Thứ ba, 7/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bao giờ có thuốc, sao không ai trả lời?

Pha Lập

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Tình trạng bệnh nhân bảo hiểm y tế thiếu thuốc cũng như vật tư y tế đã kéo dài nhiều tháng qua nhưng đến nay họ vẫn chưa được trả lời bao giờ sẽ có thuốc.

Lãnh đạo các địa phương, ngành y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội đều lên tiếng sẽ “nêu cao tinh thần trách nhiệm cao nhất” để người bệnh sớm có thuốc(*). Tuy nhiên, sớm là một từ định tính, có thể là một tháng sau hay... một năm sau!

Ngặt nỗi, người bệnh có thể nhịn ăn vài bữa nhưng không thể đứt thuốc dù chỉ một ngày. Nhiều trường hợp, nếu thiếu thuốc dăm bảy ngày, người bệnh sẽ chết. Em bé ở Phú Yên bị rắn cạp nia cắn, rồi chết hồi tháng 5 năm nay vì các bệnh viện không có thuốc giải độc nọc rắn là một ví dụ(**).

Thiếu thuốc và vật tư y tế bảo hiểm, người bệnh phải gánh chịu toàn bộ chi phí khám chữa bệnh. Có người sẵn tiền chi trả, có người phải xoay xở để đủ tiền chi trả. Còn người không đủ tiền, họ có mua thuốc được không thì "có trời biết" vì không có cơ quan hữu quan nào tìm hiểu việc này.

Theo nhà sử học Trần Văn Giàu, thương người là một trong bảy đặc tính của người Việt Nam: Dù xây chin đợt phù đồ / Không bằng làm phúc cứu cho một người. Vậy mà những địa chỉ có “tinh thần trách nhiệm cao nhất” đã để hàng vạn bệnh nhân thiếu thuốc phải tự cứu mình trong nhiều tháng qua!

Những địa chỉ đó nói, nào là do tâm lý e ngại sau mấy vụ "đốt lò" trong ngành y tế, nào là do cơ chế đấu thầu, nào là vân vân và vân vân… nên mới xảy ra tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế. Nghĩa là họ có lý lẽ chính đáng để khẳng định trách nhiệm chính trong việc thiếu thuốc không phải do họ.

Ấy nhưng, đã muốn nói lý thì chắc chắn là người bệnh nắm phần lý cao hơn! Vì Luật Bảo hiểm y tế hiện hành nghiêm cấm hành vi “làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm y tế”.

Tuy nhiên, người bệnh hầu như rất "biết điều", họ chỉ chia sẻ, chịu đựng, cực chẳng đã cuối cùng mới kêu ca với các cơ quan truyền thông, chứ người bệnh chưa dùng luật để đấu lý với các cơ quan, đơn vị liên quan bảo hiểm y tế đã làm thiệt hại việc khám, chữa bệnh của họ. Đáp lại thiện chí của người bệnh là lời hứa "sẽ sớm có..." - một khoảng thời gian định tính.

Viết đến đây mới thấy Đảng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung(***) là thiết thực biết chừng nào. Rất tiếc, trong câu chuyện thiếu thuốc thời gian qua, chưa thấy hình bóng người cán bộ dám đột phá.

----------------

(*) https://tuoitre.vn/thu-truong-bo-y-te-neu-giai-phap-tranh-tam-ly-lo-ngai-so-sai-khong-dam-mua-sam-202207042013186.htm

(**) https://vnexpress.net/thieu-huyet-thanh-khang-noc-ran-cap-nia-be-gai-tu-vong-4466964.html

(***) Ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị  ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

2 BÌNH LUẬN

  1. Nhiều việc cứ tưởng khó, thực ra vẫn có cách giải quyết đơn giản, hiệu quả, nhưng không hiểu sao lại không triển khai được. UNDP Liên hiệp quốc từ lâu đã từng đề xuất phương án phối hợp với Bộ Y tế để đấu thầu quốc tế thuốc và vật tư, có khả năng tiết kiệm đến 50% chi phí ngân sách, nhưng cứ mãi dậm chân tại chỗ ? Thuốc của bảo hiểm y tế hiện nay, theo người dân thì chỉ uống… cho no là chính, tác dụng chữa đứt bệnh không có bao nhiêu. Chưa kể, chi phí thanh toán thường xuyên bị cắt lên cắt xuống, nếu không có đủ tiền xem như chết chắc. Trí/ Thân/ Tâm là ba cấu phần quan trọng nhất của cuộc sống con người, trong đó giáo dục lo liệu phần Trí, y tế chăm sóc phần Thân, văn hóa đảm trách phần Tâm. Nhưng đáng buồn và đáng lo là cả ba trụ cột này đã và đang lâm bệnh nặng ?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới