Thứ Bảy, 28/09/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Bão giá rượt nông dân, ngư dân đến khi nào?

Mục Nhĩ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – “Hai vợ chồng tụi con lột vỏ hết một thiên dừa này thì được 250.000 đồng, vừa đủ mua đồ ăn và bỏ bao thơ đi đám cưới chiều nay”, đó là lời của cô Hường, một người dân ở Bến Tre, khi tôi hỏi về tiền công.

Vùng đất Nam bộ vốn phóng khoáng nên trái cây tuy tính chục mà tới 12 trái như dừa ở Bến Tre. Tiền công hay giá bán thì cứ tính theo chục, vì vậy một “thiên” không phải 1.000 mà tới 1.200 trái.

Cuối tuần qua, tôi có dịp đến Bến Tre, trên đường đi thì tiện ghé một quán nhỏ dọc đường bày bán các đặc sản xứ dừa. Trong sân nhà, hai vợ chồng cô Hường đang hì hục lột vỏ dừa khô mà theo họ là “ráng lột cho đủ một thiên để chiều có tiền đi đám cưới”. Thấy hai vợ chồng trẻ làm không ngơi tay, tôi buột miệng hỏi thăm mà khi nghe số tiền họ kiếm được thì tôi không tin vào tai mình, cứ tưởng nghe nhầm. Người thuê họ lột dừa không trả bằng tiền mặt mà trả bằng số vỏ dừa lột được, mà giá bán vỏ dừa hiện nay là 2.500 đồng/chục.

Trong vài tháng gần đây giá dừa khô Bến Tre giảm thê thảm, chỉ còn 20.000 đồng/chục mười hai trái trong khi giá hồi đầu năm là 70.000 đồng/chục. Giá dừa rớt kéo theo mọi sản phẩm từ dừa cũng giảm theo mạnh. Tại nhà cô Hường tôi mua một chai nước màu dừa loại một lít giá chỉ có 100.000 đồng, mà để có được một lít nước màu này thì phải cô đặc cỡ 20 lít nước dừa, tốn bao nhiêu là củi.

Giá dừa giảm mạnh, kéo dài trong khi chi phí xăng dầu, phân bón tăng cao khiến người trồng dừa thiệt hại nặng. Thị trường xuất khẩu dừa khô chính là Trung Quốc vẫn đóng cửa vì dịch Covid-19 khiến ngành dừa Bến Tre gần như tê liệt.

Dù trong hàng chục năm qua các ngành công thương, nông nghiệp… nói rất nhiều về các giải pháp nhưng người trồng và buôn bán dừa ở Bến Tre vẫn mắc kẹt trong vòng xoáy luẩn quẩn giá cả trồi sụt, công nghiệp chế biến dừa vẫn chưa mạnh. Trong khi đó, tại đô thị lớn như TPHCM, vào siêu thị thì một chai nước màu dừa nhỏ 150 mi li lit có giá đến 30.000 đồng và dừa tươi bán lề đường giá rẻ nhất cũng 15.000 đồng/trái.

Tình cảnh người trồng dừa cũng không khác mấy với người trồng lúa. Giá bán có cao đến đâu thì họ cũng chẳng hưởng được thêm bao nhiêu.

Theo báo Tuổi Trẻ cuối tuần qua, số liệu tại một hội nghị về trồng lúa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cho thấy, vụ hè thu 2022 tổng diện tích trồng lúa toàn vùng Nam bộ là trên 1,5 triệu héc ta, giảm 20.000 héc ta so với vụ hè thu 2021. Hàng chục ngàn héc ta lúa bị giảm trong vụ hè thu là do người dân “buông tay” vì không chịu đựng nổi khi giá vật tư nông nghiệp tăng cao do ảnh hưởng của bão giá, đặc biệt là phân bón, vật tư nông nghiệp.

Không chỉ nông dân bị bão giá rượt đuổi mà ngư dân cũng cùng chung cảnh ngộ. Hàng ngàn tàu cá từ Đà Nẵng đến Kiên Giang, Cà Mau không thể ra khơi vì chi phí xăng dầu tăng vọt. Do càng đánh bắt càng lỗ, có nơi như Quảng Ngãi đã có đến hơn 50% số tàu cá nằm bờ.

Tàu nằm bờ thì từ chủ tàu đến người làm công trên tàu đều khổ vì mất thu nhập, vì nợ nần bủa vây, vì tiền vay ngân hàng đến hạn, tiền trả góp đến kỳ.

Giải pháp giúp nông dân, ngư dân được nói nhiều nhưng vẫn còn trên giấy. Cũng may tới cuối tuần rồi Bộ Công Thương mới có văn bản đề nghị Chính phủ trợ giá xăng dầu cho ngư dân.

Đọc những chuyện này trên báo chí, tôi nghĩ mãi: Bao giờ thì nông dân, ngư dân mới chạy thoát cơn bão giá? Bao giờ thì có một hệ thống lưu thông hàng hóa giúp người nông dân hưởng đúng phần công sức của mình khi bán sản phẩm?

1 BÌNH LUẬN

  1. Nông dân ta nhìn chung vẫn còn khó khăn và cơ cực do sản phẩm bán ra giá quá thấp. Thử thay đổi cách thức vả chính nội lực của nông dân xem sao!? Chẳng hạn nông dân xứ dừa Bến Tre tự đứng ra lập và góp tiền trả lương HTX. Nhiệm vụ HTX lo đầu ra sản phẩm… Mọi giao dịch mua bán thông qua HTX thì khi đó các nông dân nhỏ lẻ không bị ép giá…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới