Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Bất ổn vĩ mô kéo thị trường IPO Đông Nam Á chùng xuống

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Đông Nam Á chỉ huy động được 6,3 tỉ đô la Mỹ tính từ tháng 1 đến tuần thứ hai của tháng 11-2022, thấp hơn đáng kể so với mức 13,3 tỉ đô la Mỹ huy động được trong cả năm 2021, theo báo cáo của hãng tư vấn quản lý Deloitte. Những bất ổn về kinh tế vĩ mô như lạm phát và lãi suất toàn cầu gia tăng đã kìm hãm động lực trên thị trường IPO của khu vực. Nhiều công ty lớn trong khu vực đang trì hoãn IPO vì lo ngại mức định giá thấp.

GoTo Group của Indonesia gây chú ý khi huy động được 1,1 tỉ đô la Mỹ trong đợt IPO hồi tháng 4, nhưng kể từ đó đến nay, giá cổ phiếu của công ty này đã giảm đến 48%. Ảnh: Nikkei Asia

Dữ liệu nói trên của Deloitte cho thấy số tiền huy động được từ các thương vụ IPO ở Đông Nam Á giảm 52% trong năm nay so với một năm trước. Đồng thời, số lượng thương vụ IPO trong năm 2022 tính đến nay là 136, giảm so với con số 152 của năm ngoái.

Báo cáo của Deloitte dựa trên dữ liệu của 6 nước, gồm Singapore, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines và Malaysia. Indonesia dẫn đầu khu vực với 54 công ty tiến hành IPO để niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Indonesia trong năm nay. Malaysia đứng thứ hai với 31 thương vụ IPO, tiếp theo là Thái Lan với 28 thương vụ.

GoTo Group của Indonesia, công ty hợp nhất của hãng gọi xe Gojek và Công ty thương mại điện tử Tokopedia, huy động được 1,1 tỉ đô la Mỹ trong đợt IPO hồi tháng 4. Đây là đợt IPO lớn thứ ba ở châu Á và lớn thứ năm trên toàn cầu trong năm nay. Chỉ riêng đợt IPO của GoTo đã chiếm tới 47% tổng số tiền huy động được trên thị trường IPO của Indonesia, theo tính toán của CNBC dựa trên số liệu của Deloitte.

Thái Lan đứng đầu khu vực, chiếm 39% (2,5 tỉ đô la Mỹ) trong tổng 6,3 tỉ đô la Mỹ mà các công ty Đông Nam Á thu được trong các đợt IPO năm nay. Đáng chú ý, Công ty Bảo hiểm nhân thọ Thái Lan (Thai Life Insurance) thu về 1 tỉ đô la Mỹ và Công ty thức ăn chăn nuôi và chế biến thịt Betagro Public Company Limited huy động được 555 triệu đô la Mỹ trong các thương vụ IPO của họ. Indonesia đứng vị trí thứ hai với 2,3 tỉ đô la Mỹ huy động được, tiếp theo là Malaysia với 681 triệu đô la Mỹ.

Thái Lan và Indonesia đóng góp tới 75% tổng số tiền thu được trong các thương vụ IPO trên khắp Đông Nam Á. Ba thị trường khác, Singapore, Philippines và Việt Nam, chứng kiến số thương vụ IPO và số tiền huy động đều giảm.

Theo báo cáo của Deloitte, chỉ có 8 công ty lớn và vừa ở Đông Nam Á được niêm yết trong năm 2022, ít hơn một nửa so với 19 công ty ở quy mô như vậy niêm yết vào năm 2021.

Các công ty lớn được định nghĩa là công ty có vốn hóa thị trường trên 1 tỉ đô la Mỹ, trong khi các công ty vừa là các công ty có vốn hóa thị trường từ 500 triệu - 1 tỉ đô la Mỹ.

Deloitte cho biết điều này có thể cho thấy các công ty lớn hơn đang trì hoãn niêm yết cổ phiếu lần đầu để chờ đợi các điều kiện thị trường tốt hơn.

Năm ngoái, Đông Nam Á đã chứng kiến thương vụ IPO trị giá 1,5 tỉ đô la Mỹ của Công ty thương mại điện tử Bukalapak (Indonesia) và ba thương vụ IPO lớn ở Thái Lan, gồm  PTT Oil & Retail Business huy động 1,6 tỉ đô la Mỹ vào tháng 2 và Công ty tài chính vi mô Ngern Tid Lor huy động 1,4 tỉ đô la Mỹ hồi tháng 5-2021.

Những bất ổn kinh tế vĩ mô như lạm phát và lãi suất toàn cầu gia tăng đã khiến thị trường IPO Đông Nam Á kém sôi động trong năm nay.

“Trước đại dịch Covid-19, hoạt động IPO nóng lên cùng với tăng trưởng kinh tế và GDP. Tuy nhiên, trong hai năm qua, tình hình đã đảo ngược”, Tay Hwee Ling, lãnh đạo tư vấn các sự kiện đột phá phụ trách Đông Nam Á và Singapore của Deloitte, nói. Bà cho biết thêm thị trường IPO vẫn ảm đạm dù các nước trong khu vực đã tái mở cửa biên giới.

Theo báo cáo của CB Insights, trong năm 2022 mức định giá của các công ty công nghệ trên toàn cầu và vốn huy động của họ ở hầu hết các giai đoạn đầu tư đều giảm do các điều kiện thị trường khó lường như lãi suất tăng. Tâm lý thận trọng khiến giới giới đầu tư rót tiền vào ít thương vụ hơn với quy mô giao dịch nhỏ hơn.

Hôm 21-11, GoTo công bố mức lỗ ròng trong 9 tháng đầu năm tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức 20,32 ngàn tỉ rupiah (1,29 tỉ đô la Mỹ) do chi phí bán hàng và tiếp thị tăng mạnh. Tính đến hôm 22-11, giá cổ phiếu GoTo giảm khoảng 48% so với lúc mới niêm yết.

Tay Hwee Ling nhận định dù đang đối mặt với những thách thức ở phía trước, nền kinh tế và doanh nghiệp ở Đông Nam Á vẫn phát triển nhờ khu vực này có tỷ lệ dân số trẻ cao và các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang hoạt động tích cực. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), hơn một nửa dân số Đông Nam Á ở độ tuổi dưới 30.

Về triển vọng trong năm 2023, Tay Hwee Ling cho biết Deloitte “lạc quan một cách thận trọng”. Bà nói: “Vẫn còn cơ hội cho tăng trưởng cao ở Đông Nam Á giữa lúc khu vực này đang thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng Covid-19. Chúng tôi dự báo hoạt động IPO của Đông Nam Á sẽ trồi sụt theo chu kỳ khi thị trường dần điều chỉnh về trạng thái bình thường từ tâm thế ứng phó đại dịch”.

Bà lưu ý, dù hiện tại mức định giá có thể thấp hơn nữa đối với các công ty công nghệ, nhưng những công ty có nền tảng kinh doanh vững chắc và chứng minh được khả năng sinh lời vẫn có thể đạt được mức định giá thị trường tối ưu và hưởng lợi từ các thị trường vốn.

Theo CNBC

  • Chủ đề :
  • IPO

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới