(KTSG) - 1. Trong cuộc tình trước đây, có lần tôi được người yêu nhắn gửi: “Mai sau khi cưới nhau về rồi, em xin anh một điều là anh đừng đánh em nhé!”. Tôi còn nhớ cảm giác bất ngờ đến lặng người của tôi lúc đó, cho tới khi tôi có thể định thần đáp: “Em yên tâm, không có chuyện đó đâu”, để rồi hỏi lại ngay: “Sao em lại nghĩ là anh sẽ đánh em?”. Cô ấy trả lời: “Em không biết! Nhưng ba em từng đánh mẹ em nhiều lần, làm cho chị em em rất giận và cũng rất sợ…”.
Người chững chạc, độc lập và cá tính như cô ấy mà thốt ra lời đề nghị đó khiến tôi không khỏi băn khoăn về nỗi bất an, những điều không chắc chắn đang tồn tại trong lòng cô ấy. Sau một thời gian được nghe cô chia sẻ nhiều hơn về gia đình, tôi biết quá khứ gia đình cô có tình trạng bạo lực, chồng đánh đập vợ vì nhiều lý do, nhưng phần lớn là do áp lực công việc cũng như vào những lúc say xỉn...
Tuy mộng ước về gia đình nhỏ của hai chúng tôi năm đó không đi được tới bến bờ, nhưng lời “cầu xin” ngày nào của cô ấy vẫn ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Cũng không biết giờ đây cô có còn bị ám ảnh chuyện bạo lực gia đình hay không nữa.
2. Gần đây, vợ tôi gấp gáp bắt chuyến bay sớm từ Sài Gòn về Rạch Giá (Kiên Giang) để an ủi một cô bạn thân. Cô bạn ấy làm việc ở một cửa hàng trang sức, chồng cô làm cho một chi nhánh điện lực, gia đình có hai đứa con trai, đứa nhỏ mới hơn bốn tháng tuổi.
Thoạt nhìn có thể nghĩ đây là một gia đình êm ả với công việc tốt và ổn định. Thế nhưng phía sau hình ảnh đó là những chuỗi ngày người chồng mắng chửi, đánh đập vợ con. Cô vợ đã giấu hầu hết mọi người xung quanh về tình trạng bạo lực trong đời sống hôn nhân của cô. Cho tới một lúc, cô gửi tới vợ tôi những tin nhắn và các đoạn ghi âm về những lời lẽ xúc phạm nhân phẩm, những âm thanh của sự đánh đấm, những điều mà khi nghe xong, vợ tôi phải xót xa viết trên Facebook: “Có thể từ nay về sau, điều duy nhất mà tôi cầu chúc vào sinh nhật của bạn ấy không phải là chúc bạn vui vẻ, hay trẻ mãi không già, mà chỉ cầu cho bạn được bình an”.
Vấn đề là sau bao đắng cay tủi phận, sau những lần có ý định ly hôn, kể cả đã có sự chủ động đề phòng bằng việc ghi âm lại các cuộc bạo hành, rốt cuộc cô ấy vẫn tiếp tục sống cuộc hôn nhân đó. Vợ tôi - bạn của cô ấy, dẫu là một chuyên viên tâm lý trị liệu, cũng buộc phải thốt lên (với tôi) một cách tiêu cực rằng: “Em về dưới không phải để hỗ trợ điều trị cho bạn, cũng không phải để giúp nó thoát ra khỏi tình trạng hiện tại, mà chỉ để không hối tiếc vì mình cũng đã gặp gỡ để an ủi bạn, trước khi điều xấu nhất có thể xảy ra…”.
Trong cuốn sách Ngừng lệ thuộc của Melody Beattie, tác giả trình bày về tình trạng “đồng phụ thuộc” nơi những con người đánh mất bản thân dựa trên danh nghĩa giúp đỡ người khác. Sự lệ thuộc tinh thần tuy vô hình nhưng nó thật sự ghê gớm. Nó có thể khiến một người vợ chọn tiếp tục chịu đựng bạo hành trong cuộc hôn nhân, lấy danh nghĩa “giữ cho con cái có đủ cha lẫn mẹ”. Nhưng những người đồng phụ thuộc không biết là họ đang góp phần cho hành vi bạo hành được xảy ra. Người chồng có thể bị lệ thuộc vào tiền tài, địa vị, danh dự…, thường xuyên chịu áp lực từ những điều này và nhiều khi họ dùng đến bạo lực để giải quyết áp lực, giải quyết vấn đề của họ. Còn người vợ thì đồng lệ thuộc khi tha thứ cho bạo lực, xem đó là việc cần thiết cho mục đích cuối cùng là gia đình, chồng con.
Rõ ràng, cả hai, dù là người gây bạo lực hay người chịu đựng bạo lực, đều xứng đáng được trị liệu để trở nên khỏe mạnh và tái lập cuộc hôn nhân đúng nghĩa. Trị liệu để đi tới viễn cảnh “không để mình lệ thuộc người khác và không để người khác lệ thuộc mình”. Nhưng luôn còn một câu hỏi đặt ra với chuyên viên trị liệu tâm lý, đó là sau phác đồ điều trị, liệu cuộc hôn nhân vẫn có thể tồn tại hay không…