn vô danh. Anh ta cũng giống như khoảng 200 nạn nhân khác tự tìm đến cái chết bằng cách nhảy xuống, ngay khi ấy và mãi sau này, đã biến mất khỏi truyền thông về vụ thảm họa.
Để tránh cho họ bị lên án, giống như The Falling Man, hay nói cách khác là bị trở thành nạn nhân một lần nữa, thuật ngữ “re-victimizing” đã được ghi xuống như nhắc nhớ một bài học đạo đức dành cho báo chí và nhiếp ảnh.
“Như trong phim”
Câu chuyện The Falling Man đã gây tranh cãi không ngớt suốt từ đó tới nay, không chỉ trên truyền thông mà đã trở thành ví dụ kinh điển của giới nghiên cứu học thuật. Nó cũng được đề cập trong cuốn Regarding the Pain of Others (Nhìn nỗi đau của người khác) của Susan Sontag, nhà văn, nhà làm phim người Mỹ nhưng được biết đến như một học giả, một nhà phê bình văn hóa và truyền thông nổi tiếng.
Bà phân tích: “Rất nhiều trong số những người chạy thoát khỏi tòa tháp đôi sụp đổ hay đứng gần đó chứng kiến vụ tấn công khủng bố 11-9 mô tả cảnh tượng như là cái gì đó “không thật”, hoặc “siêu thực”. Nhờ tác động của công nghệ và tiền tỉ mà Hollywood rót vào dòng phim thảm họa, những ấn tượng theo kiểu “giống như một giấc mơ” của những nhân chứng về thảm họa, giờ đây sẽ bị thay thế bởi cảm giác giống như một cuốn phim”.
Bức ảnh cú rơi của The Falling Man mặc dù chân thực, không bịa đặt hay bóp méo, nhưng nó cũng không thoát khỏi thuộc tính cố hữu của một bức ảnh khi đã trở thành biểu tượng: bị tách rời khỏi bối cảnh. Cú rơi cắm đầu xuống đất của The Falling Man vẫn là nỗi ám ảnh về một cái chết vừa rùng rợn, gây sốc, vừa có tính... kỳ vĩ (sublime), giống như trong phim.
Đó có thể là một trường hợp đặc biệt, nhưng “hình tượng hóa” sự kiện, nhất là thảm họa, là thói quen và xu hướng có thật của giới truyền thông. Điều nghịch lý là càng khai thác chi tiết cái sự tàn khốc, mức độ kinh hoàng tới “không tưởng” của thảm họa, thì truyền thông càng đẩy nó đến cái mức “giống như phim”. Nghĩa là càng khiến báo chí rời xa thực tiễn, bản chất cốt lõi nhất của báo chí.
Mượn hình ảnh hay biểu tượng để mô tả thảm họa là cách làm dễ thấy. Báo nước ngoài cũng có, dù không nhiều, ví dụ như báo Úc ví von con tàu chở thi thể các nạn nhân MH17 là “chuyến tàu tử thần”. Rất tiếc, thói quen này bị lạm dụng phổ biến trên báo chí Việt Nam. Không khó để đọc thấy các tít báo về tai nạn hoặc xung đột hàng ngày như “Hai mẹ con vụ nổ xe máy cháy như đuốc sống”, “Giang hồ đấu súng như trong phim”... Từ đó, việc giật tít “Nạn nhân rơi như bom” cũng là điều dễ hiểu.