Bắp biến đổi gen: vẫn phải chờ kiểm nghiệm thêm
Ngọc Hùng
Hiện cây bắp biến đổi gen đã xong giai đoạn khảo nghiệp an toàn môi trường và đa dạng sinh học. Trong ảnh, một nhà khoa học giới thiệu về cây bắp biến đổi gen. Ảnh: TL. |
TBKTSG Online) – Hiện cây bắp (ngô) biến đổi gen đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) công nhận đảm bảo an toàn với môi trường và đa dạng sinh học. Nghĩa là có thể trồng đại trà. Tuy nhiên, để trồng đại trà thì bắp biến đổi gen phải qua một bước kiểm nghiệm tiếp theo để xem có hội đủ điều kiện làm thức ăn chăn nuôi hay không. Thời gian để xong bước kiểm nghiệm này hiện vẫn chưa biết khi nào.
>>> Xem thêm những thông tin liên quan đế cây trồng biến đổi gen tại đây
Ngày 9-5, Bộ NN&PTNT đã giao cho Vụ Khoa học công nghệ và môi trường lập tổ soạn thảo thông tư xác nhận giống cây trồng biến đổi gen, sản phẩm giống cây trồng biến đổi gen đủ điều kiện làm thức ăn chăn nuôi.
Trao đổi với thời báo Kinh tế Sài Gòn Online sáng này 10-5, ông Triệu Văn Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, người được giao soạn thảo thông tư cho biết, vẫn chưa xác định thời gian để thông tư nói trên được ban hành là khi nào. Và từ lúc có thông tư đến khi những cây trồng biến đổi gen đảm bảo đủ điều kiện làm thức ăn chăn nuôi cũng phải mất rất nhiều thời gian nữa.
Theo Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, do Việt Nam thận trọng trong việc sử dụng cây trồng biến đổi gen nên trong thông tư nói trên sẽ quy định chặt chẽ thời gian khảo nghiệm, đánh giá kết quả trước khi chính thức công nhận cây trồng biến đổi gen được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi.
“Hiện hai công ty sản xuất giống bắp biến đổi gen là Syngenta và Monsato được công nhận kết quả khảo nghiệm an toàn môi trường và đa dạng sinh học, còn khi nào giống bắp biến đổi gen của hai công ty này được công nhận đạt chuẩn làm thức ăn chăn nuôi thì phải chờ thông tư mới ra đời. Khi nào thông tư này ra đời, chúng tôi vẫn chưa xác định được vì còn một khối lượng lớn công việc phải làm trong thời gian tới”, ông Hùng cho hay.
Cũng theo ông Hùng, khó khăn để một giống cây trồng biến đổi gen được công nhận được làm thức ăn chăn nuôi không phải nằm ở thời gian khảo nghiệm,đánh giá mà nằm ở khâu giải quyết các thủ tục hành chính.
“Việt Nam vẫn chưa có những văn bản hướng dẫn, quy định hành chính cụ thể đối với cây trồng biến đổi gen nên đây là nguyên nhân kéo dài thời gian công nhận cây trồng biến đổi gen được làm thức ăn chăn nuôi”, ông Hùng nói thêm.
Có ba loại cây biến đổi gen được Bộ NN&PTNT cho phép trồng trên diện rộng là bắp, bông và đậu tương. Trong đó, mới có cây bắp được đăng ký khảo nghiệm an toàn môi trường và đa dạng sinh học trên diện rộng.
Ông Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam, cho biết, về cơ bản thì khi cây bắp được công nhận đảm bảo an toàn môi trường và đa dạng sinh học thì có thể trồng đại trà. Tuy nhiên, cây bắp biến đổi gen chỉ có thể trồng đại trà khi được cho phép làm thức ăn chăn nuôi theo thông tư do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ký, nếu không chẳng ai trồng để làm gì vì không được sử dụng trong nước.
Ông Hàm cho biết, theo kinh nghiệm của các nước có trồng cây trồng biến đổi gen, thường phải mất khoảng 10 năm để hoàn thiện các thủ tục pháp lý, làm khảo nghiệm trước khi cho phép làm thức ăn chăn nuôi.
“Trong chuyện cho cây trồng biến đổi gen (cây bắp) được làm thức ăn chăn nuôi có những nghịch lý rất khó nói, vì bên ủng hộ và bên không ủng hộ đều có những lý lẽ để bảo vệ nên đây là khó khăn sẽ là khó khăn lớn nhất khiến cây trồng biến đổi gen chậm trong việc công nhận được làm thức ăn chăn nuôi”, ông Hàm nói.
Theo ông Hàm, hằng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn bắp, chủ yếu từ Mỹ, Argentina để làm thức ăn chăn nuôi. Những nước này luôn có một diện tích lớn trồng bắp biến đổi gen. Nghĩa là trong 1 triệu tấn bắp nhập khẩu hằng năm, không ít thì nhiều sẽ có bắp được nhập khẩu có nguồn gốc biến đổi gen.