Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bất ổn chính trị và nợ công phủ bóng hội nghị thường niên của IMF-WB

Lê Linh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nền kinh tế toàn cầu đang dần thoát khỏi áp lực lạm phát nhưng vẫn đối mặt nhiều thách thức lớn, bao gồm tác động khó lường từ kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới và khối nợ công tăng nhanh của các chính phủ.

Đây sẽ là những vấn đề hàng đầu được thảo luận tại hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), khai mạc ở Washington, Mỹ vào hôm nay (21-10).

Cuộc họp thường niên của IMF và WB sẽ khai mạc vào hôm nay (21-10) ở Washington, Mỹ. Địa chính trị và nợ công toàn cầu là những vấn đề quan tâm hàng đầu của các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: AFP

Hy vọng vào kịch bản kinh tế thế giới hạ cánh mềm

Kinh tế toàn cầu hướng tới thời điểm cuối năm với những thuận lợi bất ngờ khi lạm phát hạ nhiệt, mở ra kịch bản hạ cánh mềm: tăng trưởng chậm lại nhưng không suy thoái và gây thất nghiệp hàng loạt. Dù vậy, kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới có thể dẫn đến những tác động lớn đến thương mại toàn cầu.

Bên cạnh đó là mức nợ tăng vọt của các chính phủ, xung đột leo thang ở Trung Đông, cuộc chiến Nga - Ukraine và căng thẳng ở eo biển Đài Loan.

Đó là bối cảnh đầy khó khăn cho các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương tập trung ở Washington trong tuần này để tham dự hội nghị thường niên của  IMF và WB.

“Đừng mong đợi bất kỳ bữa tiệc chiến thắng nào. Tôi kỳ vọng rằng mọi người sẽ rời khỏi đây với tâm trạng phấn chấn hơn nhưng đồng thời cũng bất an hơn một chút để khiến họ sẵn sàng hành động”, Giám đốc điều hành IMF, Kristalina Georgieva nói trong tuần qua.

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), tỷ lệ thất nghiệp hiện nay ở các nền kinh tế tiên tiến vẫn giữ nguyên như năm 2022, thời điểm mà các ngân hàng trung ương bắt đầu tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập niên

Bloomberg Economics dự báo, GDP toàn cầu sẽ tăng 3% trong năm nay, thấp hơn tốc độ 3,3% của năm 2023, nhưng nhanh hơn so với dự báo khá bi quan hồi đầu năm.

Tại Mỹ, người tiêu dùng Mỹ vẫn chi tiêu lành mạnh và giới doanh nghiệp tiếp tục tuyển dụng. Tại châu Âu, dù nhu cầu đang suy yếu nhưng nền kinh tế sẽ tiếp tục phát triển.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang tung ra các biện pháp kích thích để vực dậy lĩnh vực bất động sản. Những biện pháp đó có thể đủ để giúp nền kinh tế tiến gần đến mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay.

Rủi ro khó đoán: Mỹ phát động cuộc thương chiến mới

Triển vọng tăng trưởng của các nền lớn trên thế giới sắp bị thử thách do những thay đổi chính sách thương mại có thể xảy ra sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Nếu đắc cử, bà Kamala Harris, ứng viên đảng Dân chủ, dự kiến tiếp nối phần lớn chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Tuy nhiên, đối thủ của bà, cựu tổng thống Donald Trump, đã vạch ra những chính sách có thể gây ra làn sóng chấn động đối với thương mại thế giới.

Trong tuyên bố mới đây, ông Trump nhấn mạnh nếu trở thành người đứng đầu Nhà Trắng, ông sẽ áp mức thuế ít nhất 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu. Riêng đối hàng hóa Trung Quốc, ông đe dọa sẽ áp thuế 60% hoặc cao hơn. Điều đó có thể gây ra “sự hỗn loạn cho doanh nghiệp, theo phân tích chung của học giả Wendy Edelberg ở Viện Brookings và Maurice Obstfeld, nhà nghiên cứu ở Viện Kinh tế Quốc tế Peterson.

Trong khi đó ông Trump không nhìn sự việc theo cách tiêu cực như vậy. “Mức thuế càng cao thì càng có khả năng cao các doanh nghiệp nước ngoài tiến vào Mỹ và xây dựng nhà máy để không phải đóng thuế”, cựu tổng thống Mỹ nói.

Tuy nhiên, các báo cáo phân tích chỉ ra rằng, Mỹ mới là nước chịu thiệt hại nhiều nhất nếu áp thuế hàng hóa nhập khẩu trên diện rộng. Theo Bloomberg Economics, nếu Trung Quốc trả đũa các mức thuế do ông Trump đề xuất, GDP của Mỹ có thể tăng trưởng thấp hơn 0,8% so với tiềm năng vào thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tiếp theo vào năm 2028. Trong khí đó, tổn thất mà chính sách thuế mới của Mỹ gây ra đối với GDP Trung Quốc ước tính khoảng 0,4%.  Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản dự kiến chịu thiệt hại thấp hơn.

Dù vậy, châu Âu sẽ phải đối mặt thiệt hại nặng nề hơn nếu hàng hóa Trung Quốc chảy mạnh sang khu vực này vào thời điểm các nhà sản xuất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang vật lộn với nhu cầu suy yếu ở trong nước.

Đầu tư ở châu Âu chưa phục hồi hoàn toàn sau đại dịch Covid-19 và giảm kể từ cuối năm ngoái. Chi cho tiêu dùng ở khu vực này vẫn còn yếu mặc dù lương tăng mạnh, áp lực lạm phát giảm bớt và thị trường lao động ổn định cho đến nay.

Hôm 17-10, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) hạ lãi suất lần thứ ba kể từ tháng 6, báo hiệu lạm phát của khu vực quay trở lại mục tiêu 2% sớm hơn dự đoán trước đó.

Chủ tịch ECB Christine Lagarde vẫn kỳ vọng, nền kinh tế EU sẽ hạ cánh mềm. Nhưng bà cảnh báo, một cuộc chiến thương mại mới do Mỹ phát động sẽ gây nguy hiểm cho kết quả như vậy. “Bất kỳ hạn chế nào và trở ngại nào đối với thương mại đều ảnh hưởng đến một nền kinh tế rất cởi mở như châu Âu”, bà nói.

Chiến tranh và nợ nần đe dọa triển vọng kinh tế toàn cầu

Lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại mới xuất hiện khi chiến tranh vẫn tiếp diễn ở Ukraine và Trung Đông.

Một cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông sẽ gây ra hậu quả vượt xa khỏi khu vực này. Bloomberg Economics ước tính, nếu chiến tranh lan rộng ở Trung Đông, giá dầu thô sẽ tăng lên mức 100 đô la Mỹ/thùng, có thể khiến lạm phát toàn cầu tăng thêm hơn 0,6 điểm phần trăm.  Cùng lúc đó, làn sóng bán tháo tài sản rủi ro trên các trường tài chính sẽ làm suy giảm 0,5 điểm phần trăm từ mức tăng trưởng tiềm năng của GDP toàn cầu trong bốn quí tới.

Vấn đề nợ công tăng nhanh là một rủi ro khác đối với nền kinh tế toàn cầu. Nếu suy thoái kinh tế xảy ra, các chính phủ sẽ có ít lựa chọn hơn về cách ứng phó. Trong báo cáo mới đây, IMF ước tính, nợ công toàn cầu sẽ vượt 100.000 tỉ đô la Mỹ vào cuối năm nay. Con số này tương đương 93% GDP toàn cầu. IMF khuyến cáo, các chính phủ cần đưa ra quyết định cứng rắn để ổn định nợ công.

Cuối tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ cho biết, gánh nặng chi phí lãi vay nợ của Washington tăng lên mức cao nhất trong 28 năm, do thâm hụt ngân sách lớn và lãi suất cao hơn.

“Tôi rất lo lắng về tình trạng thiếu dư địa tài khóa của Mỹ. Mối lo ngại về rủi ro lạm phát trỗi dậy có thể dẫn đến những quyết định dưới mức tối ưu của Fed về phản ứng tài khóa trước một cú sốc kinh tế lớn. Chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ phải đối mặt với sự đánh đổi khó khăn”  Karen Dynan, giáo sư ở  Trường Harvard Kennedy và cựu chuyên gia kinh tế của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nói.

Đó là lý do tại sao cả địa chính trị lẫn nợ công là những vấn đề được các nhà hoạch định chính sách quan tâm hàng đầu tại cuộc họp thường niên của IMF và WB ở Washington.

“Làm sao nền kinh tế có thể hạ cánh nhẹ nhàng trong một thế giới đang phân mảnh về thương mại? Tôi không nghĩ Mỹ hay bất kỳ nền kinh tế nào có thể hạ cánh mềm trong môi trường hiện tại”, Peter Praet, cựu nhà kinh tế trưởng của ECB, nhận định.

Theo Bloomberg

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới