Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bảo vệ nhà đầu tư cá nhân khi cổ phiếu ‘rời sàn’

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Để dòng vốn từ nhà đầu tư cá nhân không chỉ “tạm trú” trên thị trường chứng khoán, nhóm này cần được quan tâm, bảo vệ nhiều hơn bằng những chính sách, quy định cụ thể từ các cơ quan quản lý.

Bảo vệ nhà đầu tư cá nhân - chuyện cũ vẫn mới

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (mã chứng khoán: HBC) diễn ra cuối tháng 4-2024, cổ đông từng đặt câu hỏi về nguy cơ cổ phiếu HBC bị hủy niêm yết. Lúc đó, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT), cho biết doanh nghiệp vẫn đáp ứng các điều kiện để niêm yết sau khi tham vấn các công ty chứng khoán, các công ty tư vấn về luật.

Tuy nhiên, đến cuối tháng 7-2024, Sở giao dịch chứng khoán TPHCM (HOSE) thông báo hủy niêm yết với cổ phiếu HBC từ ngày 6-9 do doanh nghiệp ghi nhận lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp. Thông tin này khiến nhiều nhà đầu tư cá nhân hoang mang, đồng loạt đặt lệnh bán cổ phiếu 'cắt lỗ' nhưng không dễ thực hiện do cổ phiếu thường ở tình trạng trắng bên mua và dư bán giá sàn.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra vào thời điểm đó, khi cổ phiếu HNG của HAGL Agrico bị hủy niêm yết bắt buộc trên HOSE vì có kết quả kinh doanh thua lỗ ba năm liên tục.

Nhà đầu tư cá nhân thường chịu nhiều thiệt hại từ các hành vi vi phạm của các thành viên khác trên thị trường. Ảnh: Dũng Minh.

Khác với số đông, hai nhà đầu tư lớn lần lượt hoàn tất việc bán ra 127.100 cổ phiếu HNG và 10.000 cổ phiếu HBC vào đầu tháng 6 và 7-2024, thời điểm thị giá HNG tăng 20% sau vài ngày và HBC vẫn trong giai đoạn đi ngang.

Hai câu chuyện trên tiếp tục đặt ra vấn đề về bảo vệ tài sản nhà đầu tư cá nhân trong bối cảnh năng lực của nhóm này còn hạn chế và sự bất bình đẳng trong tiếp cận thông tin vẫn tồn tại trên TTCK.

Về năng lực nhà đầu tư cá nhân, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích, Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, số đông nhà đầu tư có tâm lý FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội) nên thường đầu tư vào các cổ phiếu nhỏ, có tính đầu cơ cao hoặc có “game”, tức có thông tin bên lề về kế hoạch mở rộng kinh doanh, phát hành cổ phiếu của doanh nghiệp hoặc tin một số nhà đầu tư lớn sẽ đầu tư/mua vào cổ phiếu doanh nghiệp. Do đó, phải đối mặt với rủi ro cao khi tin xấu xuất hiện hoặc “game” kết thúc.

Với tình huống các cổ phiếu này bị hủy niêm yết, nhà đầu tư cá nhân có thể gặp rủi ro là cổ phiếu không thể giao dịch được hoặc không thể chuyển cổ phiếu thành tiền mặt khi cần. Thậm chí, thiệt hại sẽ lớn hơn nếu cổ phiếu được doanh nghiệp niêm yết cầm cố để vay vốn vì bên nhận cầm cố hoàn toàn có thể bán tháo nhằm thu hồi một phần vốn vay.

Về yếu tố bất bình đẳng thông tin, TS Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM đánh giá, nhà đầu tư cá nhân thường là đối tượng chịu thua thiệt so với công ty chứng khoán, cổ đông lớn và nhà đầu tư “cá mập” về năng lực tiếp cận thông tin.

Chẳng hạn, từ 5-15 ngày sau mỗi sự kiện gặp gỡ nhà đầu tư, là giai đoạn các công ty chứng khoán công bố các báo cáo đánh giá triển vọng doanh nghiệp. Với những thông tin sẵn có, khối tự doanh của công ty chứng khoán, cổ đông lớn hoàn toàn có thể mua/bán cổ phiếu trong giai đoạn này, trước khi thông tin tới với nhà đầu tư cá nhân.

“Nhóm này không chỉ vượt trội về năng lực vốn so với nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà luôn có lợi thế về thông tin một cách miễn phí”, ông Huân nói với KTSG Online.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Minh, một nhà đầu tư tham gia thị trường gần 10 năm cho biết, phần lớn nhà đầu tư cá nhân chỉ tiếp cận được những thông tin, gồm mua/bán dự án, số liệu backlog, quan hệ hợp tác kinh doanh, kế hoạch phát hành cổ phiếu, giao dịch của cổ đông nội bộ và cổ đông lớn sau khi doanh nghiệp công bố và thông tin đó đã phản vào giá cổ phiếu. Ngược lại, số ít nhà đầu tư “cá mập” có thể nắm thông tin trước thời điểm công bố chính thức, đã thực hiện những giao dịch sớm, gây thiệt hại cho số đông nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Tăng cường ‘công cụ’ bảo vệ nhà đầu tư

Thông tin là “đầu vào” luôn là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư đưa ra quyết định mua/bán. Số ít nhà đầu tư được tiếp cận thông tin sớm và chính xác hơn, sẽ giành được lợi thế lớn và hầu hết họ sẽ trở thành người thắng cuộc trong đầu tư. Ngược lại, số đông nhà đầu thường thất bại do bị "nhiễu" thông tin.

Với trường hợp của Hoà Bình, doanh nghiệp dự kiến đưa gần 347,2 triệu cổ phiếu HBC sang giao dịch trên sàn UPCoM trong tháng 8-2024 và cam kết thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ công bố thông tin để bảo vệ quyền lợi của cổ đông, nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty chứng khoán kiến thiết Việt Nam (CSI), sàn UPCoM có yêu cầu về mức độ công bố thông tin và BCTC thấp, nhiều doanh nghiệp chậm nộp các BCTC đã được kiểm toán. Điều này lại khiến cổ đông khó tiếp cận thông tin doanh nghiệp và không biết doanh nghiệp hoạt động ở trạng thái nào

Yếu tố bất cân xứng thông tin khiến quyết định mua/bán của nhà đầu tư cá nhân chịu nhiều rủi ro. Ảnh: Dũng Minh.

Ông Ngọc cho rằng, nếu xác định những vấn đề khiến doanh nghiệp phải chuyển sàn không quá nghiêm trọng, có thể dẫn tới phá sản thì vẫn còn yếu tố để nhà đầu tư chờ đợi. Ngược lại, nếu không xác định rõ thì nên “cắt lỗ” cổ phiếu để tránh rủi ro.

Với cổ phiếu hủy niêm yết không chuyển sàn, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho biết, có hai hình thức để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, gồm doanh nghiệp niêm yết bỏ tiền mua lại số cổ phiếu này; UBCKNN yêu cầu chuyển cổ phiếu đó lên sàn giao dịch không chính thức hoặc thứ cấp để nhà đầu tư có thể tiếp tục bán cổ phiếu.

“Nhà đầu tư nên liên hệ với doanh nghiệp để đề nghị cấp sổ cổ đông, xem lại các chính sách thu mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp hoặc bán dưới dạng thương lượng thỏa thuận với người khác”, ông Hà khuyến nghị và cho rằng nhà đầu tư không nên mua những cổ phiếu của những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, không được phép giao dịch ký quỹ (margin) hoặc đang trong diện kiểm soát, cảnh báo, hạn chế giao dịch.

Về dài hạn, ông cho rằng, việc tăng cường năng lực tiếp cận và minh bạch thông tin là giải pháp quan trọng để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của một số quốc gia, như Mỹ với Luật Chứng khoán (1933) và Luật Giao dịch chứng khoán và Luật Bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán (1970) nhằm bảo vệ tài sản đầu tư.

“Họ coi trọng của việc bảo vệ và mở rộng quyền của cổ đông, sẵn sàng thực hiện các các hành động đáp ứng cho nhà đầu tư”, ông Hà nói.

Bên cạnh đó, để bảo vệ nhà đầu tư cá nhân tốt hơn nữa, các bên liên quan có thể tính toán việc thành lập quỹ bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam, với quy định chi tiết về quyền, nghĩa vụ, và vai trò bảo vệ, cân bằng thị trường khi có rủi ro xảy ra. Hoạt động của quỹ chịu sự giám sát trực tiếp của UBCKNN,còn vốn điều lệ do UBCKNN cung cấp thông qua Bộ Tài chính.

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới