Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bầu cử Mỹ không làm hạ nhiệt chiến tranh thương mại với Trung Quốc

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bầu cử Mỹ không làm hạ nhiệt chiến tranh thương mại với Trung Quốc

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Cuộc bầu cử quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ hôm 6-11 đã giúp đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện, giáng một đòn nặng cho chương trình nghị sự trong nước của Tổng thống Donald Trump thuộc đảng Cộng hòa.

Song nếu giới lãnh đạo ở Bắc Kinh cho rằng kết quả bầu cử này sẽ khiến Nhà Trắng hạ nhiệt chiến tranh thương mại với Bắc Kinh, thì có thể họ đã nhầm, theo hãng tin CNN.

Bầu cử Mỹ không làm hạ nhiệt chiến tranh thương mại với Trung Quốc
Đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều tán đồng lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Lưỡng đảng ủng hộ cứng rắn với Trung Quốc

Trong khi đang tuyệt vọng tìm kiếm một giải pháp tháo gỡ chiến tranh thương mại đang đè nặng lên triển vọng kinh tế trong nước, có một quan điểm ở Trung Quốc nghĩ rằng một Hạ viện dưới quyền kiểm soát của phe Dân chủ có nghĩa là chính phủ Mỹ phải thay đổi lập trường theo hướng "mềm" hơn với Bắc Kinh.

Song Nick Marro, nhà phân tích ở tổ chức tư vấn Economist Intelligence Unit (Anh), nhận định quan điểm này là sai lầm vì trong lịch sử, phe Dân chủ có xu hướng ủng hộ các công đoàn mạnh mẽ hơn nhưng ít nhiệt tình ủng hộ tự do thương mại hơn phe Cộng hòa.

Marro nói: “Không có khả năng phe Dân chủ sẽ thúc đẩy quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn với Trung Quốc”.

Cho dù Hạ viện Mỹ muốn như vậy thì quyền lực áp thuế hàng hóa Trung Quốc là đặc quyền của nhánh hành pháp mà người đứng đầu là Tổng thống Donald Trump. Nếu ông Trump cần quốc hội Mỹ ủng hộ chính sách về Trung Quốc trong tương lai, phe Dân chủ có ít dấu hiệu cho thấy họ sẽ ngáng trở Trump.

Trung Quốc là một trong những số ít các lĩnh vực chính sách mà cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tìm được tiếng nói chung. Phe Dân chủ nói chung cho rằng Mỹ phải hành động cứng rắn hơn để chống lại sức mạnh trỗi dậy của Trung Quốc trên nhiều mặt trận từ quân sự, thương mại cho đến tình báo, ngoại giao.

Trong nhiều thập kỷ, kể từ khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon (phe Cộng hòa) thực hiến chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc vào năm 1972, các nghị sĩ Cộng hòa, những người có xu hướng ủng hộ giới kinh doanh hơn phe Dân chủ, thường được xem là các đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc ở Washington. Trái lại, những nghị sĩ phe Dân chủ, những người thường tập trung vào vấn đề nhân quyền ở Trung Quốc, không sẵn sàng buông sức ép về vấn đề này để thắt chặt quan hệ thương mại hơn với Trung Quốc.

Khi thất vọng của cộng đồng doanh nghiệp Mỹ ngày càng gia tăng do Trung Quốc từ chối cởi mở nền kinh tế, các nghị sĩ đảng Cộng hòa chuyển sang lập trường cứng rắn với Bắc Kinh và các tổ chức vận động hành lang cho giới kinh doanh cũng nguội lạnh trong lập trường ủng hộ Trung Quốc.

“Tôi không nghĩ Bắc Kinh hiểu được rằng đường lối cứng hơn với Trung Quốc đang được ủng hộ mạnh mẽ ở Washington đến mức nào”, Isaac Stone Fish, học giả cấp cao ở Hội châu Á có trụ sở ở New York, nói.

Mỹ bắt đầu chính sách quyết liệt chống Bắc Kinh

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung được chính quyền của ông Trump châm ngòi vào giữa năm nay và ngày càng leo thang trong những tháng vừa qua với quyết định áp thuế nhập khẩu lên hơn 250 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc.

Tuy nhiên, bài phát biểu quan trọng của Phó Tổng thống mỹ Mike Pence vào hồi đầu tháng 10 tại Viện Hudson ở Washington, đánh dấu Mỹ bắt đầu chính sách mới quyết liệt chống Bắc Kinh, khiến các nhà phân tích chính trị cho rằng một cuộc chiến tranh lạnh kinh tế mới đã khai màn giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới.

Bài phát biểu có đoạn: “Bắc Kinh đang sử dụng cách tiếp cận dựa hoàn toàn vào chính phủ để thúc đẩy tầm ảnh hưởng và đạt các lợi ích của mình. Bắc Kinh sử dụng quyền lực này một cách chủ động và ép buộc hơn để can thiệp vào các chính sách nội bộ ở đất nước chúng ta… Nói thẳng ra, vai trò lãnh đạo của ông Trump đang có hiệu quả. Trung Quốc muốn một tổng thống Mỹ khác”.

Trong những tháng qua, Trung Quốc và Mỹ nhiều lần lời qua tiếng lại về vấn đề Đài Loan và Biển Đông. Tất cả các diễn biến trên dẫn đến một cảm nhận của giới lãnh đạo Trung Quốc cho rằng những chỉ trích của ông Trump nhằm vào Trung Quốc đơn thuần là nỗ lực vận động cử tri bỏ phiếu cho các ứng cử viên của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ hôm 6-11.

Song đây là cảm nhận sai lầm. Tong Zhao, học giả của Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie -Thanh Hoa ở Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc đã “quá chú trọng” đến chính trị Mỹ trong thời gian gần đây. Ông nói Trung Quốc nghĩ rằng Mỹ đang cố thổi phồng bản chất đối đầu và cạnh tranh trong mối quan hệ song phương với Trung Quốc để nhằm đạt được các lợi ích chính trị trong nước.

Song mối lo ngại tại Mỹ về một Trung Quốc quyền lực hơn là thực sự. Cách đây hai năm, Trump xem các cam kết cạnh tranh thương mại với Trung Quốc là một phần quan trọng trong chương trình vận động tranh cử tổng thống.

Nhưng giờ đây, cuộc đối đầu Mỹ-Trung không chỉ nằm ở lĩnh vực thương mại. Bên cạnh việc triển khai các tàu hải quân Mỹ tuần tra tự do hàng hải sát các đảo nhân đạo mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp ở Biển Động, ông Trump cũng sử dụng chương trình viện trợ nước ngoài để chống lại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới. Trump từng đe dọa cắt giảm viện trợ nước ngoài khi còn vận động tranh cử tổng thống nhưng vào tháng trước, ông đã ký thông qua quyết định thành lập Công ty Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (USIDFC) có ngân sách 60 tỉ đô la, để cho vay và hỗ trợ các nước đang phát triển.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới