Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Bền bỉ trên hành trình doanh nghiệp vì cộng đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Nhắc đến giá trị của một thương hiệu, người ta không đơn thuần nghĩ đến các đột phá kinh doanh. Giá trị ấy còn được thể hiện thông qua các hoạt động vì cộng đồng đang được nhiều doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện một cách bền bỉ, như một phần không thể thiếu trong văn hóa kinh doanh vì một cộng đồng tốt đẹp hơn.

Trách nhiệm với cộng đồng

Trách nhiệm xã hội (CSR) của doanh nghiệp góp phần tạo nên sự khác biệt về hình ảnh, khiến công chúng, khách hàng có thiện cảm hơn với thương hiệu đó, xây dựng niềm yêu mến, sự tin tưởng, dần dần tiến tới gắn bó và trung thành với thương hiệu. Thống kê của tổ chức nghiên cứu “Danh tiếng thương hiệu” Reputation Institute (2017) chỉ ra rằng có tới 91,4% khách hàng đưa ra quyết định lựa chọn mua sản phẩm từ các thương hiệu gắn liền với CSR và 84,3% khách hàng nói rằng họ vẫn sẽ lựa chọn tin tưởng các doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội kể cả trong khủng hoảng.

Wells Fargo - ngân hàng Mỹ có tên trong danh sách các doanh nghiệp hàng đầu thực thi CSR quyên góp tới 1,5% doanh thu cho hoạt động từ thiện mỗi năm với hơn 14.500 tổ chức phi lợi nhuận lĩnh vực khoa học thực vật và tái tạo năng lượng cho các công ty khởi nghiệp. Doanh nghiệp này đã quyên góp 6,25 triệu đô la Mỹ để ứng phó đại dịch Covid-19 trong nước và trên 30 quốc gia, nhằm giải quyết các nhu cầu cấp thiết của cộng đồng.

Hay như Pfizer, thông qua chương trình Tài trợ Y tế Toàn cầu, Pfizer đã cung cấp 5 triệu đô la Mỹ để giúp cải thiện việc nhận biết, chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân. Ngoài ra, các khoản tài trợ đã được cung cấp cho các phòng khám, trung tâm y tế và bệnh viện để cải thiện việc quản lý và kết quả của bệnh nhân Covid-19.

Đại dịch Covid-19 ập đến và kéo dài, Việt Nam không nằm ngoài cuộc khủng hoảng chung toàn cầu. Trong khó khăn, nhiều doanh nghiệp vừa nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh, vừa đẩy mạnh các hoạt động CSR, sát cánh cùng Chính phủ và người dân trong cuộc chiến chống đại dịch. Ngành ngân hàng cũng nỗ lực thể hiện trách nhiệm CSR của mình, chung tay cùng Chính phủ đẩy lùi dịch bệnh. Trong 9 tháng đầu năm 2021, Techcombank đã đóng góp hơn 420 tỉ đồng để giúp đỡ các cá nhân và cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 dưới nhiều hình thức như ủng hộ quỹ vaccine, trang thiết bị y tế, đóng góp xây dựng bệnh viện cũng như hỗ trợ trực tiếp tới các bệnh nhân và gia đình của họ.

Đồng hành với các chương trình của ngân hàng, CBNV Techcombank còn phát động và ủng hộ lên đến 6 tỉ đồng hỗ trợ vật phẩm y tế đến bệnh viện tuyến đầu, cung ứng nhu yếu phẩm cho người lao động mất kế sinh nhai tại nhiều tỉnh thành vùng tâm dịch. Đây là việc làm đáng ghi nhận, thể hiện tinh thần đồng lòng, quyết tâm từ lãnh đạo đến CBNV của ngân hàng cùng sẻ chia khó khăn với người dân cả nước trong thời điểm căng thẳng  nhất của dịch bệnh.

Với thông điệp nuôi dưỡng, lan tỏa tinh thần sống khỏe trong cộng đồng, liên tục trong 5 năm qua, ngân hàng này là nhà tài trợ chính cho Giải Techcombank Marathon Quốc tế TPHCM – Giải thể thao tầm cỡ quốc tế thu hút hàng chục nghìn vận động viên cả nước tham gia. Các chương trình sống xanh, kêu gọi bảo vệ môi trường, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, xây cầu, trường học... luôn được Techcombank bền bỉ duy trì nhiều năm trong chuỗi hoạt động hướng đến cộng đồng, góp phần xây dựng giá trị vượt trội cho doanh nghiệp (DN).

Vững vàng “khách hàng là trọng tâm”

Đánh giá về tầm quan trọng của CSR, Chastity Heyward – thành viên Hội đồng Forbes cho rằng, doanh nghiệp có chiến lược CSR tốt sẽ thu hút và giữ chân nhân viên. “Điều này thể hiện một công ty có lòng nhân ái và đối xử tốt với tất cả mọi người, kể cả nhân viên. Các nỗ lực CSR cũng giúp thúc đẩy một môi trường làm việc hiệu quả và tích cực hơn cho nhân viên. Nó trở thành động lực cho tinh thần tình nguyện và nỗ lực tích cực từ nhân viên", bà nhận định.

Thực tế đã cho thấy, chiến lược CSR bền vững đã góp phần giúp Techcombank tạo ra môi trường làm việc lý tưởng cho CBNV. Năm 2020, ngân hàng vượt qua 308 ứng viên trong nước tham dự chương trình tuyển chọn, đánh giá độc lập của HR Asia để giành giải “Nơi làm việc tốt nhất Châu Á”. Tháng 6-2020, Tạp chí uy tín The Asian Banker công bố Techcombank đứng đầu kết quả bình chọn “Ngân hàng Bán lẻ được tin dùng nhất” tại Việt Nam và đứng thứ 6 trong bảng xếp hạng khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Giữa thời điểm kinh tế cả nước tiếp tục gặp khó khăn, kết quả tài chính trong 3 quý của Techcombank tiếp tục chứng minh sự vững vàng của chiến lược “khách hàng là trọng tâm”, nâng tầm giá trị sống của người dân, đồng thời thể hiện năng lực thực thi chiến lược, điều hành hoạt động của ngân hàng trong làn sóng Covid-19 thứ tư. Thu nhập lãi thuần tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ khả năng đáp ứng nhu cầu tín dụng của nền kinh tế và lợi thế chi phí vốn thấp. Kể từ khi đại dịch bắt đầu, hơn 11,5 nghìn tỉ đồng dư nợ đã được ngân hàng tái cấu trúc cho khách hàng. Ngân hàng cũng đồng thời hỗ trợ khách hàng thông qua giảm lãi suất lên tới 600 tỉ đồng trong năm 2021.

Trách nhiệm CSR của Techcombank từng bước thể hiện lời cam kết trở thành một “doanh nghiệp thực sự tốt” như lời ông Phùng Quang Hưng - Phó Tổng Giám đốc Techcombank chia sẻ mới đây. Theo ông, ngoài mục tiêu trở thành doanh nghiệp hàng đầu, ngân hàng này còn tập trung chuyển đổi, xây dựng các cấp độ năng lực mới để phục vụ cho cuộc sống của mọi người tốt đẹp và thành công hơn.

“Mong muốn lớn nhất của Techcombank là đất nước ngày càng có nhiều doanh nghiệp thực sự tốt, có khả năng cạnh tranh cao trên toàn cầu, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước và người dân Việt Nam. Tầm nhìn này cũng tạo cảm hứng, động lực cho nhân viên, và tất cả cùng đồng hành trên hành trình chuyển đổi của tổ chức", ông Phùng Quang Hưng nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới