Thứ ba, 31/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bất chấp Fed tăng lãi suất, giá đô la Mỹ trong nước tiếp tục giảm sâu

Thụy Lê

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Tỷ giá đô la Mỹ trên thị trường tự do thậm chí đã rớt về mức thấp hơn tỷ giá trung tâm, đồng thời giá bán đô la Mỹ trên thị trường tự do cũng thấp hơn giá bán của các ngân hàng thương mại, cho thấy nguồn cung ngoại tệ trên thị trường ngoại hối trong nước dường như đang khá dồi dào.

Giá đô la Mỹ trên thị trường tự do hiện chỉ còn xoay quanh mức 23.480-23.530 đồng/đô la.
Ảnh: THÀNH HOA

Không còn áp lực trước Fed

Ngày 23-3-2023, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất cơ bản đô la Mỹ thêm 0,25 điểm phần trăm, lên vùng 4,75-5%, bất chấp những rối loạn trên thị trường tài chính Mỹ và nguy cơ khủng hoảng của hệ thống ngân hàng. Đồng thời, cơ quan này dự báo sẽ còn một lần tăng lãi suất nữa trong năm nay, có thể diễn ra trong cuộc họp vào tháng 5 tới, trước khi giữ ổn định cho đến hết năm và bắt đầu giảm trở lại từ năm 2024.

Trong cùng ngày, giá đô la Mỹ trên thị trường tự do giảm mạnh 80 đồng ở chiều mua vào và 110 đồng ở chiều bán ra, sau đó giảm thêm 20 đồng và 40 đồng trong ngày tiếp theo. So với thời điểm cuối tháng 2, giá mua - bán trên thị trường tự do đã lao dốc tương ứng 340 đồng và 390 đồng ở chiều mua vào và bán ra, hiện chỉ còn xoay quanh 23.480-23.530 đồng/đô la, chênh lệch mua - bán thu hẹp chỉ còn vỏn vẹn 50 đồng.

Trong khi tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng trong ngày 23-3 chỉ giảm nhẹ 2 đồng và đến ngày 24-3 mới được điều chỉnh giảm mạnh hơn ở mức 15 đồng, giá giao dịch đô la Mỹ tại các ngân hàng thương mại đã phản ứng sớm hơn. Như tại Vietcombank, giá mua vào và bán ra đã được điều chỉnh mạnh 60 đồng từ ngày 22-3, trước khi giảm thêm 20 đồng trong ngày 23-3. So với cuối tháng trước, tỷ giá niêm yết đô la Mỹ/tiền đồng của Vietcombank cũng đã giảm đến 260 đồng.

Với nguồn cung ngoại tệ lớn từ các hoạt động M&A, cùng với việc đô la Mỹ có thể rơi vào xu hướng giảm giá, dự báo thị trường ngoại hối trong nước trong năm nay sẽ ổn định hơn và không chịu nhiều áp lực như thời điểm nửa cuối năm ngoái.

Diễn biến này cho thấy thị trường ngoại hối trong nước không còn chịu áp lực trước các động thái tăng lãi suất của Fed như giai đoạn năm 2022, nhất là khi mức tăng 0,25 điểm phần trăm nằm trong dự báo từ khá sớm.

Ngoài ra, với chu kỳ tăng lãi suất của Fed dường như sắp kết thúc, cộng thêm những rủi ro của ngành ngân hàng nước này có thể lây lan, kéo lùi nền kinh tế, đô la Mỹ không còn mấy triển vọng tăng giá, thậm chí đang đối mặt với những áp lực tiêu cực.

Trong vòng năm phiên giao dịch từ ngày 16 đến 23-3, chỉ số USD Index đã giảm gần 2,7%, nâng mức giảm khởi đầu từ ngày 8-3 - tức thời điểm khủng hoảng của Ngân hàng Silicon Valley (SVB) bắt đầu lộ ra - lên đến gần 4%, đánh dấu đợt giảm mạnh nhất trong nhiều tháng trở lại đây.

Các nhà đầu tư hiện đang rời bỏ đô la Mỹ và tìm đến các tài sản an toàn hơn, từ vàng cho đến các đồng tiền có tính trú ẩn rủi ro cao hơn như yen Nhật. Cụ thể, yen Nhật đã leo lên mức cao nhất trong một tháng rưỡi qua tại mốc 1 đô la Mỹ ăn gần 131 yen Nhật.

Ngoài ra, cũng cần lưu ý với mức giảm đáng kể từ đầu tháng 3 đến nay, tỷ giá đô la Mỹ trên thị trường tự do thậm chí đã rớt về mức thấp hơn tỷ giá trung tâm, đồng thời giá bán đô la Mỹ trên thị trường tự do cũng thấp hơn giá bán của các ngân hàng thương mại.

Điều này cho thấy nguồn cung ngoại tệ trên thị trường ngoại hối trong nước dường như đang khá dồi dào, bất chấp việc Ngân hàng Nhà nước từ đầu năm đến nay đã mua vào một lượng lớn ngoại tệ, theo con số cập nhật gần nhất thì lên đến 3,6 tỉ đô la Mỹ, và có thể vẫn đang và sẽ tiếp tục mua vào thêm.

Cung ngoại tệ từ các thương vụ M&A

Nếu như số liệu công bố trước đó của Tổng cục Thống kê cho thấy thặng dư thương mại hàng hóa trong tháng 2-2023 là 2,3 tỉ đô la Mỹ và lũy kế hai tháng đầu năm nay là 2,8 tỉ đô la Mỹ, thì dữ liệu cập nhật của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất siêu của riêng tháng 2 điều chỉnh lên gần 2,8 tỉ đô la Mỹ và lũy kế hai tháng đầu năm nay là hơn 3,4 tỉ đô la Mỹ. Hoạt động thương mại thặng dư trở lại đang có những đóng góp nhất định vào nguồn cung ngoại tệ trong nước.

Trong khi đó, dù dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang có diễn biến sụt giảm, riêng vốn FDI thực hiện trong hai tháng đầu năm ghi nhận 2,55 tỉ đô la Mỹ, giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng với các hoạt động thâu tóm và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) đang diễn ra ngày càng sôi động, dòng vốn gián tiếp nước ngoài có thể giúp cải thiện thêm nguồn cung ngoại tệ trong giai đoạn tới.

Trong bối cảnh các doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn khi thanh khoản thị trường sụt giảm và hạn chế khả năng tiếp cận các khoản vay, trong khi đang có nhu cầu cao về vốn và kỳ đáo hạn nợ cũng đang đến gần, không ít doanh nghiệp phải lựa chọn bán mình cho nước ngoài.

Đây cũng là dự đoán của nhiều tổ chức nghiên cứu, khi đánh giá 2023 sẽ là năm bùng nổ hoạt động M&A trên thị trường bất động sản. Như đại diện của hãng nghiên cứu thị trường bất động sản Savills Việt Nam cho biết, hoạt động M&A bất động sản đã khởi động và sẽ vào mùa nhộn nhịp từ quí 2-2023 sang đến năm 2024.

Còn trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, VPBank ngày 27-3 thông báo đã đạt thỏa thuận bán 15% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), với giá trị thương vụ lên đến 1,5 tỉ đô la Mỹ, đánh dấu thương vụ M&A lớn nhất ngành ngân hàng từ trước đến nay. Trước đó, đầu năm 2021, thông qua SMBC Consumer Finance, tập đoàn này cũng đã chi 1,37 tỉ đô la Mỹ mua 49% vốn của FE Credit - công ty con của VPBank.

Với nguồn cung ngoại tệ lớn từ các hoạt động M&A, cùng với việc đô la Mỹ có thể rơi vào xu hướng giảm giá, dự báo thị trường ngoại hối trong nước trong năm nay sẽ ổn định hơn và không chịu nhiều áp lực như thời điểm nửa cuối năm ngoái.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới