(KTSG Online ) - Từ đầu năm đến nay, mảng bất động sản thu hút mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài. Ghi nhận cho thấy nhu cầu bất động sản sản xuất công nghiệp, nhà ở, văn phòng cho thuê, bán lẻ, logistics… đều có tiềm năng để phát triển.
- Giá chung cư cao cấp vùng ven Hà Nội đã lên đến gần 70 triệu đồng/m2
- Bất động sản “triệu đô” chuyển dịch về các đô thị vệ tinh TPHCM
Vốn ngoại vào bất động sản tăng gấp 3 lần
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 5 tháng đầu năm nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 trong tổng số 21 ngành. Trong đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản xếp thứ hai, chỉ sau ngành công nghiệp chế biến và chế tạo.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư cam kết vào bất động sản của nhà đầu tư nước ngoài trong 5 tháng qua đạt gần 3 tỉ đô la Mỹ, cao gần gấp ba lần số vốn ngoại cam kết vào bất động sản Việt Nam trong cùng kỳ năm ngoái và chiếm 25,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Ghi nhận mới nhất cũng cho thấy dòng vốn này đang tiếp tục rót vào mảng bất động sản. Trong đó, vào đầu tháng 6 này, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) cho biết vừa nhận khoản đầu tư 250 triệu đô la từ nhóm quỹ đầu tư do Warburg Pincus dẫn đầu.
Warburg Pincus là một trong những nhà đầu tư lớn, đã rót hơn 1,5 tỉ đô la Mỹ vào thị trường Việt Nam.
Theo một số chuyên gia, lĩnh vực bất động sản ở Việt Nam, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM, tiếp tục thu hút nguồn vốn ngoại.
Thông tin từ Bộ Xây dựng cũng cho thấy Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng với các nhà đầu tư nước ngoài và có vị thế tốt để thu hút FDI vào ngành kinh doanh bất động sản.
Vốn vào bất động sản nào?
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư không đưa ra thống kê cụ thể dòng vốn của nhà đầu tư ngoại đã đổ vào lĩnh vực nào của mảng bất động sản nhưng giới phân tích và chuyên gia tư vấn cho rằng triển vọng cho thấy nhu cầu bất động sản sản xuất công nghiệp, nhà ở, văn phòng cho thuê, logistics… đều có tiềm năng để phát triển.
Theo ông Võ Sỹ Nhân, Giám đốc điều hành và là đồng sáng lập Gaw NP Capital, sau thành công ban đầu của các dự án bất động sản công nghiệp cũng như nhìn thấy tiềm năng lớn ở thị trường trong nước, Gaw NP Capital quyết định sẽ rót từ 200 triệu đến 500 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam từ 12 đến 18 tháng tới.
Với quy mô hiện có gần 50 ha đất nhà máy xây sẵn (RBF) và nhà kho xây sẵn (RBW) cho thuê, Gaw NP Industrial đặt mục tiêu sẽ mở rộng quỹ đất tại Việt Nam lên đến 100 ha khi kết thúc năm 2022.
Cùng với Gaw NP Capital, các nhà đầu tư nước ngoài khác như Amata, Sembcorp Development, BW… cũng đang tìm cơ hội rót vốn vào bất động sản công nghiệp để đón đầu dòng vốn tăng vào sản xuất, hậu cần và thương mại điện tử Việt Nam.
“Chúng tôi nhận thấy dư địa tăng trưởng trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các nhà xưởng, nhà kho chất lượng quốc tế ở Việt Nam”, ông Lance Li, Tổng giám đốc BW nói.
Cùng với mảng bất động sản công nghiệp, nhu cầu thuê mặt bằng văn phòng, mặt bằng bán lẻ đang trên đà hồi phục nhưng thị trường thiếu nguồn cung cũng mang đến cơ hội cho nhà đầu tư.
Theo báo cáo thị trường bất động sản quí 2 của một số đơn vị nghiên cứu, nhu cầu thuê văn phòng của doanh nghiệp tăng cao nhưng nguồn cung đang rất hạn chế. Thời gian qua, nguồn cung mới trên thị trường gần như không có, như ở TPHCM, phân khúc hạng A và B ở khu vực trung tâm lại càng khan hiếm hơn.
Bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, cho biết các tập đoàn quốc tế luôn yêu cầu không gian chất lượng, tầm nhìn bao quát và vị trí trung tâm để có thể khẳng định vị thế thương hiệu, khả năng thu hút khách hàng và nhân tài.
Đây là cơ hội cho các nhà đầu tư tiếp tục rót vốn vào hạ tầng không gian văn phòng trong thời gian tới.
Thị trường cho thuê mặt bằng bán lẻ cũng tăng trưởng tương tự. Theo bà Trần Phạm Phương Quyên, người đứng đầu bộ phận cho thuê mặt bằng bán lẻ của Savills Việt Nam, nhiều doanh nghiệp mở rộng kinh doanh khiến nhu cầu thuê mặt bằng tăng.
Thêm vào đó, hàng loạt mô hình kinh doanh mới ra đời như bếp trung tâm, cửa hàng phân phối vệ tinh, hay cửa hàng tích hợp đa thương hiệu… cũng góp phần làm thị trường sôi động hơn.
Mảng bất động sản nhà ở và căn hộ cũng được nhận định là rất tiềm năng. Dù nền kinh tế chịu tác động của đại dịch nhưng giá bất động sản, nhà ở, đất nền liên tục tăng từ đầu năm 2021, giá nhà chung cư đã tăng bình quân từ 5-7%; giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%, đất nền tăng 20-30% so với cuối năm 2020. Trong khi đó, nguồn cung ở tất cả các phân khúc đều khan hiếm, đặc biệt nguồn cung nhà ở vừa túi tiền hầu như không xuất hiện.
Những thông tin tích cực trên khiến cho dòng vốn ngoại hướng vào bất động sản Việt Nam.