Thứ năm, 14/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Bảo vệ thông tin riêng tư như bảo vệ tài sản

Kinh tế Sài Gòn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Cái cảm giác bị một kẻ lạ gọi điện, đọc đúng tên tuổi, địa chỉ cùng một số thông tin riêng tư khác, kể cả số thẻ chứng minh nhân dân là một cảm giác bị xâm phạm, vừa gây ra sự bực dọc lẫn sự lo lắng, hoang mang.

Trong 100 người bị gọi điện kiểu này, có lẽ 99 người không bị lừa nhưng chỉ cần 1 người lo lắng đến nỗi làm theo lời kẻ gian, họ sẽ dễ dàng mất tiếp các thông tin nhạy cảm khác như số tài khoản ngân hàng, mật mã và tiền trong tài khoản dễ dàng bay hơi.

Phải thừa nhận cho đến nay vẫn có nhiều người tặc lưỡi bảo, thông tin cá nhân của tôi đâu có gì nhạy cảm, không cần phải lo chuyện để lộ thông tin hay ngại chuyện các mạng xã hội theo dõi hoạt động để bán thông tin cá nhân cho nơi khác. Nhận định cho rằng có người “sẵn sàng đánh đổi thông tin đời tư, thông tin cá nhân để lấy sự tiện ích về mặt công nghệ” là hoàn toàn chính xác.

Cũng nhiều người tự nhủ nếu rơi vào trường hợp họ thì họ sẽ không dễ bị lừa như các nạn nhân được tường thuật trên báo chí. Nhưng thật ra tâm lý của bất kỳ ai khi bị gọi tên chính xác đều lo lắng, tìm cách khẳng định mình không làm điều gì sai trái, từ đó đến chỗ một tỷ lệ nhỏ người dân bị lừa không phải là xa xôi gì, chỉ là vài bước mất cảnh giác.

Nhưng cũng từ đó câu hỏi đặt ra là tại sao các cơ quan chức năng không điều tra cặn kẽ, ít nhất từ một hai vụ để lần ra dấu vết rò rỉ thông tin sau đó có biện pháp chế tài thật nặng những nơi để lộ thông tin khách hàng.

Phải siết lại như thế thì các nơi đang thu thập thông tin cá nhân của mọi người mới xây dựng cơ chế bảo mật thông tin để các nhân viên nào muốn chuyển thông tin kiểu này ra bán cho bên ngoài cũng không làm được. Rò rỉ thông tin cho giới lừa đảo, tội phạm có thể ít nhưng rò rỉ thông tin cho các nơi gọi điện chào mời đủ loại hàng hóa, dịch vụ là chuyện thường ngày.

Điều thứ nhì mọi vụ lừa đảo do báo chí tường thuật đều cho thấy dấu vết bọn tội phạm để lại là có thể truy xét, bởi tiền từ tài khoản nạn nhân phải được chuyển sang tài khoản khác, cho dù chạy vòng vòng thế nào đi nữa cũng có địa chỉ rõ ràng.

Ngay cả khi chuyển sang các sàn giao dịch để mua tiền mã hóa cũng để lại dấu vết và như báo chí nước ngoài cho thấy, không phải giao dịch bằng tiền mã hóa là hoàn toàn ẩn danh, vẫn bị cơ quan điều tra lần ra manh mối.

Tại sao cơ quan điều tra không phối hợp với hệ thống ngân hàng điều tra những vụ nổi cộm, truy bắt những tên tội phạm trắng trợn này và truy tố với những bản án đích đáng.

Trong quá trình đó cũng có thể phát hiện và phạt nặng những người cho thuê giấy tờ để mở tài khoản cho kẻ xấu; giúp ngân hàng củng cố lại hệ thống bảo mật và đặt ra những quy trình cảnh báo cho khách hàng mỗi khi có giao dịch bất thường.

Triệt phá loại tội phạm này sẽ giúp xóa đi tâm lý e ngại của người dân khi để tiền trong ngân hàng, sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Thiết nghĩ khi Nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ thông tin cá nhân, cũng cần quy định các nơi sử dụng thông tin cá nhân phải có các lớp rào chắn bảo vệ thông tin mà họ thu thập được.

Có thể ban đầu thông tin bị rò rỉ chỉ được dùng để chào mời tiếp thị hàng hóa hay dịch vụ, nhưng về lâu về dài không ai biết được bọn xấu sẽ còn những chiêu trò nào khi chúng nắm thông tin cá nhân của người dân trong tay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới