Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Doanh nghiệp ‘chóng mặt’ với diễn biến giá đô la Mỹ tăng vọt từng ngày

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đồng đô la Mỹ liên tục tăng giá đang tạo sức ép nặng nề và căng thẳng với các doanh nghiệp thuần nhập khẩu và mua nguyên vật liệu từ các nước về phục vụ sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp điêu đứng khi áp lực chi phí sản xuất tiếp tục tăng cao trong khi cả thị trường trong và ngoài nước đều có chiều hướng sụt giảm do khó khăn kinh tế toàn cầu và lạm phát tăng cao…

Nhiều doanh nghiệp sản xuất đang lo nguyên liệu nhập khẩu tăng giá cao do tỷ giá đồng đô la Mỹ tăng cao so với đồng Việt Nam. Trong ảnh là nhân viên Công ty Phạm Gia Nguyễn vẫn chuyển hàng hóa đến khách hàng. Ảnh: Lê Hoàng

Theo các chuyên gia kinh tế, đô la Mỹ vẫn là đồng tiền thanh toán chính cho phần lớn các hợp đồng xuất nhập khẩu của Việt Nam, nên diễn biến giá đô la Mỹ tăng mạnh gần đây đã gây ra nhiều biến động cho thị trường.

Doanh nghiệp nhập khẩu căng thẳng, lo âu

Các doanh nghiệp thuần về nhập khẩu đang trong tình trạng căng thẳng, đứng ngồi không yên khi đồng đô la Mỹ tăng giá cao và tăng nhanh một cách chóng mặt.

Bà Phạm Ngọc Thu Nga, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Phạm Gia Nguyễn, cho biết tất cả các sản phẩm giấy mỹ thuật và giấy in nhãn mác và bao bì cung cấp cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước đều được công ty nhập khẩu trực tiếp ở nhiều thị trường khác nhau.

Dù các nhà cung cấp từ Mỹ, Ý, Nhật Bản hay Hàn Quốc…, Phạm Gia Nguyễn cũng đều phải thanh toán bằng đồng đô la Mỹ hoặc quy đổi sang đồng bạc xanh này. Thông thường mỗi đợt nhập khẩu kéo dài 3-4 tháng, trong khi các lô hàng vừa về đến Việt Nam trong tháng này khiến công ty phải đội chi phí thanh toán hơn 10% bởi tiền đồng Việt Nam bị trượt giá so với đô la Mỹ.

“Gần 10 tháng nay, việc kinh doanh của Phạm Gia Nguyễn bị sụt nhiều, một số mặt hàng giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái mà nguyên nhân là hoạt động sản xuất của các khách hàng chuyển sản xuất sản phẩm may mặc, điện tử, đồ gỗ… bị sụt giảm bởi tình hình lạm phát ở các nước nhập khẩu tăng cao và kinh tế còn nhiều khó khăn”, bà Nga chia sẻ.

Nữ doanh nhân trăn trở: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi còn cố gắng tiết giảm nhiều chi phí cũng như chia sẻ khó khăn cho khách hàng trong bối cảnh giá các nguyên vật liệu và cước phí vận chuyển,… liên tục tăng cao khiến hoạt động kinh doanh không còn lợi nhuận”.

Giờ đây thêm khó khăn của đồng đô la Mỹ tăng cao và rất nhanh khiến Phạm Gia Nguyễn không kịp xoay xở. “Chúng tôi không thể tăng giá bán theo đồng đô la Mỹ ngay vì các khách hàng chính, các nhà sản xuất thường ký kết với giá cố định trước và quy trình tăng giá có độ trễ vài tháng, trong khi các nhà sản xuất nhỏ lẻ theo thời vụ thì đang rất chật vật để tồn tại”, bà Nga nêu thực tế.

Sau động thái nâng biên độ tỉ giá giao ngay USD/VNĐ từ 3% lên 5% từ ngày 17-10 của Ngân hàng Nhà nước, giá USD trên thị trường đã bật tăng mạnh những ngày gần đây.

Đến ngày 20-10, giá USD ở các Ngân hàng thương mại giao dịch phổ biến quanh 24.370 đồng/USD mua vào, 24.650 đồng/USD bán ra, tăng 50 đồng/USD so với ngày trước đó. Giá USD trên thị trường tự do tăng tới 300 đồng lên 24.980 đồng/USD mua vào, 25.080 đồng/USD bán ra, cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, vấn đề lo lắng nhất của nữ CEO này là đồng đô la Mỹ chưa cho thấy dứt đà tăng hoặc động thái của nhà quản lý kềm lại đà tăng cao của đồng bạc xanh này. “Hiện nay, nhiều nhà nhập khẩu như chúng tôi đang phải vật lộn với việc chi phí gia tăng, nguồn vốn thu hẹp và khó khăn do tỉ giá đồng đô la Mỹ tăng cao”, bà Nga nói.

Nếu hàng hoá tiếp tục nhập về thời điểm này, theo các doanh nghiệp, giá bán mới sẽ cao, người tiêu dùng giảm chi tiêu, làm cho hàng nhập về tồn kho cao, và sẽ nhập hàng ít lại hoặc nhập cầm chừng. Điều này dễ dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước trong thời gian tới.

Vị nữ chủ tịch lèo lái Phạm Gia Nguyễn kết luận với nhiều khó khăn và biến động nói trên, chắc chắn khép lại năm 2022, hoạt động kinh doanh của công ty có khả năng âm, khó có cơ hội lội ngược dòng và công ty chỉ cố gắng duy trì để giữ khách hàng hiện hữu cũng như giữ người lao động.

Nhà sản xuất lo nguyên liệu tăng cao

Trong khi đó, các nhà sản xuất các sản phẩm mà nguyên liệu sản xuất phải nhập khẩu cũng quan ngại không kém trước diễn biến tỉ giá đô la Mỹ tăng cao và nhanh hiện nay.

Doanh nghiệp sản xuất ở các ngành hàng, trong đó có sắt thép cũng đang quan ngại đô la Mỹ tăng cao khiến nguyên liệu đầu vào sản xuất sẽ tăng cao giữa bối cảnh thị trường tiêu thụ sụt giảm. Ảnh minh họa: TTXVN

Ông Đinh Công Khương, Tổng giám đốc Công ty TNHH TM Dịch vụ thép Khương Mai, và là Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Thép TPHCM, cho biết ngành sản xuất thép trong nước hiện phải nhập khẩu khoảng 70% nguyên liệu các loại. Nếu đồng đô la Mỹ tăng giá 5% thì gia thành sản xuất thép cũng sẽ tăng thêm 3,5%.

Trong khi đó các đơn hàng, nhà sản xuất đã ký bán trước đó rồi thì không thể điều chỉnh tăng theo tỉ giá đô la được. Cũng theo ông Khương, từ đầu năm đến nay giá bán thép thị trường trong nước đã giảm 30% đến 50% tùy từng chủng loại, dẫn đến nhiều doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sắt thép gặp nhiều khó khăn. Trong đó, nhu cầu tiêu thụ lại giảm do nhu cầu tiêu thụ sắt thép cho ngành bất động sản (chiếm 40-50%) của ngành sụt giảm.

“Do vậy, việc đồng đô la Mỹ tăng cao đang tiếp tục tạo thêm gánh nặng khó khăn cho các doanh nghiệp ngành thép trong thời gian tới”, ông Khương trăn trở.

Hàng loạt doanh nghiệp ở ngành hàng sản xuất khác như đồ nhựa, may mặc, thực phẩm, sản phẩm điện tử… cũng nhập nhiều nguyên liệu về sản xuất cho biết đang đau đầu với tiền đô la Mỹ tăng nhanh và cao, khiến việc kinh doanh của họ ngày càng khó khăn.

Theo bà Huỳnh Phương Trinh, Phó tổng giám đốc Công ty sản xuất Bột Quốc Tế (Intermix), phần lớn nguyên liệu để sản xuất bột các loại của công ty là nhập khẩu từ các thị trường Thái Lan, Nhật Bản, và châu Âu. Tuy nhiên, khi thanh toán đơn hàng cũng phải chuyển qua đồng đô la Mỹ. Với tình hình đô la Mỹ tăng cao như hiện nay, bà Trinh tính toán giá thành sản xuất ra các loại bột tại công ty sẽ tăng ít nhất là 15%.

Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường tiêu thụ bị sụt giảm nhiều, và các khách hàng rất khó khăn, bà Trinh cho biết công ty bà không thể điều chính giá bán theo đà tăng của đồng bạc xanh.

“Điều may mắn là Intermix đã nhập nguyên liệu cho sản xuất đến hết năm nay nên chúng tôi cố gắng giữ giá bán cho các khách hàng là nhà sản xuất đến cuối năm”, bà Trinh nói, nhưng bà lo lắng: “Nếu đồng đô la Mỹ tiếp tục tăng cao thì rất khó giữ giá bán vì chúng tôi cũng phải chuẩn bị nguyên liệu sản xuất cho năm 2023”.

Cũng theo bà Trinh, từ đầu năm đến nay, tình hình nguyên liệu, chi phí vận chuyển và giá đầu vào sản xuất cứ liên tục tăng cao, nhưng Intermix chỉ điều chỉnh giá bán một lần vào tháng 3 với mức điều chỉnh tăng chưa đến 50% chi phí đầu vào sản xuất.

“Thời gian qua, công ty đã cố gắng gồng mình để có giá bán tốt nhất cho khách hàng cùng với nguyên liệu và giá đầu vào sản xuất cứ liên tục tăng cao, khiến việc kinh doanh của chúng tôi không có lợi nhuận”, bà Trinh chia sẻ, và cho biết khả năng kết thúc năm nay, sản lượng tiêu thụ của công ty bị sụt giảm khoảng 10% và lợi nhuận sụt giảm nhiều do chủ yếu công ty “lấy công làm lời”.

Nguy cơ tăng giá hàng hóa nhập khẩu

Ở lĩnh vực bán lẻ như hàng hóa tiêu dùng, ô tô, xe máy, hàng điện máy,… nhập khẩu về, giới kinh doanh cho rằng tỉ giá tăng cao chắc chắn sẽ tác động đến hàng tiêu dùng nhập khẩu.

Tuy nhiên, giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng có tăng hay không còn tùy thuộc vào sức mua của thị trường. Bởi lẽ thực tế sức mua trong nước hiện nay được các doanh nghiệp đánh giá là còn yếu, người tiêu dùng đang khó khăn nên thắt chặt chi tiêu, dẫn đến rất khó có thể tăng giá ngay từ bây giờ mà có thể lùi 2-3 tháng tới.

Còn trường hợp một số dòng sản phẩm thị trường tiêu thụ tốt, doanh nghiệp buộc phải tăng giá để bù vào phần chênh lệch tỉ giá.

Mặt hàng xe máy và ô tô nhập khẩu nguyên chiếc thường tiêu thụ tăng cao vào dịp những tháng cuối năm cũng đang chịu áp lực bởi tỉ giá. Trên thực tế, một số nhà nhập khẩu ô tô cũng đã tính toán sẽ cộng thêm mức biến động về tỉ giá cho giá bán lẻ những lô xe nhập khẩu mới…

Ô tô nguyên chiếc nhập khẩu

Theo các chuyên gia kinh tế, đô la Mỹ vẫn là đồng tiền thanh toán chính cho phần lớn các hợp đồng xuất nhập khẩu của Việt Nam, nên diễn biến giá đô la Mỹ tăng mạnh thời gian gần đây đã gây ra nhiều biến động cho thị trường.

Đề cập đến vấn đề này, một chuyên gia nhận định, giá đô la Mỹ tăng cao thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ vui, nhưng ngược lại công ty nào nhập khẩu sẽ có nguy cơ bị lỗ. Nói chung từ đầu năm đến nay, tỉ giá hối đoái biến động quá mạnh sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhất là các công ty nhỏ không đủ nguồn lực, công cụ để có thể dự phòng rủi ro tỉ giá.

Tuy nhiên, khi giá đô la Mỹ tăng khiến doanh thu bị bội chi về phí nhập khẩu, phí vận tải và phải gánh thêm khoản chênh lệch tỉ giá rất lớn nếu vay nợ bằng đô la Mỹ. “Nhập khẩu nguyên phụ liệu cho nhiều ngành sản xuất trong nước cũng bị ảnh hưởng khi tỉ giá đồng đô la Mỹ biến động, chi phí nhập khẩu tăng cao, đầu ra không tăng, đơn hàng sụt giảm khiến một số doanh nghiệp đối mặt với thua lỗ”, vị chuyên gia kinh tế phân tích.

Không chỉ các doanh nghiệp nhập khẩu đang chịu tác động bất lợi từ tỷ giá tăng, các doanh nghiệp cơ cấu nợ bằng đô la Mỹ lớn cũng đang “chịu đòn” tỉ giá.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới