Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Báo động đỏ tai nạn xây dựng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Báo động đỏ tai nạn xây dựng

Tâm Lan

Báo động đỏ tai nạn xây dựng
Hình ảnh vụ sập cần cẩu khi đang thi công tuyến đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội chiều 12-5. Ảnh: Tuoitre

(TBKTSG Online) – Hiếm có khi nào mà tai nạn lao động trong xây dựng – đặc biệt là các công trình xây dựng trên cao – lại xảy ra dồn dập như những ngày qua, đến mức người dân khi đi ngang qua các công trình cứ phải ngửa cổ lên trời dè chừng.

Chỉ trong vòng ba ngày từ 10 đến 12-5, ba vụ tai nạn lao động nguy hiểm đã liên tiếp xảy ra tại Hà Nội, hai trên cùng tuyến công trình đường sắt thí điểm đoạn Nhổn – Ga Hà Nội và một tại dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông. May mắn là không có thiệt hại về người, nhưng các sự cố này là những tín hiệu báo động đỏ về vấn đề an toàn lao động trong xây dựng hiện nay tại Việt Nam.

Vào khoảng 18h30 ngày Chủ nhật 10-5, một thanh cừ thép dài 9 mét, nặng 630 kg đã rơi từ công trường thi công nhà ga số 4 dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Nhổn – Ga Hà Nội xuống đường Hồ Tùng Mậu, làm hư hỏng xe máy của hai người đi đường.

Trong khi sự việc đang được UBND TP Hà Nội kiểm tra xử lý vào sáng 12-5, thì cũng ngay trong buổi sáng này, một thanh sắt tại công trường thi công nhà ga của Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông (Hà Nội) đã rơi xuống, trúng vào một xe ô tô lưu thông bên dưới. Đáng lưu ý, đây cũng chính là dự án đã từng xảy ra tai nạn sập giàn giáo vào cuối tháng 12-2014 và một thanh sắt rơi từ công trình làm chết người vào ngày 6-11-2014.

Chưa dừng lại ở đó, trong khi sự cố này vẫn còn gây hoang mang dư luận thì ngay buổi chiều cùng ngày, chiếc cần cẩu đang phục vụ thi công dự án đường sắt Nhổn – Ga Hà Nội bất ngờ đổ sập, đè vào hai căn nhà trên đường Cầu Giấy. Khu vực xảy ra sự cố sập cần cẩu thuộc gói thầu số 1 xây dựng tuyến cầu cạn từ Nhổn đến Kim Mã do tổng thầu Daelim (Hàn Quốc) thực hiện.

Các sự cố này thật sự là tiếng chuông cảnh tỉnh khi mà mới trước đó một tuần, một vụ tai nạn thương tâm xảy ra tại Đồng Tháp vào sáng ngày 5-5 khi một chiếc cần cẩu do công nhân Nguyễn Thái Huỳnh (29 tuổi) điều khiển, đang thi công cầu Hồng Ngự 2 thì phần đầu cần cẩu đổ sập xuống, đè chết ba mẹ con đi ngang qua bên dưới.

Các vụ tai nạn đã liên tiếp xảy ra mà nguyên nhân nằm chính ở con người, từ người công nhân không tuân thủ đúng các nguyên tắc an toàn lao động cho đến giám sát dự án không theo dõi gắt gao công trình; từ các nhà thầu không thật sự quan tâm đến an toàn lao động như một nguyên tắc đầu tiên khi hành nghề cho đến các cơ quan quản lý nhà nước ở địa bàn.

Có thể thấy các tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra ở bất cứ công trình xây dựng nào, với bất cứ nhà thầu nào, từ nhà thầu Việt Nam như trong trường hợp tai nạn tại Đồng Tháp cho đến các nhà thầu nước ngoài như Posco, Dealim (Hàn Quốc), Công ty Xây dựng Hải ngoại – Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc… Vụ tai nạn sập giàn giáo tại công trường Formosa ở Hà Tĩnh ngày 25-3-2015 khiến 16 người chết vẫn đang còn trong quá trình điều tra, nhưng hầu như không nhà thầu nào lấy đó làm bài học kinh nghiệm.

Thậm chí có những công trình mà tai nạn cứ lặp đi lặp lại hoài – chẳng hạn như công trình Dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đã nêu ở trên – cho thấy cả chủ đầu tư lẫn nhà thầu chưa nghiêm túc trong vấn đề an toàn lao động, trong khi sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước chưa thật sự làm người dân an tâm.

Báo cáo của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội (LĐTBXH) đăng trên website của cơ quan này cho thấy trong năm 2014, cả nước xảy ra 6.709 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) – trung bình mỗi ngày cả nước xảy ra 18 vụ TNLĐ – làm 6.943 người bị nạn. So với năm 2013, số vụ TNLĐ tăng 14 vụ và tổng số nạn nhân tăng thêm 56 người.

Đáng lưu ý, cũng theo một thống kê của Bộ LĐTBXH, có tới 30% trên tổng số vụ TNLĐ hiện nay rơi vào lĩnh vực xây dựng, trong đó 55% do té ngã, 24% vướng các vấn đề về điện, 10% do sập đổ thiết bị trên công trình…

Bộ LĐTBXH cũng lưu ý rằng có tới hơn 80% công nhân ngành xây dựng chủ yếu là lao động thời vụ và lao động tự do, phần nhiều trong số họ chưa được đào tạo bài bản nên ý thức bảo hộ lao động rất kém, ít khi quan tâm đến an toàn lao động. Trong khi đó, công tác giám sát thi công, đảm bảo an toàn lao động không được coi trọng là một trong số những nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn thương tâm.

Trở lại với các vụ tai nạn xây dựng mới đây, câu hỏi đặt ra đâu là nguyên nhân chính? Do năng lực yếu kém của các nhà thầu hay phải chăng những biện pháp xử lý khi xảy ra tai nạn không đủ mạnh để răn đe họ?

Trong vụ rơi thanh sắt gây chết người tại dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông ngày 6-11-2014, chỉ sau 10 ngày đình chỉ thi công, các hạng mục của dự án đã được phép thi công trở lại vào ngày 16-11. Ngày 28-12, một vụ tai nạn sập giàn giáo lại xảy ra và cũng chỉ 1 tháng sau đó, ngày 28-1-2015, công trình được phép tái thi công.

Có lẽ giải pháp hợp lý nhất là tăng mức xử phạt tài chính thật nặng để các nhà thầu đủ sợ và có trách nhiệm trong việc đảm bảo an toàn lao động và xa hơn là đảm bảo chất lượng dự án thi công.

Việc đưa ra các mức phạt thật nặng, và vai trò của pháp luật thật nghiêm phần nào đó sẽ làm cho các nhà thầu nghiêm túc hơn trong việc sử dụng lao động, các đơn vị giám sát sẽ chặt chẽ hơn trong kiểm tra, theo dõi. Đây cũng chính là biện pháp mà nhiều quốc gia khác áp dụng để buộc nhà thầu có trách nhiệm với chính mình.

Bên cạnh đó, cần rà soát lại hệ thống các quy định, các quy trình, quy phạm trong xây dựng để bổ sung nếu cần thiết, đồng thời thiết lập cơ chế kiểm soát, giám sát nhằm ngăn chặn các vi phạm thay vì chỉ xử lý các vi phạm khi hậu quả đã xảy ra.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới