(KTSG Online) - Đêm 7-9, sau khi đi sâu vào đất liền khu vực đồng bằng Bắc bộ, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, có thể gây mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 70-150 mm, có nơi trên 400 mm.
- Bão số 3 vào Biển Đông, sức gió mạnh đến 200 km/giờ, sóng cao 8-10m
- Bão số 3 tăng cấp, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đêm 7-9, sau khi đi sâu vào đất liền khu vực đồng bằng Bắc Bộ, bão số 3 (bão Yagi) đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Dự báo đến 1 giờ ngày 9-9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới nằm trên nước Lào, sức gió mạnh nhất dưới cấp 6. Khu vực chịu ảnh hưởng là khu vực phía Tây vịnh Bắc Bộ, khu vực Bắc Bộ, độ rủi ro cấp 3.
Trên biển, vùng biển vịnh Bắc bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; biển động mạnh. Trên đất liền, khu vực sâu trong đất liền Bắc bộ có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Từ chiều 8-9, sóng giảm dần.
Phía Đông Bắc bộ và Thanh Hóa từ sáng sớm 8-9 có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 70-150 mm, cục bộ có nơi trên 300 mm. Phía Tây Bắc bộ từ sáng 8 đến sáng 9-9 có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-200 mm, cục bộ có nơi trên 400 mm.
Thống kê thiệt hại ban đầu do bão số 3 gây ra
- Tỉnh Quảng Ninh: 3 người chết, 4 người bị thương do bị cây đổ, sập mái tôn, kính bay vào người, điện giật, một cần cẩu 300 tấn bị đổ và 14 tàu bị chìm, một tàu khác trên tàu có 6 người bị mất tích.
- Tỉnh Lạng Sơn: 3 người bị thương, 321 hộ bị hư hại nhà ở, 302 hộ bị tốc mái.
- TP Hà Nội: 1.617 cây đổ, 598 cây gãy cành, nhiều nhà tốc mái, hàng chục xe máy và ôtô bị hư hỏng; gần 300 bức tường bao bị đổ; nhiều tuyến đường ngập sâu trong nước. Diện tích lúa bị hư hại do gió, bão ở các huyện ngoại thành Hà Nội khoảng 3.559 ha.
- Tỉnh Bắc Ninh: 1.500 ha lúa, hoa màu bị ngập đổ, 40 nhà tốc mái, khoảng 3.000 cây bị ngã, 29 lồng bè cá bị trôi dạt, hư hại. Tuyến đê tả sông Ngũ Huyện Khê bị lún, nứt với chiều dài khoảng 25 m.Tỉnh Hưng Yên: 617 ngôi nhà bị hư hại, 5.871 cây xanh bị gãy đổ làm hư hỏng 4 ôtô và 6 xe máy. Bão số 3 cũng đã làm trên 11.500 ha cây trồng bị thiệt hại, 56 cột điện bị đổ, 10 chuồng trại bị hư hỏng và 77 trạm bơm chống úng bị mất điện.
- Tỉnh Thái Nguyên: 1.500 cây xanh bị gãy đổ, bật gốc, 30 cột điện ngã, khoảng 250 ha lúa bị đổ, khoảng 7 ha lúa bị ngập; 1.500 cây xanh bị gãy đổ, bật gốc.