Bệnh thành tích vẫn phổ biến
Ba Hiền
(TBKTSG) - Ngày 12-6-2013, Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) cho biết: đã có 38 quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam) đã hoàn thành các mục tiêu quốc tế về giảm 50% tỷ lệ đói nghèo trước năm 2015. Các báo đã đăng cụ thể, Việt Nam đã giảm số người bị đói từ 46,9% trong giai đoạn 1990-1992 xuống còn 9% (khoảng 8.010.000 người) trong giai đoạn 2010-2012, đạt được “mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 1”.
Giảm được số lượng người nghèo đói là điều đáng mừng. Tuy nhiên, nhiều người sẽ phải tự hỏi, đất nước hòa bình, thống nhất đã gần 40 năm, tại sao cho đến nay vẫn còn hơn 8 triệu người phải chịu cảnh thiếu đói (trong khi, Hàn Quốc, với thu nhập bình quân đầu người năm 1960 ở mức rất khiêm tốn: 155 đô la Mỹ/năm. Nhưng hiện nay, đất nước này đã thuộc nhóm 15 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới, thu nhập bình quân đầu người khoảng 24.000 đô la Mỹ/năm, gấp gần 20 lần nước ta)? Báo chí cũng đã đưa tin có không ít trường hợp, do quá quẫn bách về kinh tế, một số người phải tự chọn cho mình, và đôi khi cả những con còn nhỏ của mình, cái chết (mà báo chí đã đưa tin)!
Đó là chưa kể, để lập “thành tích xóa đói giảm nghèo”, có nơi (như tỉnh Hà Nam) đã ấn định “chỉ tiêu nghèo” cho một số địa phương “không được quá 10%”, khiến cho không ít hộ nghèo, thậm chí rất nghèo, đã phải tự nhận “thoát nghèo” để địa phương lấy “thành tích” (báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 27-5-2013)...
Nói rộng ra, lâu nay, “bệnh thành tích” đã trở nên rất phổ biến ở nước ta, có thể nói nơi nào cũng có. Thí dụ về giáo dục, hầu như năm nào tỷ lệ thi tốt nghiệp “tú tài” (trung học phổ thông) cũng đạt gần 100%; nhưng cũng chính những thí sinh đó khi thi vào đại học lại đạt kết quả yếu kém, với hàng ngàn bài thi bị điểm 0. Địa phương nào cũng có rất nhiều “gia đình văn hóa”, “khu phố (ấp) văn hóa”, “phường (xã) văn hóa”, nhưng ở đâu cũng dễ dàng bắt gặp các loại tệ nạn xã hội, những lề thói ăn ở mất vệ sinh, cách xử sự thiếu văn hóa...
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, nhiều đại biểu Quốc hội đã tỏ rõ thái độ hoài nghi đối với một số thành tích về kinh tế được nêu trong báo cáo của Chính phủ, như tỷ lệ nợ công (55%, 95% hay 106% GDP?), nợ xấu (7,8% hay 11,8%?), chỉ tiêu giải quyết việc làm và tỷ lệ thất nghiệp (năm 2012 giảm còn 1,99%, trong khi tình trạng doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản, ngừng hoạt động xảy ra tràn lan?)... Một đại biểu (ông Huỳnh Văn Tiếp, thành phố Cần Thơ) nhận xét: “Độ tin cậy của các số liệu này rất thấp, dẫn đến không thể dự báo chính xác các xu hướng, không thể đưa ra các quyết sách, giải pháp đúng và sẽ gặp nhiều rủi ro”.
“Bệnh thành tích”, theo tôi, là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho xã hội bị trì trệ, lạc hậu, chậm tiến; do nhiều người cứ ảo tưởng vào những “thành tựu” không có thực (hoặc được “phóng đại”, “tô hồng” thêm); để rồi nảy sinh tư tưởng tự thỏa mãn, cho rằng “làm được như thế là tốt rồi! Do vậy, cần sớm loại bỏ cách nghĩ, cách làm này ra khỏi đời sống xã hội chúng ta. Nhưng muốn trị được “bệnh thành tích”, phải kiên quyết làm từ trên xuống, cấp càng cao càng phải nêu gương, có như thế mới hy vọng đạt được kết quả tốt!