Bao giờ hết cần phiên dịch?
Danh Đức
(TBKTSG) - Dư luận, chủ yếu từ các quan chức, tuần qua vô cùng bức xúc khi Bộ Nội vụ dự kiến các thứ trưởng phải sử dụng được ít nhất một ngoại ngữ thông dụng với trình độ cao: “Quá viển vông, đánh đố”, “quy định như vậy thì lấy đâu ra thứ trưởng”... “Thứ trưởng của ta đa số từ cấp vụ trưởng và các giám đốc sở từ tỉnh được bổ nhiệm lên thì lấy đâu ra ngoại ngữ giỏi”.
Đúng là trình độ ngoại ngữ bậc 6 là cao quá so với mặt bằng học thuật quan chức hiện nay. Có lẽ nếu yêu cầu trình độ ngoại ngữ thấp hơn cho một giai đoạn chuyển tiếp nào đó sẽ ít gây sốc hơn?
Sốc đến nỗi có ý kiến phản bác thẳng thừng: “Ưu tiên số 1 đối với những chức danh trên vẫn là năng lực quản lý. Thứ trưởng mà chỉ giỏi ngoại ngữ thôi thì hóa ra chỉ là phiên dịch. Ông phiên dịch không thể thành một ông quản lý giỏi nhưng ông quản lý tốt chưa chắc đã có ngoại ngữ vì đã có phiên dịch rồi”.
Nếu đích thực “năng lực quản lý” giỏi thế, thì tại sao cả chục năm nay cứ liên tục vay Ngân hàng Thế giới (WB) để “tăng cường năng lực quản lý”? Mới hôm 5-6 đây thôi, WB đã cho vay 250 triệu đô la Mỹ nhằm giúp Việt Nam “tăng cường quản trị ngành tài chính và quản lý tài khóa nâng cao ổn định vĩ mô; tăng cường quản lý hành chính công, quản lý doanh nghiệp nhà nước và quản lý đầu tư công nâng cao minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình khu vực công...”!
Trước đó đúng một tháng, hôm 6-5, WB cũng đã cho vay 106 triệu đô la Mỹ nhằm “tăng cường năng lực quản lý trong ngành y tế và nâng cao năng lực của các đội chăm sóc sức khỏe ban đầu tuyến cơ sở”... Khi mà những đề mục cần “tăng cường năng lực” như vừa nêu, thật ra chỉ là yêu cầu cơ bản của một viên chức đúng nghĩa, thì đừng thắc mắc tại sao lại thiếu năng lực ngoại ngữ!
Thảo nào, từ khi gia nhập ASEAN năm 1995 tới nay mà hội nghị, hội thảo lớn nhỏ nào cũng nửa phòng họp đeo tai nghe, và hiểu đủ, hiểu đúng hay hiểu sai thì phó thác cho người phiên dịch, mặc cho thời gian phải kéo dài gấp đôi hoặc hơn. Trong khi đó, tại Campuchia, tháng 11-1991 khi ông hoàng Sihanouk từ Bắc Kinh về lại Phnôm Pênh, người biết tiếng Anh còn cực kỳ hiếm song bây giờ lại sử dụng tiếng Anh đại trà hơn ta! Có gì khác biệt giữa ta và các nước ASEAN khác? Có phải do yêu cầu tuyển dụng khác nhau không? Dường như ở ta, là “quy hoạch cán bộ”, là “cơ cấu”, còn ở các nước ấy là tuyển dụng. Ta “cơ cấu” theo chuẩn và yêu cầu của ta đồng thời đặt ra những tiêu chuẩn chế độ đáp ứng chuẩn đó, còn họ theo cách của họ, của phần lớn các nước trên thế giới. Còn bao nhiêu nước có cái tiêu chuẩn quan chức đi đâu họp gì cũng có phiên dịch đi kèm khi mà tiếng Anh đã là phổ quát toàn cầu? Có phải do định nghĩa “năng lực” của họ khác ta, nên người của họ đủ sức nghe, hiểu, đăng đàn và đối đáp bằng tiếng Anh còn quan chức ta thì không? Thật ra, những yêu cầu tuyển dụng như thế, các công ty nước ngoài, liên doanh và một số công ty tư nhân ở Việt Nam đã và đang áp dụng từ đầu thập niên 1990. Đó là chưa kể những yêu cầu khác như tinh thần sáng tạo, tính hợp tác, khả năng đối thoại, tư duy phản biện...
Thật ra, việc một quan chức sử dụng ngoại ngữ, ít nhất cũng trong giao tiếp, không chỉ là một yêu cầu mà còn là một “giá trị gia tăng”. Năm 1995, khi lễ tiếp nhận Việt Nam gia nhập ASEAN kết thúc, thiên hạ nói đùa: “Từ giờ quý vị còn phải tập chơi golf nữa, vì chúng ta sẽ vừa chơi golf vừa bàn chuyện”.
Trong lịch sử thế giới, đã có những tri âm, tri kỷ trở thành chiến hữu, như chuyện vua Anh George VI và Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt cụng ly, tâm sự với nhau cả đêm trong nhà riêng ông này ở Hyde Park (New York). Sau đó, Tổng thống Roosevelt đã quyết định sát cánh với nước Anh trước làn sóng Đức quốc xã. Thời nay cũng có một cặp tri kỷ tương tự. Hôm 23-5 vừa qua, khi nâng ly chúc mừng Tổng thống Indonesia Yudhoyono, Tổng thống Philippines Aquino đã thân mật nói, tất nhiên bằng tiếng Anh: “Lần cuối ta gặp nhau ở Myanmar, tôi đã gọi Ngài là Chú do lẽ Ngài đã hành động như là một người Chú khi chia sẻ sự thông tuệ của Ngài”. Trong thực tế các tranh chấp của Philippines, người “Chú” ấy đã hậu thuẫn người “Cháu” không ít.