(KTSG) - “Basel là tiêu chuẩn thực thi để tăng độ an toàn vốn cho các ngân hàng, nhưng Basel không đảm bảo các ngân hàng sẽ không gặp rủi ro. Hiệu quả quản trị rủi ro chỉ đạt được khi quản lý nội bộ ngân hàng tốt, chẳng hạn, tăng vốn đáp ứng Basel để tăng mức độ an toàn cho người gửi tiền chứ không phải để cho vay thêm...”, TS. Đinh Thế Hiển trao đổi với KTSG.
- Ngân hàng bắt tay vào Basel III
- Lợi nhuận gần 5.500 tỉ đồng, hoàn thành Basel III, HDBank tiếp tục kế hoạch của ngân hàng bền vững
Công khai nhưng cần... linh hoạt hơn
KTSG: Liên quan tới vấn đề chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng), trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có cách thức điều hành mới, đó là giao toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ đầu năm, cùng với việc công khai phương pháp tính. Ông đánh giá như thế nào về cách thức này?
- TS. Đinh Thế Hiển: Nhìn vào công thức tính của NHNN, có thể thấy, mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 của các ngân hàng thương mại (NHTM) trong hệ thống sẽ phụ thuộc vào hai yếu tố chính: tăng trưởng tín dụng năm 2023 và điểm xếp hạng năm 2022 theo Thông tư 52/2018 của NHNN. Vậy nên, có hai khả năng cần phải tính đến.
Thứ nhất, tương tự như kế hoạch chi tiêu ngân sách địa phương hàng năm, nếu chỉ tiêu năm nay không thực hiện hết thì sẽ bị cắt giảm chỉ tiêu vào năm sau, nên các địa phương nỗ lực chi mạnh vào cuối năm. Việc tính chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tăng thêm năm sau dựa vào kết quả năm trước sẽ khiến các ngân hàng chạy đua cho vay vào cuối năm mà có thể không tính đến chất lượng cho vay. Như vậy, với những ngân hàng nhận định tình hình kinh tế năm 2023 không ổn, cẩn thận xét duyệt các khoản vay và bắt đầu xây dựng được tập khách hàng tốt, có thể tăng dư nợ tín dụng chất lượng cao, an toàn trong năm 2024, thì lại bị giới hạn do dư nợ năm 2023 hạn chế.
Thứ hai, điểm xếp hạng năm 2022 là một tiêu chí tương đối khách quan nhưng như đã nói, trong trường hợp có một số ngân hàng nỗ lực cải thiện về vận hành và quản trị rủi ro trong năm 2023, nỗ lực của họ sẽ không được ghi nhận. Điều này là chưa hợp lý.
Cuối cùng, nếu đầu năm NHNN đưa ra một công thức cứng như vậy, đến quí 2 hay quí 3, tình hình kinh tế thế giới và trong nước gặp những diễn biến mới bất ngờ, có thể theo hướng tốt hơn hoặc xấu đi thì lại xảy ra tình trạng, hoặc là các ngân hàng thiếu chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để bơm vào nền kinh tế, hoặc là các ngân hàng phải nỗ lực chạy đua đạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng để chuẩn bị cho năm sau.
Tất nhiên, NHNN có phương pháp tính toán để đưa ra công thức tăng dư nợ tín dụng và việc công khai ngay từ đầu năm giúp các NHTM chủ động điều tiết mức tăng dư nợ tín dụng trong năm nhưng nhược điểm của cách điều hành này là sự thiếu linh hoạt.
NHNN có phương pháp tính toán để đưa ra công thức tăng dư nợ tín dụng và việc công khai ngay từ đầu năm giúp các NHTM chủ động điều tiết mức tăng dư nợ tín dụng trong năm, nhưng nhược điểm của cách điều hành này là sự thiếu linh hoạt.
Trên thực tế, NHNN đang có trong tay những công cụ để đưa ra một cách điều hành “mềm mại” hơn. Dựa vào mức tăng trưởng GDP, lạm phát dự kiến và các mục tiêu khác, NHNN xác định lượng cung tiền cho nền kinh tế trong năm sắp tới. Căn cứ vào đó, NHNN toàn quyền phân bổ tín dụng một cách khách quan, minh bạch, không ưu ái, khuất tất với mục đích cao nhất và duy nhất là cung ứng vốn hợp lý cho nền kinh tế, không thừa để gây lạm phát, không thiếu để gây giảm phát, dựa vào năng lực và chất lượng hoạt động của các NHTM. Đó là câu chuyện đầu tiên.
Ngoài ra, hạn mức tăng trưởng tín dụng của các NHTM cần dựa vào tiêu chí quan trọng nhất là sự tuân thủ các quy định của họ trong hoạt động cho vay và NHNN có thể kiểm soát được vấn đề này. Nếu hệ thống NHNN từ trung ương tới các chi nhánh tại địa phương làm tốt việc giám sát hoạt động của các NHTM trong hệ thống, không để họ lách luật, che mắt thì trên cơ sở lượng vốn đã xác định, dòng vốn bơm vào nền kinh tế sẽ an toàn, chắc chắn, đúng địa chỉ.
Vụ việc xảy ra tại Ngân hàng SCB với mức độ nghiêm trọng đến như vậy có nguyên nhân từ sự buông lỏng, thiếu chặt chẽ trong việc giám sát hoạt động của các NHTM.
Ai muốn bỏ tín dụng?
KTSG: Việc giữ hay bỏ room tín dụng hiện vẫn là vấn đề được quan tâm, thảo luận. Quan sát các thảo luận nêu trên, theo ông, nên chăng vấn đề đầu tiên cần được đặt ra và thống nhất là bỏ room tín dụng nhằm mục đích gì? Mong muốn về một nền tín dụng hoạt động hoàn toàn theo cơ chế thị trường như những nước phát triển liệu đã đủ tính thuyết phục cho quyết định bỏ room tín dụng hay chưa?
- Đúng là nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đã hội nhập rất sâu rộng với thế giới, thì tại sao thị trường tài chính tiền tệ chưa hội nhập đầy đủ. NHTM cũng có thể được coi như một doanh nghiệp, họ có quyền hoạt động tự do để đạt được hiệu quả kinh doanh tốt nhất, không nên bị giới hạn bởi mức chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, theo tôi, đây là những lý luận chưa phù hợp với thực tiễn.
Trước hết, dù có thể coi NHTM là một dạng doanh nghiệp nhưng đó là doanh nghiệp đặc biệt, cần có sự kiểm soát của Nhà nước bằng các công cụ khác nhau mà room tín dụng có thể là một trong những công cụ ấy.
Ở các nước phát triển, công cụ room tín dụng không được sử dụng nhưng là vì họ đã có một hệ thống pháp luật chặt chẽ và hoàn thiện kiểm soát và ngăn ngừa rủi ro xuất hiện trong hoạt động của các NHTM. Mặt khác, ở các nước phát triển, các NHTM hoạt động kém hiệu quả thường sẽ phải phá sản, mà phần thiệt hại còn lại sau bảo hiểm tiền gửi thì người gửi tiền phải chấp nhận vì “thích lãi cao, chọn ngân hàng không an toàn”.
Tại Việt Nam, dù pháp luật đã có các quy định về việc ngân hàng phá sản nhưng trong giai đoạn này, cơ quan quản lý vẫn tạo điều kiện cho các NHTM hoạt động yếu kém tái cơ cấu, phục hồi, chưa để NHTM phá sản nhằm bảo vệ người gửi tiền. Trong bối cảnh như vậy, việc NHNN kiểm soát hoạt động của các NHTM thông qua các công cụ, trong đó có room tín dụng, là phù hợp.
Nói chung, lý thuyết phải gắn với điều kiện thực tế mà với điều kiện thực tế ở Việt Nam, tôi vẫn ủng hộ quản lý mức tăng trưởng tín dụng. Chính nhờ sự quản lý này mà giai đoạn 2011-2012 hay 2021-2022 vừa rồi, các rủi ro của một số NHTM từ vấn nạn cho vay sân sau, rồi thiếu tiền nên huy động lãi suất cao, rồi muốn thêm room tín dụng để cho vay cứu các công ty này, đã được Chính phủ và NHNN kiểm soát, tạo nên sự ổn định của thị trường tín dụng, tiền tệ trong điều kiện nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.
KTSG: Ở thời điểm này, thay vì xác quyết chuyện giữ hay bỏ room tín dụng, theo ông, liệu có cần nghĩ về một cách tiếp cận, một lộ trình cho việc này? Theo ông, tiêu chuẩn Basel II, Basel III có thể là lời giải cho việc bỏ room tín dụng hay không?
- Tôi xin đặt một câu hỏi, ai đề xuất bỏ room tín dụng, là các chuyên gia hay các thành viên hội đồng quản trị (HĐQT), ban giám đốc các NHTM? Nếu đó là quan điểm của các chuyên gia, họ sẽ tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc, phản biện để có những tư vấn vĩ mô và dài hạn cho các cơ quan quản lý. Nếu đó là các vị trong HĐQT, ban giám đốc các NHTM, thì thay vì chăm chăm nghĩ tới việc tăng room tín dụng để được cho vay nhiều hơn, hãy đổi lại bằng chất lượng tín dụng.
Bản chất của mong muốn tăng room tín dụng là lợi nhuận, nôm na, ngân hàng cho vay được nhiều sẽ nhận được lãi suất nhiều, vì thế, doanh thu, lợi nhuận đều tăng. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng mà lại có những khoản cho vay không an toàn, phát sinh nợ xấu thì lợi nhuận của các khoản cho vay tốt bị bào mòn, thậm chí, không có lợi nhuận và mất vốn do nợ xấu, điều này đã xảy ra trong giai đoạn trước đây và hiện nay.
Vậy nên, giả sử room tín dụng chỉ ở khoảng 12% hay 14%, chứ không đạt đến mức 15% hay 20% nhưng dư nợ tăng thêm đều là các khoản cho vay chất lượng, không bị nợ xấu, trích lập dự phòng, xóa nợ thì lợi nhuận của ngân hàng có thể còn cao hơn, trong đó có cả nguyên nhân chi phí quản lý, hoạt động thấp hơn.
Chất lượng tín dụng ở đây không chỉ thể hiện ở việc đồng tiền đến được các địa chỉ kinh doanh sinh lời, đảm bảo thu hồi đầy đủ vốn và lãi suất. Ở đây, lợi nhuận còn đến từ các dịch vụ mà khách hàng sẽ phải trả phí khi hợp tác với ngân hàng như dịch vụ thanh toán, dịch vụ thư tín dụng, dịch vụ thẻ...
Chẳng hạn, nếu ngân hàng tập trung vào các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt, có vòng quay vốn nhanh, có mua bán - thanh toán tiền hàng lớn, và có nhiều nhân viên, khách hàng thì ngân hàng sẽ cung cấp các dịch vụ thanh toán nhiều hơn và đó là nguồn thu lợi nhuận cho ngân hàng. Lợi nhuận từ dịch vụ của ngân hàng ở các nước phát triển rất lớn, ở Việt Nam tỷ lệ này còn khiêm tốn... Nói ngân hàng sẽ được hưởng thêm giá trị gia tăng từ các khoản cho vay chất lượng là vì vậy.
Xét về hệ thống Basel, đây là chuẩn mực quốc tế giúp các ngân hàng nâng cao quản trị rủi ro thông qua các tiêu chuẩn về tỷ trọng vốn, cải thiện thanh khoản, điều chỉnh tỷ lệ đòn bẩy bắt buộc... Thế nhưng, tại Việt Nam cũng như trong các cú sốc ngân hàng ở Mỹ và thế giới mới đây, các ngân hàng gặp khủng hoảng đều tuân thủ các tiêu chuẩn, ít nhất là Basel II. Nghĩa là, Basel là tiêu chuẩn thực thi để tăng độ an toàn vốn cho các ngân hàng nhưng Basel không đảm bảo các ngân hàng sẽ không gặp rủi ro.
Hiệu quả quản trị rủi ro chỉ đạt được khi quản lý nội bộ trong ngân hàng tốt, chẳng hạn, tăng vốn đáp ứng Basel để tăng mức độ an toàn cho người gửi tiền chứ không phải để cho vay thêm hay áp dụng các tiêu chuẩn cải thiện thanh khoản đúng chứ không phải trên hình thức...
Cần hội đồng quản trị chuyên nghiệp
KTSG: Phải chăng mấu chốt của bài toán quản trị rủi ro vẫn là tái cơ cấu, lành mạnh hóa hệ thống tổ chức tín dụng tại Việt Nam?
- Giả sử đứng ở vai một người đi vay, cả khách hàng cá nhân lẫn khách hàng doanh nghiệp, dù chúng ta đã chuẩn bị kỹ hồ sơ nhưng vẫn chưa chắc đã vay được, vì thiếu một vài tiêu chuẩn. Cùng một bộ hồ sơ như vậy mà sử dụng quan hệ quen biết hay bôi trơn thì lại có thể tiếp cận khoản vay. Vấn đề không hẳn nằm ở năng lực chuyên môn của các chuyên viên tín dụng, trưởng phòng tín dụng, giám đốc chi nhánh... mà phần lớn nằm trong vấn đề đạo đức. Và tồn tại này xuất hiện ngay tại hệ thống thanh kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý.
Vậy làm thế nào để cải thiện tình trạng này? Với từng NHTM, quản trị nội bộ có tốt hay không phụ thuộc rất lớn vào HĐQT. Yêu cầu đầu tiên là HĐQT phải chuyên nghiệp. Ở các nước phát triển, đó là những người có trình độ chuyên môn cao trong lĩnh vực tài chính, có thành tích điều hành và tuân thủ đạo đức ngành được những cổ đông ngân hàng tín nhiệm mời về quản lý. Khi HĐQT chuyên nghiệp, các chính sách, quy trình được đưa ra sẽ phù hợp, việc giám sát tuân thủ chính sách, quy trình mới được thực hiện nghiêm. Còn nếu HĐQT là những ông chủ, bà chủ hoặc người của những ông chủ, bà chủ chỉ định thì dù ban giám đốc có giỏi đến mức nào, họ cũng không thể phát huy được
Một điểm cũng cần lưu ý, NHTM ở Việt Nam hiện nay còn hoạt động thêm các nghiệp vụ của ngân hàng đầu tư, mà những nghiệp vụ đầu tư này thường được HĐQT trực tiếp chỉ huy thông qua các ủy ban đầu tư. Điều này sẽ càng làm tăng rủi ro nếu HĐQT không phải là những người chuyên nghiệp có chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm trong ngành tài chính.
Công thức tính chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của NHNN(*):
Dư nợ tín dụng tối đa đến ngày 31-12-2024 = Dư nợ tín dụng ngày 31-12-2023 + [Điểm xếp hạng năm 2022 x 3,5% x (dư nợ tín dụng ngày 31-12-2023 - dư nợ tín dụng vượt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng NHNN thông báo năm 2023 (nếu có))] - Các khoản bán dư nợ tín dụng thực hiện bán trong năm 2024 và chưa thu tiền đến thời điểm tính dư nợ tín dụng (nếu có).