Thứ bảy, 18/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bảo tàng Thổ sản Hội An

ThS. Phạm Phú Ngọc - ThS. Phan Văn Quang

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Có những sản vật gắn với cái tên Hội An mới “đúng ngon” nhưng không phải người tiêu dùng nào cũng biết vì sao. Điều này sẽ được giải mã khi bạn đến thăm Bảo tàng Thổ sản Hội An vừa được khai trương vào đầu tháng 12 này. Không chỉ được biết về câu chuyện đằng sau các sản vật đó mà bạn còn có thể hình dung được con đường mậu dịch loại sản vật này qua thương cảng Hội An xưa ra sao.

Thành phố Hội An nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung, từ xưa đã được biết đến là vùng đất có nhiều loại thổ sản, hương liệu quý nức tiếng ở trong nước và trong vùng. Vì giàu thổ sản nên con đường giao thương thổ sản từ vùng đất này đã sớm được hình thành thông qua quá trình khai phá, khai thác, sản xuất và giao thương của các cư dân bản địa từ thời kỳ Tiền Sơ sử thuộc văn hóa Sa Huỳnh, đến Champa và Đại Việt - Đại Nam, đặc biệt trong giai đoạn Cận đại sơ kỳ thế kỷ 17, 18.

Từ con đường thổ sản xưa…

Với địa hình thấp dần từ Tây sang Đông được chia cắt theo các lưu vực sông lớn, Quảng Nam được sở hữu các vùng sinh thái đặc trưng gồm vùng núi cao, vùng trung du, vùng đồng bằng, ven biển và vùng hải đảo Cù lao Chàm.

Địa hình và điều kiện tự nhiên của Quảng Nam đã tạo điều kiện cho việc trồng trọt và khai thác các loại lâm sản, hương liệu, dược liệu quý như gỗ, quế, sâm, trầm hương, chè, cau, hồ tiêu…; phát triển cây trồng phục vụ sản xuất thủ công nghiệp như làm đường mía, dệt lụa; hay tạo cơ sở cho các loài hải sản như đồi mồi, hải sâm… đặc biệt là chim yến phát triển ở vùng biển đảo.

Một góc Cù lao Chàm. Ảnh: H.T

Theo đó, các hoạt động chế biến và sản xuất các mặt hàng thổ sản ở Quảng Nam trong lịch sử cũng rất nhộn nhịp, được thể hiện qua một số hiện vật được phát hiện ở thời văn hóa Sa Huỳnh, Champa như dấu vết gỗ, trấu trên một số đồ gốm, đồ đồng, đồ sắt, thóc cháy, bàn nghiền, chày nghiền… hay những ghi chép về sự phong phú nguồn thổ sản ở Quảng Nam qua các tác phẩm như Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn), Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn), Tống sử hay các ghi chép, khảo cứu của người nước ngoài…

Việc chế biến và sản xuất hàng hóa từ nguồn hàng nguyên, vật liệu tại chỗ và giao hàng ngay qua thương cảng Hội An đã khiến vùng đất Quảng này trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới giao thương, buôn bán các mặt hàng hương liệu, thổ sản, trong đó Hội An trở thành trung tâm kết nối thương mại, hội tụ hàng hóa giữa các vùng miền và trung chuyển ra thế giới.

Những tiền đồng Ngũ Thù, Vương Mãng (Trung Quốc), hạt chuỗi có nguồn gốc từ Ấn Độ đến đồ gốm, thủy tinh Islam, gốm Trung Quốc phát hiện trong di tích văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Champa ở Hội An… cho thấy nơi đây từng là tụ điểm giao thương buôn bán, tiền cảng thị dưới thời Sa Huỳnh và là điểm dừng chân, trao đổi hàng hóa của các thương thuyền trên con đường hàng hải quốc tế dưới thời Champa.

Đặc biệt, dưới thời Đại Việt, hoạt động giao lưu buôn bán hương liệu, thổ sản tại thương cảng Hội An ngày càng nhộn nhịp. Các mặt hàng của xứ Quảng và Đàng Trong như quế, cau, hồ tiêu, đường, tơ lụa, trầm hương, kỳ nam, yến sào, sáp ong, mật ong, gỗ, vàng… hội tụ về Hội An.

Người thời đó thu mua hàng hóa bằng nhiều hình thức, như thu mua qua thương lái, thu mua trực tiếp tại vùng sản xuất. Nhiều thương nhân Hội An còn đặt nơi cư trú rải rác tại nhiều thị trấn, thị tứ khác, như Kim Bồng, Trà Nhiêu, Phú Chiêm, Trà My, Tiên Phước, Đại Lộc, Quế Sơn… để thu mua hàng hóa tại cơ sở địa phương. Và từ thương cảng Hội An, thuyền buôn các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Thái Lan… mang các mặt hàng thổ sản này tỏa ra các nước khác.

… đến lưu giữ sản vật ngày nay

Ngày nay, hoạt động khai thác, chế biến các loại hương liệu, thổ sản ở Quảng Nam vẫn tiếp tục được duy trì và phát triển ở một mức mới nhờ sự áp dụng thêm các kỹ thuật mới, giải pháp công nghệ mới. Nhờ vậy, ngay tại địa phương, các doanh nghiệp đã sản xuất, chế biến thay vì bán tất theo kiểu hàng thô, nâng cao giá trị của hàng thương phẩm cũng là nâng cao thu nhập cho người dân địa phương trong tỉnh.

Mặc dù Hội An bây giờ không còn là thương cảng quốc tế sầm uất như các thế kỷ trước đây, nhưng là một đô thị thương cảng cổ - nơi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Mỗi năm, thành phố này đón hàng triệu lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, thưởng ngoạn. Theo đó, những mặt hàng hương liệu, thổ sản đặc trưng của Hội An và Quảng Nam hiện nay được quan tâm phát triển về chất lượng và mẫu mã, nhiều loại thổ sản trở thành những mặt hàng đặc sản có giá trị được du khách ưa chuộng.

Lá lao là một trong những mặt hàng thổ sản tiêu biểu ở Hội An. Chúng mọc thành những vạt rừng trên đảo Cù lao Chàm (xã Tân Hiệp, thành phố Hội An), bốn mùa xanh um. Người dân địa phương dùng nấu nước uống giải nhiệt hàng ngày và cũng đóng gói lá khô để bán cho du khách. Với kinh nghiệm dân gian truyền lại, các loại lá thuốc ấy được hái về sơ chế, “phối” theo tỷ lệ nhất định (tăng hoặc gia giảm một số loại) thì sẽ có một hỗn hợp lá đem nấu nước uống thơm ngon, vừa kích thích tiêu hóa, vừa có tác dụng bổ dưỡng, tăng sức đề kháng của cơ thể(1).

Cũng ở Cù lao Chàm, yến sào được khai thác thương mại từ khá sớm. Theo sự ghi nhận trong các bộ chính sử, khắc trên Cửu đỉnh triều Nguyễn, là một sản vật nổi tiếng ở Quảng Nam và theo chân các thuyền buôn đi khắp nơi. Nghề khai thác yến sào ở Cù lao Chàm đến nay vẫn được duy trì rất ổn định, giúp cải thiện thu nhập cho người dân nơi đây.

Một đặc sản khác là hồ tiêu - loại gia vị được sử dụng rất phổ biến trên thế giới. Hồ tiêu Quảng Nam từng là mặt hàng xuất khẩu có giá trị được thuyền buôn các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Thái Lan… thường xuyên mua tại cảng thị Hội An trong các thế kỷ trước. Nhờ hương vị và chất lượng vượt trội, hồ tiêu Quảng Nam tiếp tục được tiêu thụ rộng rãi khắp các tỉnh thành trong cả nước và xuất khẩu sang một số nước, vừa mang lại nguồn thu nhập cho người dân địa phương vừa góp phần đưa thương hiệu hồ tiêu Quảng Nam ra thế giới.

Cau cũng là một trong những sản vật tiêu biểu, có giá trị ở Quảng Nam, được thương khách châu Á ưa chuộng. Cây cau thường được trồng trong vườn nhà hay trồng thành rừng. Ngoài cau thì quế Trà My của Quảng Nam được đánh giá cao về giá trị thương phẩm, ngày xưa được dâng tiến vua, nơi này phải nộp thuế cho triều đình và được thương nhân nhiều nước ưa chuộng, đặc biệt là thương nhân Trung Quốc và Nhật Bản. Do vậy, việc khai thác, mua bán quế trong lịch sử luôn được nhà nước quan tâm. Nghề trồng, khai thác quế, chè và trầm hương ở Quảng Nam tiếp tục được duy trì với kỹ thuật truyền thống kết hợp sử dụng các kỹ thuật, công nghệ hiện đại để sơ chế, xuất khẩu các thương phẩm.

Ngày nay hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh các mặt hàng hương liệu, thổ sản vẫn được duy trì và phát triển không chỉ riêng hội An mà còn nhiều địa phương của tỉnh Quảng Nam. UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030”. Đến cuối năm 2023, tỉnh Quảng Nam đã công nhận 395 sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm thuộc hàng dược liệu, hương liệu, thổ sản (như hương trầm, hương quế, hồ tiêu, tinh dầu quế, đông trùng hạ thảo, mật ong, cao đảng sâm…) có sự kế thừa từ giá trị di sản văn hóa khai thác, chế biến truyền thống hàng trăm năm của vùng đất Quảng Nam.

Bảo tàng Thổ sản Hội An tọa lạc tại số 57 Trần Phú, thành phố Hội An do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An quản lý. Đây là ngôi nhà cổ kiểu Pháp có hai tầng, giữa nhà trước và nhà sau có khoảng sân trời, mặt bằng rộng, đảm bảo diện tích trưng bày của một bảo tàng chuyên đề. Ngôi nhà này thông với nhà số 46 Nguyễn Thái Học qua khoảng sân phía sau, trước đây được sử dụng làm địa điểm triển lãm chuyên đề về văn hóa, nghệ thuật Hội An, vừa là điểm dừng chân cho du khách tham quan khu phố cổ.

Bảo tàng Thổ sản Hội An kết nối với các bảo tàng chuyên đề ở các khu lân cận, như Bảo tàng Gốm sứ Mậu dịch (80 Trần Phú), Bảo tàng Nghề y truyền thống (46 Nguyễn Thái Học), Bảo tàng Văn hóa Dân gian (33 Nguyễn Thái Học) tạo thành chuỗi các điểm tham quan hấp dẫn, góp phần thu hút du khách xuống khu vực phía Đông khu phố cổ, tạo điều kiện để người dân địa phương khu vực này phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ du khách.

(1) https://baoquangnam.vn/thuong-hoai-vi-nuoc-la-lao-3034149.html

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới