Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bất động sản Trung Quốc suy yếu, đẩy nhiều công ty châu Âu đến bờ vực

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) -  Tình trạng trì trệ của nền kinh tế Trung Quốc đang gây căng thẳng cho một số doanh nghiệp châu Âu có nợ nần lớn và hoạt động kinh doanh phụ thuộc lớn vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại giữa cuộc khủng hoảng bất động sản với hàng loạt dự án căn hộ bị đình trệ. Ảnh: Getty

Wittur Holding, nhà sản xuất linh kiện thang máy của Đức, chứng kiến doanh thu giảm sâu do bong bóng bất động sản vỡ ở Trung Quốc, một trong những thị trường chính của công ty. Khi hoạt động xây dựng các tòa nhà mới gần như dừng lại ở Trung Quốc, nhu cầu thang máy cũng sụp đổ. Do gánh nặng nợ nần quá lớn và trở nên không bền vững, các cổ đông của công ty này,  gồm Bain Capital (Mỹ) và một quỹ hưu trí của Canada, đã chuyển quyền sở hữu cổ phần cho chủ nợ là KKR & Co.

Với cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc kéo dài dai dẳng và nền kinh tế đang chậm lại, có thể sẽ còn nhiều câu chuyện tương tự nữa ở châu Âu. Nhiều công ty chuyên thâu tóm đã mua lại các doanh nghiệp châu Âu bằng tiền vay trong kỷ nguyên lãi suất thấp. Nhiều trong số các doanh nghiệp đó hiện đang chịu đòn giáng kép:

Chi phí vay tăng vọt đúng lúc kinh tế Trung Quốc, một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của họ, rơi vào ảm đạm. Theo thống kê của Liên minh châu Âu (EU), tình hình tồi tệ đến mức xuất khẩu của khối nay sang Trung Quốc đang hướng đến mức sụt giảm hàng năm lần đầu tiên kể từ ít nhất là năm 2002.

“Các công ty có đòn bẩy tài chính cao, tập trung kinh doanh ở một số ít thị trường, khó có thể linh hoạt để đối phó với các thách thức tài chính. Vì vậy, đối với họ, nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc có thể gây ra khó khăn và rủi ro tín dụng”, Svitlana Ukrayinets, nhà phân tích của hãng xếp hạng tín nhiệm nợ Moody's Investor Service, bình luận.

Tác động do tăng trưởng trì trệ ở Trung Quốc sẽ không mang tính hệ thống. Moody's ước tính, trong số các doanh nghiệp châu Âu mà hãng cung cấp xếp hạng tín dụng, trung bình chỉ có 8% doanh thu đến từ Trung Quốc . Nhưng doanh nghiệp trong một số ngành nhất sẽ chịu tổn thương lớn do phụ thuộc nhiều vào thị trường khổng lồ này.

IGM Resins (Hà Lan), thuộc sở hữu của Công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân Astorg Partners, sản xuất và cung cấp các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật cho thị trường mực in và sơn phủ. Theo Moody's, Trung Quốc chiếm 1/3 thị trường các sản phẩm sơn phủ sơn và mực được xử lý bằng tia cực tím trên toàn, nhưng tăng trưởng kinh tế suy yếu trong năm ngoái, không đạt được mục tiêu chính thức.

Việc trì hoãn việc triển khai cơ sở sản xuất mới ở Trung Quốc cũng làm tăng thêm khó khăn cho IGM Resins. Giờ đây, IGM Resins có nguy cơ cạn tiền mặt trong 12-18 tháng tới và sẽ phải vật lộn để tái cấp vốn cho các khoản vay đến hạn thanh toán vào năm 2025. Moody's đã cắt giảm xếp hạng tín dụng của công ty Hà Lan này hai lần trong năm nay.

“Khi Trung Quốc tăng trưởng ở mức 8%, 9% hoặc 10% thì cơ hội sẽ đến với tất cả mọi người. Khi kinh tế nước này tăng trưởng ở mức 3%, 4% hay 5%, thì sẽ có cơ hội trong các lĩnh vực cụ thể nhưng không phải tất cả”, Jens Eskelund, Chủ tịch Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, nói

Nhìn về tương lai, có rất nhiều hoài nghi về nền kinh tế Trung Quốc. Tuần này, Bắc Kinh đã thực hiện một loạt động thái chính sách hiếm hoi, bao gồm tăng thâm hụt ngân sách, để thúc đẩy nền kinh tế trong khi vẫn kiềm chế các biện pháp kích thích lớn. Dù tăng trưởng của Trung Quốc trong quí 3 vượt kỳ vọng, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cũng trong tuần này, nhà phát triển bất động sản hàng đầu đất nước Country Garden được coi là vỡ nợ đối với trái phiếu bằng đô la sau khi không trả lãi suất coupon cho các chủ nợ trong thời gian ân hạn. China Evergrande Group, tâm điểm của cuộc khủng hoảng nợ bất động sản của Trung Quốc, đang xoay sở hoàn tất kế hoạch tái cơ cấu và có thể thanh lý tài sản. Bất ổn từ lĩnh vực nhà ở có nguy cơ lây lan thêm, cản trở động lực phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Vì vậy, các công ty châu Âu có thể đối mặt những căng thẳng gay gắt hơn nữa.

Đối với TK Elevator, một công ty sản xuất thiết bị thang máy khác của Đức, sự phục hồi chậm chạp ở Trung Quốc có nghĩa là biên lợi nhuận cải thiện chậm hơn dự kiến. Điều này đang gây khó khăn cho mô hình kinh doanh vay nợ nhiều của TK Elevator. Mặc dù thời hạn nợ sớm nhất của công ty là vào năm 2027, nhưng đòn bẩy cao đã khiến Fitch Ratings điều chỉnh triển vọng đối với tổ chức phát hành thành tiêu cực. Trái phiếu không bảo đảm của công ty đang giao dịch với mức chiết khấu 14 cent so với mệnh giá 1 đôla và được xếp hạng CCC+, nằm sâu bảy bậc trong hạng mục trái phiếu hạng rác (không thể đầu tư).

“Thị trường Trung Quốc đóng vai trò quan trọng đối với nhiều công ty ở châu Âu, bao gồm nhiều nhà sản xuất vừa và nhỏ. Họ có thể đã dự đoán và chuẩn bị cho chu kỳ tăng trưởng suy yếu ở Trung Quốc. Nhưng chúng ta có thể chứng kiến nhiều công ty trong số họ, đặc biệt là những công ty tiếp xúc nhiều hơn trong lĩnh vực bất động sản, phải đương đầu với thách thức nếu sự tăng trưởng trì trệ của Trung Quốc mang tính hệ thống”, Tommy Wu, nhà kinh tế tại Commerzbank AG có trụ sở tại Singapore, bình luận

 Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới