Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bảo hộ lương thực – kết quả chỉ từ tệ đến tệ hơn!

Lạc Diệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Những tháng gần đây hàng chục quốc gia đã áp dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực nhằm bảo vệ nguồn cung nội địa. Xu hướng này được dự báo có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế toàn cầu và ngay quốc gia áp dụng chính sách bảo hộ cũng sẽ bị thiệt hại rất lớn.

Làn sóng cấm, hạn chế xuất khẩu lương thực

Theo báo Le Monde của Pháp, một vòng xoáy nguy hiểm đang xuất hiện trên thị trường lương thực toàn cầu. Các số liệu từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy, giá lương thực đã tăng 30% trong vòng một năm qua, khi dịch bệnh Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị thắt chặt. Để ứng phó, ngày càng nhiều quốc gia lựa chọn cắt giảm xuất khẩu và tăng cường tích trữ lương thực, thực phẩm – một động thái được đánh giá là có thể khiến cho tình hình càng trở nên tồi tệ hơn, khiến giá cả tiếp tục leo thang.

Các nước châu Á được coi là tâm điểm của làn sóng này. Hồi tháng 4, Indonesia đã khiến nhiều quốc gia đứng ngồi không yên khi tuyên bố tạm ngừng xuất khẩu dầu cọ – sản phẩm quan trọng của nước này, chiếm tới 60% sản lượng xuất khẩu của toàn thế giới. Sang tháng 5, đến lượt Ấn Độ tuyên bố sẽ tạm ngừng xuất khẩu lúa mì và hạn chế xuất khẩu đường. Một quốc gia châu Á khác là Malaysia cũng cho biết sẽ tạm ngừng xuất khẩu thịt gà kể từ đầu tháng 6 “cho đến khi giá cả và nguồn cung trong nước ổn định trở lại”.

Những động thái tương tự cũng diễn ra tại nhiều khu vực khác. Hungary, Serbia, Kyrgyzstan và Kazakhstan đã lần lượt áp đặt các biện pháp hạn chế đối với xuất khẩu ngũ cốc, trong khi với Argentina là thịt bò, còn Iran là khoai tây.

Theo chuyên gia Sabrin Chowhury – người đứng đầu mảng hàng hóa tại Fitch Solutions, kể từ khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát tới nay, khoảng 30 quốc gia đã thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực, đẩy chủ nghĩa bảo hộ nông nghiệp lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng giá lương thực trong giai đoạn 2007-2008. Bà dự báo “chủ nghĩa bảo hộ sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng tới và làm trầm trọng thêm rủi ro về an ninh lương thực đối với những quốc gia dễ bị tổn thương”.

Sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ lương thực

Trên thực tế, chủ nghĩa bảo hộ lương thực không phải điều gì quá mới mẻ đối với thế giới. Trong năm 2007 và những tháng đầu năm 2008, giá lương thực trên toàn thế giới tăng cao, do sự leo thang của giá dầu và tình trạng hạn hán nghiêm trọng ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp tại nhiều quốc gia, khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị thắt chặt. Hệ quả là giá lương thực toàn cầu đã tăng đột biến, trong đó giá gạo tăng 300% chỉ trong bốn tháng đầu năm 2008.

Ông Peter Timmer, giáo sư danh dự về chuyên ngành phát triển tại Đại học Harvard, người từng nghiên cứu về rủi ro liên quan đến lương thực trong nhiều thập kỷ, tin rằng, một kịch bản tương tự đang diễn ra với cuộc khủng hoảng giá lương thực hiện nay. Chia sẻ với Fortune, ông cho biết “tôi thực sự hiểu vì sao họ lại lo lắng về an ninh lương thực cho người dân của mình. Không một chính phủ nào tại châu Á có thể bỏ qua những áp lực đó”.

Mối đe dọa an ninh lương thực và lạm phát

Trong khi chủ nghĩa bảo hộ lương thực được một số quốc gia coi là biện pháp cần thiết để bảo vệ nền kinh tế của mình, nó đồng thời cũng đe dọa nhiều quốc gia khác vốn phụ thuộc vào nguồn lương thực thực phẩm nhập khẩu, đặc biệt là các nước nghèo, đang đứng bên bờ vực khủng hoảng nạn đói.

Theo Bloomberg, các biện pháp bảo hộ, cùng với cuộc xung đột tại Ukraine đang khiến giá nhiều mặt hàng ngày càng đắt đỏ hơn. Theo thống kê của Liên hiệp quốc, chỉ riêng trong năm 2022, giá sữa tăng đã 14%, trong khi giá dầu cọ tăng 38%. Giá lúa mì giao kỳ hạn thậm chí đã tăng tới 56% và lượng dự trữ toàn cầu được cảnh báo chỉ đủ dùng trong 10 tuần.

“Sẽ có những tác động trên toàn thế giới”, ông Patrick Westhoff, Giám đốc Viện Nghiên cứu chính sách nông nghiệp và thực phẩm tại Đại học Missouri, Mỹ chia sẻ với Fortune. “Khi Ấn Độ hạn chế xuất khẩu lúa mì hoặc Indonesia tạm dừng xuất khẩu dầu ăn, điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến giá ngũ cốc và dầu ăn trên toàn thế giới”.

Người dân tại những quốc gia nghèo khó sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng thiếu hụt và tăng giá thực phẩm. Chương trình lương thực thế giới cho biết, nạn đói hiện đang tấn công 43 quốc gia, khiến 325 triệu người tiến sát bờ vực của nạn đói.

Trả lời phỏng vấn DW, ông Arif Hussain, chuyên gia kinh tế trưởng Chương trình Lương thực Thế giới, nhận xét: “Hãy đặt mình vào vị trí của người dân ở các nước thu nhập thấp hoặc trung bình, nơi bạn sẽ phải chi ít nhất 50% thu nhập cho lương thực thực phẩm. Và rồi đột nhiên các mặt hàng này tăng giá mạnh. Đó là thực tế đang xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới”.

Theo Giáo sư Timmer, tình hình đáng lo ngại nhất là tại châu Phi, nơi nhiều quốc gia đã phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực trong suốt nhiều thập kỷ qua và thường xuyên phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực.

Hạn chế xuất khẩu không phải giải pháp bền vững

Hầu hết các quốc gia thực hiện các biện pháp hạn chế xuất khẩu lương thực đều khẳng định chính sách của họ chỉ mang tính tạm thời và sẽ dần được dỡ bỏ khi thị trường ổn định trở lại.

Tuy nhiên, theo báo Le Monde, thương mại toàn cầu là một trụ cột quan trọng của an ninh lương thực. Việc hạn chế thương mại do vậy sẽ chỉ càng khiến nguồn cung bị thắt chặt, khuyến khích tình trạng đầu cơ và gia tăng vòng xoáy lạm phát, chứ không thể giải quyết được vấn đề của các quốc gia này.

Tờ báo này chỉ ra rằng, việc ngăn chặn xuất khẩu một mặt hàng có thể kiềm chế được giá của mặt hàng đó, nhưng lại không thể bảo vệ được người tiêu dùng trước sự tăng giá của các sản phẩm phải nhập khẩu do chưa sản xuất được trong nước. Ví dụ như Ấn Độ, quốc gia vừa tuyên bố hạn chế xuất khẩu lúa mì và đường, nhưng đồng thời cũng là một trong những nước đầu tiên phản đối việc Indonesia hạn chế xuất khẩu dầu cọ. Sự có đi có lại trong thương mại là một cán cân mong manh rất dễ bị phá vỡ, dù chỉ với những biến động nhỏ nhất.

Bên cạnh đó, tính hợp lý của mỗi quyết định hạn chế thương mại cũng là điều cần lưu ý. Theo Giáo sư Timmer, các chính sách bảo hộ đã được áp dụng cho đến thời điểm hiện tại, chủ yếu xuất phát từ sự hoảng loạn và hoang mang của thị trường, hơn là các mối đe dọa hữu hình.

Một ví dụ cho sự bất hợp lý có thể kể đến lệnh hạn chế xuất khẩu đường của Ấn Độ. Theo Hiệp hội các nhà máy đường Ấn Độ, nước này dự kiến sản xuất 35 triệu tấn trong vụ mùa hiện tại và tiêu thụ 27 triệu tấn. Nếu tính cả kho dự trữ của mùa trước với khoảng 8,2 triệu tấn, Ấn Độ hiện dư thừa tới 16,2 triệu tấn đường, bao gồm cả 10 triệu tấn cho xuất khẩu theo hạn mức mà chính phủ nước này vừa đặt ra. Vì vậy, lệnh hạn chế xuất khẩu đường, được cho là một quyết định có phần thận trọng quá mức, khi mà nguồn cung trong nước vẫn dồi dào.

Một vấn đề khác là sự hạn chế xuất khẩu sẽ gây ra tình trạng bất ổn trong hoạt động sản xuất của chính quốc gia thực hiện biện pháp đó. Những người nông dân bị chính phủ ngăn cản bán sản phẩm của họ cho các khách hàng nước ngoài, sẽ không thể hưởng lợi từ mức giá tốt của thị trường và bù đắp lại những chi phí sản xuất ngày càng leo thang.

Tại Indonesia, chỉ ít tuần sau khi ban hành lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ, chính quyền Tổng thống Joko Widodo đã phải đảo ngược quyết định của mình, do sự phản đối quyết liệt của các nhà sản xuất trong nước và tình trạng dư cung khiến giá mặt hàng này giảm mạnh tại thị trường nội địa.

Còn tại Malaysia, nhiều nông dân đã cảm thấy lo ngại rằng, lệnh cấm xuất khẩu có hiệu lực từ ngày 1-6 sẽ khiến Singapore – nước nhập khẩu nhiều gà từ Malaysia, chuyển sang tìm kiếm nguồn cung thay thế, dẫn đến những thiệt hại lâu dài về thương mại.

Theo các chuyên gia, để giải quyết cuộc khủng hoảng trong dài hạn, các quốc gia cần tìm tới những giải pháp mang tính bền vững hơn là thương mại và tăng cường sản xuất. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn bên lề Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ trong tuần qua, bà Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), khuyến cáo: “Có hai điều cần được làm, và phải làm một cách nhanh chóng. Một là ngăn chặn các biện pháp hạn chế thương mại, khi mà đã có tới 30 quốc gia hạn chế xuất khẩu các mặt hàng lương thực. Điều này chỉ khiến cho cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn. Hai là phải gia tăng sản lượng lương thực ở bất cứ nơi nào có thể. Điều này có thể thực hiện bằng việc hỗ trợ tài chính để khuyến khích người nông dân sản xuất nhiều hơn”.

Nguồn: Fortune, Business Time, Le Monde, Strait Times, Bloomberg, Business Standard, France 24

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới