Bạo lực học đường có xu hướng tăng
Tường Vi
![]() |
Sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM trong giờ thí nghiệm gene - Ảnh: Tường Vi |
(TBKTSG Online) - Chiều ngày 9-12, các đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) TPHCM tiếp tục phiên chất vấn với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) xung quanh các vấn đề được xã hội quan tâm hiện nay là giáo dục mầm non, các trường ngoài công lập và nạn bạo lực học đường.
Bạo lực học đường có xu hướng tăng
Trong phần trình bày của mình, Giám đốc Sở GDĐT Huỳnh Công Minh cho biết vấn nạn bạo lực học đường đang có chiều hướng tăng, thậm chí các em đã sử dụng hung khí làm chết người cũng như thành lập băng nhóm, tổ chức ghi hình phát tán trên mạng Internet.
Theo ông Minh, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là tác động từ bên ngoài nhà trường, như việc du nhập văn hóa không lành mạnh ảnh hưởng đến giới trẻ, sự quan tâm chăm sóc của gia đình và xã hội chưa đúng mức; cũng như việc giáo dục chưa đầy đủ về đạo đức, giá trị sống, kỹ năng sống cho các em; …
Đại biểu Phạm Minh Trí gây bất ngờ khi cho rằng tình trạng bạo lực học đường phổ biến trên thế giới, nhưng ở Việt Nam hãy còn nhẹ vì học sinh chỉ mới dùng dao và mã tấu chứ chưa dùng súng như ở nước ngoài (!).
Theo các đại biểu, Vấn nạn bạo lực học đường còn có một phần do ảnh hưởng từ trò chơi bạo lực. Theo thống kê thì hiện nay ở Việt Nam có 5 triệu người thường xuyên chơi game online, trong đó có 1 triệu người chơi chuyên nghiệp, đa phần là giới trẻ, và có đến hơn 80% game online đang lưu hành mang yếu tố bạo lực.
Giải pháp nào cho vấn nạn bạo lực học đường?
Báo cáo tại phiên chất vấn kỳ họp HĐND khóa 7 sau 4 tháng thực hiện việc cấm các đại lý kinh doanh Internet mở cửa từ 22 giờ khuya hôm trước đến 8 giờ sáng hôm sau, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM cho biết, Sở đã yêu cầu các nhà cung cấp game không cung cấp game online bạo lực. "Sở đã làm với 3 đơn vị cung cấp game có 22 trò chơi kiếm hiệp và yêu cầu gỡ bỏ yếu tố bạo lực. Đến tháng 1-2011 sẽ kiểm soát thêm 30 trò chơi nữa mang tính chất bạo lực", ông Hà nói.
Theo ông Minh, Sở GDĐT TPHCM đã có nỗ lực kiểm soát tình trạng bạo lực học đường. "Sau vụ việc đầu tiên các học sinh ở Hà Nội đánh nhau rồi tung clip lên mạng, chúng tôi đã tổ chức hội thảo gồm 400 đại biểu là nhà khoa học và sư phạm để cùng bàn luận, đánh giá mức độ, tìm hiểu nguyên nhân, và đưa ra giải pháp", ông Minh nói.
Đại biểu Thái Tuấn Chí kiến nghị các trường cần thành lập ban an ninh để phòng chống nạn bạo lực học đường, nâng cáo ý thức trách nhiệm của hiệu trưởng và giáo viên.
Giáo dục mầm non, đạt chuẩn hay không?
Báo cáo của Sở GDĐT cho biết mỗi năm có hàng trăm trường mầm non ở thành phố tiếp cận chuẩn quốc tế và khu vực, trên 60% giáo viên mầm non đạt chuẩn, nhưng theo đại biểu Nguyễn Văn Bạch: "Hiện nhiều trường đã phá chuẩn vì sĩ số lên tới 55 em/lớp trong khi chuẩn quy định 30-35 em/lớp".
Vấn đề khó khăn là xây dựng trường lớp, “Năm 1999, thành phố dành 20% ngân sách xây dựng cơ bản cho trường học, mỗi năm đưa vào sử dụng 1.000 phòng học mới nhưng sang năm 2002, quy định của chính phủ đã không cho phép nhà nước xây dựng mầm non công lập tại những địa phương đô thị", ông Minh nói.
Phổ cập mầm non 5 tuổi tập trung ở những vùng khó khăn, xây dựng trường lớp đầy đủ, nâng cao trình độ cũng như chính sách cho giáo viên mầm non... là những vấn đề nóng ở bậc học này. Ông Minh cho hay: “Nếu như một quận huyện có 20-30 trường mầm non công lập thì còn có đến 60-80 nhóm lớp mầm non tư thục vệ tinh do các trường công lập này quản lý chỉ đạo nhưng chưa có chính sách hỗ trợ cho người quản lý các nhóm lớp này".
Do làn sóng nhập cư tìm việc làm ở thành phố, ngày càng xuất hiện nhiều các nhóm lớp mầm non ngoài công lập. Những lớp này thiếu đầu tư cơ sở vật chất, giáo viên không qua đào tạo... và đây là một điểm nóng được các đại biểu rất quan tâm nhưng chưa nhận được sự giải thích thỏa đáng của ngành GDĐT về hướng giải quyết.
Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TPHCM, cho biết hiện giáo dục mầm non 5 tuổi đã thu hút 96% các em đến trường nhưng chưa thu hút được các em ở lứa tuổi nhỏ hơn. "Cần phải có đầu tư nhà nước, chính sách xã hội, bổ sung giáo viên bậc mầm non nhằm giải quyết tình trạng 14 phường xã TPHCM không có trường mầm non và 1.500 bảo mẫu phải thay thế nhiệm vụ của giáo viên".