Thứ sáu, 22/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bảo hộ nhãn hiệu Đăng ký trước để yên tâm làm ăn

Ngân Trần(*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Những rủi rõ về mặt pháp lý liên quan đến việc xâm phạm nhãn hiệu của người khác có thể dễ dàng hạn chế với chi phí hợp lý bằng việc đăng ký thành công nhãn hiệu trước khi sử dụng trong kinh doanh. Làm được điều này, có lẽ những vụ việc sau đây đã không xảy ra.

Hình ảnh nhãn hiệu màu xanh Tiffany đã được bảo hộ tại Úc của Công ty Tiffany & Co, ảnh chụp màn hình tại cơ sở dữ liệu của Cục Sở hữu trí tuệ Úc. Nguồn: mondaq.com

Những vụ xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa đã được bảo hộ của người khác vẫn tiếp tục diễn ra, đôi khi rất lạ kỳ.

Xâm phạm nhãn hiệu đã được bảo hộ

Theo báo Người Lao động trong bài viết Xâm phạm thương hiệu kẹo sìu châu, 2 chị em kéo nhau ra tòa, ngày 22-6, Tòa án Nhân dân quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã tuyên bị cáo 12 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”, cụ thể là nhãn hiệu(1).

Theo bài báo, ông Mỹ, cậu ruột của bị cáo, là nhân viên làm kẹo cho bị cáo vào năm 2009, trong đó có kẹo sìu châu (kẹo lạc). Năm 2013, ông Mỹ nghỉ việc và chuyển ra làm riêng. Ông đăng ký kinh doanh hộ cá thể có tên là “Toàn Mỹ”, cũng như đăng ký nhãn hiệu “Toàn Mỹ” và hình ảnh cho sản phẩm kẹo sìu châu mà ông bán và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu vào năm 2015.

Tuy nhiên, năm 2020 bị cáo đã thành lập Công ty TNHH Sản xuất bánh kẹo Toàn Mỹ và sử dụng nhãn hiệu “Toản Mỹ” cho kẹo sìu châu. Sau khi bị ông Mỹ phản ánh, bị cáo thay đổi nhãn hiệu từ “Toản Mỹ” thành “SX tại Công ty Toàn Mỹ” và vẫn tiếp tục kinh doanh.

Tháng 1-2022, bị cáo ký hợp đồng bán sản phẩm kẹo sìu châu “SX tại Công ty Toàn Mỹ” cho một đối tác trong một hợp đồng trị giá hơn 300 triệu đồng thì bị ông Mỹ phát hiện và trình báo công an. Kết quả giám định cho rằng hàng hóa bị cáo bán là hàng hóa giả mạo đối với nhãn hiệu của ông Mỹ đã được bảo hộ.

Trước đó vào tháng 3, Tòa án Nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ra phán quyết sơ thẩm, tuyên phạt bị cáo Lê Đình Trung (Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam) số tiền 700 triệu đồng và pháp nhân Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam số tiền 3 tỉ đồng về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”. Bởi bị cáo đã điều hành pháp nhân sản xuất bia mang nhãn hiệu “Bia Sài Gòn Việt Nam”, cũng như có kiểu dáng công nghiệp gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa đối với nhãn hiệu “Bia Sài Gòn” của SABECO đã được bảo hộ(2).

Hay tại Úc, Hannah Poppins - một chủ tiệm hoa giấy - chỉ dùng chữ màu xanh Tiffany (Tiffany blue) để mô tả cho màu hoa thiết kế trên trang web bán hàng. Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau đó, Công ty Tiffany & Co đã gửi thư yêu cầu Hannah Poppins không được sử dụng chữ màu xanh Tiffany để mô tả cho sản phẩm của cô, vì nhãn hiệu màu xanh Tiffany đã được bảo hộ bởi Công ty Tiffany & Co.

Bảo đảm quyền SHTT, trong đó có nhãn hiệu

Qua các vụ việc trên cho thấy, các doanh nghiệp khi kinh doanh không chỉ cần đảm bảo chất lượng của hàng hóa, dịch vụ mà cũng cần đảm bảo quyền SHTT đối với các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, trong đó có nhãn hiệu.

Cụ thể theo điều 46, Luật Thương mại Việt Nam 2005, bên bán - tức doanh nghiệp (1) không được bán hàng hóa vi phạm quyền SHTT, và (2) phải chịu trách nhiệm trong trường hợp có tranh chấp liên quan đến quyền SHTT đối với hàng hóa đã bán. Điều này giúp hạn chế tình trạng một số doanh nghiệp sử dụng các nhãn hiệu trùng hay tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của chủ thể khác đã có tiếng hoặc đã tạo được ấn tượng liên kết tốt trong tâm trí của khách hàng, nhằm trục lợi.

Nên đăng ký nhãn hiệu thành công trước khi sử dụng

Do đó, các doanh nghiệp muốn hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xâm phạm đến các nhãn hiệu đã được bảo hộ của người khác nên đăng ký nhãn hiệu thành công trước khi sử dụng là điều nên làm.

Chỉ với một chi phí hợp lý cho việc đăng ký nhãn hiệu (doanh nghiệp có thể tự làm nếu có nhân viên làm được hoặc thuê dịch vụ chuyên nghiệp), doanh nghiệp có thể biết được liệu có nên sử dụng hay đầu tư ngân sách nhiều hơn cho dấu hiệu dự định làm nhãn hiệu.

Bởi để được bảo hộ và cấp văn bằng, nhãn hiệu cần đáp ứng hai yêu cầu cơ bản. Đầu tiên là khả năng phân biệt tự thân tức dấu hiệu làm nhãn hiệu không phải là dấu hiệu có chức năng mô tả đặc điểm, tính chất, công dụng, địa điểm sản xuất… của sản phẩm, dịch vụ(3).

Ví dụ: Không thể đăng ký nhãn hiệu chữ “MỀM MƯỢT” cho dầu gội đầu, vì ai kinh doanh mặt hàng này cũng cần sử dụng chữ đó để mô tả cho sản phẩm. Như vậy, bước này giúp doanh nghiệp biết được liệu dấu hiệu dự định lựa chọn làm nhãn hiệu có khả năng phân biệt, đáp ứng được chức năng cơ bản nhất của nhãn hiệu là phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân.

Thứ hai, nhãn hiệu cần có khả năng phân biệt với dấu hiệu khác (khâu sàng lọc pháp lý hay việc tra cứu nhãn hiệu), tức dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu không được trùng hay tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ hay đã nộp đơn trước (hay có ngày ưu tiên sớm hơn) cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc liên quan.

Ví dụ: tôi đã đăng ký thành công nhãn hiệu THANH NGÂN cho sản phẩm bánh đậu xanh, nếu bạn đăng ký nhãn hiệu THANH NGÂN hoặc THÀNH NGÂN cho sản phẩm này thì khả năng cao cũng không được chấp nhận. Như vậy, bước này giúp bạn kiểm tra xem liệu nhãn hiệu mình chọn có khả năng xâm phạm đến nhãn hiệu của người khác hay không.

Do đó, chỉ khi nhãn hiệu đáp ứng hai điều kiện cơ bản nêu trên, doanh nghiệp mới được cấp văn bằng (trừ nhãn hiệu nổi tiếng), tờ giấy ghi nhận rằng bạn chính là chủ sở hữu một dấu hiệu gắn liền với một loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể tại Việt Nam. Lúc này bạn có thể yên tâm hơn mình đang kinh doanh, đầu tư tài chính cho một dấu hiệu đã được pháp luật ghi nhận sự bảo hộ, hạn chế những rủi ro như các vụ việc đã đề cập.

Thêm nữa, khi doanh nghiệp được pháp luật ghi nhận là chủ nhãn hiệu, ngoài việc yên tâm và tự tin phát triển, doanh nghiệp còn có thể chống lại sự xâm phạm của các chủ thể khác đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ của mình như việc ông Mỹ, SABECO hay công ty Tiffany & Co đã làm.

(*) CEO, Công ty Bảo hộ nhãn hiệu quốc tế, Maygust Trademark Attorneys, Úc

(1) https://nld.com.vn/phap-luat/xam-pham-thuong-hieu-keo-siu-chau-2-chi-em-keo-nhau-ra-toa-20230622171347408.htm

(2) https://tuoitrethudo.com.vn/tuyen-an-vu-xam-pham-nhan-hieu-bia-sai-gon-cua-sabeco-219618.html

(3) Khoản 2, điều 74, Luật Sở hữu trí tuệ 2022

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới