(KTSG Online) - Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20-7, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào nước ta đạt hơn 18 tỉ đô la Mỹ, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2023.
- Hai mặt giá trị khi bác sĩ dùng mạng xã hội để truyền thông
- Sai sót nghiêm trọng trong điều lệ của một số doanh nghiệp niêm yết
Theo đó, vốn giải ngân đạt 12,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,4%. Trong đó, dòng vốn FDI mới tăng cả về vốn đăng ký với khoảng 10,7 tỉ đô la Mỹ và số lượng dự án, cũng như quy mô vốn đầu tư, TTXVN đưa tin.
Trái ngược với sự tăng trưởng của các nguồn vốn trên, vốn góp và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vẫn giảm về lượt giao dịch (1.795 giao dịch) và giá trị vốn góp (khoảng 2,3 tỉ đô la Mỹ).
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, các nhà đầu tư ngoại đã rót vốn vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu với tổng vốn đạt hơn 12,6 tỉ đô la Mỹ, chiếm 70,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 15,7%.
Theo sau là ngành kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư hơn 2,9 tỉ đô la Mỹ, tăng 78% so với cùng kỳ. Sau bất động sản là ngành bán lẻ, với tổng vốn đăng ký gần 740,5 triệu đô la Mỹ. Đây cũng là ngành dẫn đầu về số lượt giao dịch góp vốn, mua cổ phần trong 7 tháng qua.
Thống kê từ Cục cho thấy có 91 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,5 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 79% so với năm ngoái. Tiếp sau đó là Hồng Kông, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Số liệu thống kê cũng cho biết dòng vốn FDI đã đổ vào 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Dẫn đầu là Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,2 tỉ đô la Mỹ, Quảng Ninh ở vị trí thứ hai với hơn 1,6 tỉ đô la Mỹ, TPHCM đứng thứ ba với tổng vốn hơn 1,4 tỉ đô la Mỹ.