Chủ Nhật, 26/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bảy rủi ro lớn do chiến tranh Nga- Ukraine đè nặng lên các hãng hàng không

Lan Nhi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online)- Cuộc chiến giữa Nga- Ukraine ảnh hưởng sâu sắc đến kinh tế toàn cầu, chuỗi sản xuất, cung ứng thế giới bị liên đới nặng nề, trong đó có ngành hàng không. Sự ảnh hưởng này không đơn giản như việc dừng các đường bay đi/đến Nga từ Việt Nam nói riêng.

Các kế hoạch mở đường bay đi/đến Nga trong mùa hè tạm “phá sản”

Cục Hàng không Việt Nam (CHKVN) đã có đánh giá chi tiết về tác động của căng thẳng Nga-Ukraine đối với lĩnh vực hàng không, gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). Theo đó, chiến sự Nga-Ukraine xảy ra kéo theo việc EU, Mỹ, Anh, Canada đóng cửa bầu trời với Nga bao gồm cả việc cất/hạ cánh và bay qua không phận các nước này; Nga cũng có các động thái tương tự với các quốc gia này. Điều đó gây ảnh hưởng trực tiếp lên hành khách, các hãng hàng không và làm tăng chi phí bay thậm chí của cả các hãng hàng không không tham gia cấm vận do máy bay phải thay đổi lộ trình khai thác, phát sinh các vấn đề bảo hiểm, thanh toán, dự phòng rủi ro...

Vietnam Airlines sơ tán công dân ra khỏi Ukraine và các vùng chiến sự. Ảnh:VNA

Thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2019), thị trường hàng không Việt Nam-Nga có 10 hãng hàng không của hai nước khai thác các chuyến bay chở hành khách và hàng hóa thường lệ và không thường lệ từ Nga đi/đến Hà Nội, TPHCM, Phú Quốc và Nha Trang, trong đó có 9 hãng của Nga và Vietnam Airlines.

Sản lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa Việt Nam và Nga năm 2019 đạt 1,47 triệu khách và 18,7 ngàn tấn hàng hóa, tăng tương ứng 20% về hành khách và 50% về hàng hóa so với năm 2018.

Do dịch Covid-19 bùng phát vào giai đoạn năm 2020 nên Việt Nam và Nga đã áp dụng chính sách hạn chế nhập cảnh và khai thác. Từ năm 2021 cho đến hiện tại, chỉ có Vietnam Airlines khai thác các đường bay giữa Việt Nam-Nga, các hãng hàng không của Nga đã dừng khai thác từ giai đoạn tháng 3-2020 cho đến nay.

Sản lượng vận chuyển từ ngày 1-1-2021 cho đến ngày 21-3-2022 chỉ đạt xấp xỉ 16 ngàn khách và hơn 5 ngàn tấn hàng hóa.

Theo thống kê của CHKVN, đối tượng khách đi lại giữa Việt Nam và Nga trong những năm qua chủ yếu là khách du lịch Nga có nhu cầu đi/đến các điểm du lịch Phú Quốc, Nha Trang với thời gian ở dài ngày.

Sau khi Việt Nam thông báo gỡ bỏ các hạn chế đối với người nhập cảnh, Vietnam Airlines đã khôi phục lại đường bay từ Hà Nội đi/đến Moscow với tần suất một chuyến/tuần/chiều. Ngoài ra, hãng hàng không khác của Việt Nam là Vietjet và các hãng hàng không của Nga đã lên kế hoạch mở lại các đường bay du lịch kể từ lịch bay mùa hè năm 2022 (từ tháng 4-2022). Nhưng kế hoạch này đến nay tạm "phá sản" vì chiến tranh.

Chi phí khai thác đường tránh Nga “đội” lên rất lớn

Trước 25-3, Vietnam Airlines đã khai thác trở lại đường bay đi/đến Nga và Bamboo Airways (QH) đang khai thác các đường bay đi châu Âu và Mỹ, có sử dụng các đường bay không lưu quá cảnh qua Nga. Với việc cấm các hãng hàng không khai thác các đường bay không lưu qua Nga đã khiến chi phí khai thác “đội” lên rất lớn.

Cụ thể, các chuyến bay đi/đến châu Âu phải thay đổi đường bay tránh Nga qua Trung Quốc, Kazakhstan hoặc qua Bắc Phi. Thời gian bay dự kiến tăng thêm từ 60 phút chuyến bay đến 120 phút/chuyến bay, kéo theo chi phí phát sinh từ khoảng 10.600 đô la Mỹ/chuyến bay đến 21.200 đô la/chuyến bay.

Vietnam Airlines đang khai thác 6 chuyến bay/tuần giữa Việt Nam và châu Âu, như vậy chi phí phát sinh khoảng từ 70.000 đô la đến 130.000 đô la/tuần, QH khai thác 3 chuyến/tuần giữa Việt Nam và châu Âu, chi phí phát sinh từ 35.000 đến 65.000 đô la/tuần.

Các chuyến bay đi/đến Mỹ phải điều chỉnh đường bay tránh không phận Nga kéo dài thời gian bay từ 20-30 phút/chuyến bay tùy từng giai đoạn khai thác. Vietnam Airlines đang khai thác 4 chuyến bay/tuần đi Mỹ, dự kiến chi phí phát sinh khoảng 20.000  đến 40.000 đô la/tuần tùy từng giai đoạn.

Sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine cũng làm tăng giá nhiên liệu, làm tăng thêm gánh nặng chi phí cho các hãng hàng không.

Ngoài ra, việc cấm vận hàng không dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.

Các rủi ro về thanh toán, bán vé, chuyển tiền… với các đối tác cung cấp dịch vụ chuyến bay tại Nga cũng không thể thực hiện được vì lệnh cấm vận. Do đó, các hãng Việt Nam không thể thực hiện thanh toán từ Việt Nam và không thể duy trì khả năng khai thác từ Nga.

CHKVN cho biết, ngay sau khi xảy ra xung đột, các hãng hàng không Việt Nam đã triển khai khẩn cấp các hoạt động phòng ngừa rủi ro như thực hiện việc chuyển tiền về Việt Nam để tránh rủi ro về tỷ giá, cấm vận; làm việc với các công ty bảo hiểm để xác định mức độ rủi ro của vấn đề bảo hiểm các tàu bay khi khai thác đến Nga hoặc qua Nga; làm việc với các bên cho thuê tàu bay và các bên cho vay về các khả năng sử dụng tàu bay đến Nga và bay qua không phận Nga.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới