Thứ tư, 22/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bắt nhịp xu hướng thế giới với “trứng gà nhân đạo”

Hồ Nguyên Thảo

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Đầu tháng 9 vừa rồi, khi thành phố vẫn còn hạn chế đi lại trong dịch, Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food) giới thiệu một sản phẩm mới: trứng gà chăn nuôi đạt chuẩn chăn nuôi nhân đạo của thế giới. Đây là dự án đầu tiên được tổ chức phi lợi nhuận Human Farm Animal Care (HFAC) ở Mỹ cấp giấy chứng nhận. Trong năm đầu, khoảng 6.000 gà mái tại trang trại thí điểm của Vĩnh Thành Đạt tại Long Khánh, Đồng Nai được giải phóng khỏi những chiếc lồng chật chội và sẽ tăng trong năm tiếp theo.

Các loại trứng kho hay trứng tiềm chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với sản lượng trứng tươi của Vĩnh Thành Đạt.

Sự chuyển mình mới

Gà chạy bộ, gà thả vườn, gà ngủ cây hay gà đồi được người tiêu dùng chuộng hơn gà nuôi công nghiệp. Bởi quá trình nuôi thả tự nhiên tạo nên thịt ngon ngọt và săn chắc hơn, trứng thì đỏ lòng nhìn hấp dẫn hơn.

Tại trang trại ở Long Khánh, gà được nuôi ở môi trường bán tự nhiên, tuân thủ các tiêu chuẩn sức khỏe, dinh dưỡng và chăm sóc gà đẻ trứng của HFAC. Gà được bay nhảy, tắm bụi trên chất độn chuồng bằng trấu, nghỉ trên sào đậu và vẫn có thể tự đào bới thức ăn trên nền đất theo hành vi tập tính của loài gà. Dự kiến trong năm đầu, V.Food sẽ cho ra thị trường 1,5 triệu quả trứng gà không nuôi nhốt.

Tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực phúc lợi động vật Human Society International (HIS) cùng đồng hành với Vĩnh Thành Đạt trong dự án tiên phong về chăn nuôi nhân đạo Việt Nam. HIS hoạt động dựa trên các cơ sở khoa học và tinh thần tự nguyện hợp tác. Tổ chức này sẽ hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình chuyển tiếp cho các nhà sản xuất hay các hãng chế biến trứng như V.Food, gồm tham quan học hỏi các mô hình tiên tiến, tư vấn, kết nối chuyên gia và tổ chức hội thảo kỹ thuật hàng năm.

Bà Lê Thị Hằng, quản lý Chương trình phúc lợi động vật trang trại của HSI tại Việt Nam, nói rằng: “HIS hoan nghênh sự chuyển mình của V.Food. Chúng tôi rất vui mừng khi các nhà sản xuất và công ty chế biến đang chuyển sang chăn nuôi nhân đạo tại Việt Nam”.

Đàn gà đẻ trứng của Việt Nam có hơn 77 triệu con, với sản lượng 14 tỉ trứng trong năm 2020 vừa rồi, tăng gần 2,5 lần so với 6 tỉ trứng vào thập niên trước. Đàn gà thịt cũng tăng từ 100 triệu con trong năm 2010 lên 530 triệu con trong năm 2020, cho sản lượng thịt từ 600.000 tấn trong năm 2010 lên 1,4 triệu tấn trong năm 2020. Trang trại và lò giết mổ thuộc loại hiện đại nhất ở Đông Nam Á, nhưng xuất khẩu thịt và trứng gia cầm vẫn đang loay hoay tìm hướng, dù rằng đã nhận ra các thị trường tiềm năng như Myanmar, Nhật Bản, Hồng Kông và Nga - tạp chí nhận định.

Hiện trứng gà không nuôi nhốt thương hiệu V.Food cage-free eggs đang được bày bán tại nhiều chuỗi siêu thị tại TPHCM.

Tổng giám đốc Trương Chí Thiện cũng là nhà sáng lập V.Food nói rằng thời gian đầu giá thành sản phẩm cao hơn khoảng 20% so với trứng sạch nuôi nhốt thông thường đang bán trên thị trường. “Nhưng đây là cơ hội để ngành chăn nuôi gia cầm Việt Nam bắt kịp xu hướng chung trong khu vực”, ông Thiện nói.

Cuộc khủng hoảng chưa từng có

Năm 1990, khi còn là sinh viên năm thứ hai, ông Thiện đã bắt đầu bán trứng ở Sài Gòn do người nhà ở quê gửi lên. Xong đại học, đi làm mấy tháng thì ông thấy nên tiếp tục sự nghiệp bán trứng. “Năm 1996, tôi chính thức thuê mặt bằng làm cơ sở kinh doanh trứng. Vĩnh Thành Đạt ra đời sau khi dịch cúm gia cầm năm 2003 qua đi”, ông Thiện kể về những ngày đầu lập nghiệp.

Hơn 30 năm trong ngành, ông Thiện cứ tưởng dịch cúm gia cầm H5N1 sẽ luôn là cuộc khủng hoảng to lớn trong đời kinh doanh. Nhưng cái ám ảnh “như trắng tay vì nợ khó đòi” của gần 20 năm trước không bằng một góc những gì diễn ra trong khủng hoảng Covid ở TPHCM vừa qua. “Sinh mạng con người trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Kèm theo đó là sự sợ hãi và nỗi ám ảnh”, ông Thiện nhớ lại

Nhiều đêm, trong tiếng còi xe cấp cứu hụ ngoài đường, ông Thiện tưởng tượng ra có tiếng chuông điện thoại reo liên hồi. Quy định ngầm được đưa ra là mọi người không dùng điện thoại, mà chỉ nhắn tin. Mọi trao đổi giữa ông Thiện và các cấp quản lý được thực hiện qua e-mail.

“Thấy doanh nghiệp khác có ca F0, tôi lo sợ điều đó sẽ xảy ra với nhân viên mình. Chiêm bao tôi thấy mình dùng que xét nghiệm và kết quả không phải là một vạch, hay hai vạch, mà là rất nhiều vạch đỏ”, ông Thiện hồi tưởng.

Tài xế và nhân viên tiếp thị thành F0. Cả công ty sống trong những ngày phập phồng lo sợ trong những ngày cả thành phố ráo riết truy tìm F0. May cái là hai người này không vào khu vực sản xuất. Bốn tháng ròng, Vĩnh Thành Đạt thực hiện các quy định riêng để bảo vệ người lao động. Lại thêm may khi dây chuyền sản xuất của công ty không một ngày ngưng trệ.

Đa dạng hóa để đón bắt xu hướng

Trứng tươi của V.Food sau này dùng các loại vỉ giấy, bao bì bằng mây tre lá thiên nhiên. “Chúng tôi cũng sử dụng năng lượng mặt trời để làm ấm nước rửa trứng, đáp ứng đòi hỏi của khách hàng Nhật Bản”, ông Thiện kể trong một lần dẫn khách đi thăm xưởng sản xuất ở quận 12.

Công ty hợp tác với Tập đoàn ISE để gia công sản phẩm trứng tươi ăn sống đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Nhật Bản. Vĩnh Thành Đạt lần lượt đưa ra các sản phẩm trứng chế biến, kéo dài tuổi đời của mặt hàng trứng gia cầm tươi. Tại các cửa hàng tiện lợi, trứng gia cầm chế biến sẵn, có thể ăn liền của công ty được tiêu thụ khá tốt.

Trứng luộc lòng đào, trứng vịt kho, trứng gà tiềm, trứng cút phá lấu, trứng vịt muối ăn liền, trứng bắc thảo ăn liền đang bán chạy. Rồi sản phẩm trứng xông khói kiểu Hàn Quốc kèm theo loại muối chấm riêng… Các loại trứng tiềm có ngày bán đến 20.000 trứng, nhưng nó chỉ là số nhỏ trong sản lượng trứng tươi 700.000 đến 1 triệu quả mỗi ngày của V.Food.

Trong tháng 10, Vĩnh Thành Đạt còn đưa ra thị trường hai sản phẩm nữa: lòng trắng trứng và lòng trắng trứng tách riêng dành cho người tập gym hay theo chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Ông Thiện còn dự định làm bánh bông lan với các loại trứng loại 2.

V.Food là hãng trứng gia cầm mới nhất gia nhập trào lưu chăn nuôi nhân đạo ở Đông Nam Á như Charoen Pokphand Foods và Betagro tại Thái Lan, San Miguel Corp và Bounty Fresh ở Philippines. “Sự chuyển đổi này sẽ đáp ứng nhu cầu đang tăng về trứng gà nuôi thả của ngành công nghiệp thực phẩm toàn cầu.

Số hãng thực phẩm và chuỗi nhà hàng khách sạn đang có chính sách chọn mua trứng gà nuôi thả như một phần trong các mục tiêu trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp”, tạp chí chuyên ngành Poultry World có trụ sở tại Hà Lan viết về chứng nhận chăn nuôi nhân tạo đầu tiên tại Việt Nam.

Thị trường thịt và trứng gia cầm thế giới đang có những chuyển biến lớn. Từ năm 2016, chuỗi siêu thị Walmart hay chuỗi thức ăn nhanh McDonald’s đã không mua trứng hay thịt từ các trang trại nuôi nhốt. Hàng loạt các tập đoàn và chuỗi khác đã tiếp bước, chỉ chọn mua các loại thịt và trứng từ những nơi không nuôi nhốt, nuôi thả (hay thả rong) hoặc chăn nuôi hữu cơ.

Tiếp thị hay giới thiệu với người tiêu dùng các phúc lợi với vật nuôi trang trại là điều tối quan trọng với các cơ sở chăn nuôi. “Chiến lược nhãn hàng và thông điệp vô cùng quan trọng để xây dựng niềm tin ở trong trí tưởng của người tiêu dùng.

Không chỉ là giáo dục họ về sự khác biệt của nuôi thả rong, nuôi không nhốt lồng, nuôi trên đồng cỏ, hữu cơ hay không có biến đổi gen, nhà sản xuất còn phải chỉ rõ sự khác biệt giữa các chứng nhận in trên bao bì và chúng tôi khác với các nhãn hàng khác trong cùng ngành hàng trứng gia cầm ra sao”, Lauren Egan, Phó chủ tịch về nhãn hàng và sáng tạo tại Egg Innovations, phân tích.

Theo ý nghĩa đó, Vĩnh Thành Đạt đang đặt chân vào một địa hạt mới khi người tiêu dùng quốc tế ngày càng quan tâm hơn đến môi trường, phúc lợi động vật. “Trứng gà không nuôi nhốt của chúng tôi đã có mặt ở chuỗi thực phẩm cao cấp Annam Gourmet và đang tìm đường đến với các nhà hàng khách sạn năm sao và các thị trường xa hơn”, Phó tổng giám đốc Trương Chí Cường cho biết.

2 BÌNH LUẬN

  1. Number One ! Một thực phẩm vô cùng thông dụng và hữu ích ! Mong rằng sẽ có thêm nhiều sản phẩm, nhất là thực phẩm cho dân ta theo mô hình BTN (Back to Nature): Bổ/ Tốt/ Ngon ! Người tiêu dùng sẽ ủng hộ hết mình cho dù có đắt hơn một ít.

    • Đồng ý với LNH. Quan trọng là nhà cung cấp có kênh phân phối ổn định, rộng khắp, giữ vững sản lượng đáp ứng nhu cầu, chỉ cần bán nội không thôi là đã OK, chưa cần xuất đi nước ngoài.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới