Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bệnh tòng nhập khẩu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bệnh tòng nhập khẩu

ThS. Quan Vân Hùng (*)

Minh họa: Khều.

(TBKTSG) – LTS: Bài “Liệu pháp 4T” đăng trên TBKTSG số 29 ra ngày 9-7-2009 đã trình bày về liệu pháp 4T để chăm sóc sức khỏe, bao gồm Tinh thần-tâm lý: duy trì tinh thần bình an, thanh thản; Thực phẩm: có chế độ ăn uống quân bình âm dương; Tập dưỡng sinh: rèn luyện thân thể bằng cách thư giãn, tự xoa bóp; Thuốc bổ: dùng Đông dược. Bài viết dưới đây trình bày cụ thể về T2 – thực phẩm.

Con người đang sống đồng thời trong hai môi trường là ngoại môi trường và nội môi trường. Ngoại môi trường hiện diện bên ngoài thân thể, phía ngoài da (không khí, nước, bụi, ánh sáng, nhiệt độ, sóng điện-từ…).

Ngoại môi trường chắc chắn có liên quan đến sức khỏe, sẽ được đề cập trong một bài viết khác.

Nội môi trường là máu, huyết tương, dịch bạch huyết, các loại dịch khác nằm dưới lớp da, trực tiếp nuôi dưỡng toàn bộ tế bào, mô, cơ quan… Nội môi trường chứa các chất cần thiết để nuôi dưỡng toàn bộ cơ thể và cũng nhận các chất thải từ tế bào, mô, cơ quan. Điều kiện để các tế bào hoạt động tốt (nhằm duy trì sức khỏe) là các thành phần chứa trong nội môi trường phải hằng định (đường, muối khoáng, đạm, chất béo… phải ở trong một giới hạn ổn định) và nhất là độ kiềm toan phải quân bình (acid-base). Chính độ kiềm toan quân bình là điều kiện duy trì sức khỏe tốt, không cho bệnh tật phát triển.

Vậy điều gì ảnh hưởng tới độ ổn định kiềm toan? Đó chính là chế độ ăn uống (T2). Để duy trì sức khỏe tốt, giảm nguy cơ bệnh tật, chúng ta cần tiến tới một chế độ ăn quân bình kiềm – toan.

Theo nghiên cứu của các chuyên gia dinh dưỡng, trong cơ thể con người, huyết tương có tính hơi kiềm (dương) là tốt nhất (pH = 7,35-7,4 ).

Nếu cơ thể con người có khuynh hướng acid (âm) thì trước tiên dễ bị cảm cúm, nhiễm siêu vi (dân gian gọi là trúng gió), hoạt động tế bào kém, các chức năng yếu đi, chất thải khó bài tiết ra ngoài, chuyển hóa cũng chậm theo, tăng gánh nặng cho gan thận, làm suy giảm sức đề kháng, dễ xuất hiện các bệnh mãn tính (như ung thư chẳng hạn). Đồng thời, tình trạng acid làm cho cơ thể mau già yếu, dễ mệt mỏi, tâm thần không ổn định.

Yếu tố then chốt quyết định là chế độ ăn uống, thức ăn có thể chia thành nhóm sinh acid, nhóm sinh kiềm và nhóm trung tính. Những thức ăn ngon, hấp dẫn (thường có trong những bữa tiệc thịnh soạn) phần lớn đều mang tính sinh acid như thịt cá, lòng đỏ trứng, gạo trắng, bánh mì trắng, đường trắng… Trái lại các loại rau củ, đậu, rong biển, trái cây… nhất là gạo lứt đều mang tính sinh kiềm. Nhìn chung, đa số chúng ta có khuynh hướng sử dụng nhiều thực phẩm sinh acid hơn là nhóm thực phẩm sinh kiềm, hậu quả là việc mất quân bình kiềm-toan.

Chế độ ăn nhiều thịt sẽ gây acid hóa máu (không có lợi cho sức khỏe). Chế độ ăn này có nhiều đạm động vật nhưng không ở dạng đơn thuần mà ở dạng liên hợp như nucleoprotein, lipoprotein…, trong quá trình chuyển hóa sẽ cho ra nhiều sản phẩm độc hại cho cơ thể như urê, acid uric, nitrit, nitrat… Chính lượng nitrit, nitrat cao trong máu sẽ phối hợp với các gốc oxy tự do sẵn có trong cơ thể tạo thành nitrosamin – chất gây ung thư (có nhiều trong thịt nướng, chiên, hun khói). Do đó, đối với người trưởng thành, lượng đạm động vật nên đạt từ 25-30% trên tổng lượng đạm là thích hợp (không nên ăn quá nhiều thịt cá).

Chế độ ăn chay có ưu điểm kiềm hóa máu. Nếu trong bữa ăn, thay gạo trắng bằng gạo lứt, có các loại đậu, mè, nấm thì không sợ thiếu chất đạm. Các loại acid amin, đặc biệt một số loại nấm (nấm bào ngư, nấm đông cô, nấm tuyết, nấm mèo đen, nấm hầu thủ), ngoài tính chất chứa nhiều đạm thực vật còn có những hoạt chất chống ung thư. Trong chế độ ăn chay, dùng rau, gỏi trộn giấm hoặc chanh thường xuyên thì không sợ thiếu sắt. Nếu ăn chay trường, trong mỗi bữa ăn luôn cần có đủ bốn nhóm thức ăn là rau củ quả, bột – đường, đạm thực vật (đậu, nấm), dầu thực vật. Nếu ăn chay lại có thêm sữa, trứng thì không sợ thiếu sinh tố B12. Ăn gạo lứt muối mè kèm thức ăn chay thì rất tốt cho sức khỏe.

Ngoài ra, tình trạng acid hóa máu cũng thường xuất hiện khi lo lắng thái quá hay lao động quá sức.

Khi ăn cần nhai kỹ. Khi nhai kỹ, thức ăn đã được tiêu hóa một phần và được kiềm hóa một phần nhờ nước bọt. Chính cuộc sống hiện đại đầy khẩn trương khiến nhiều người ăn vội vàng, không có thì giờ nhai, điều này chắc chắn ảnh hưởng không tốt đến bộ máy tiêu hóa.

Về nước uống, cần uống nước có phẩm chất tốt, có lượng chất khoáng thích hợp, không có chất gây hại, độ cứng vừa. Hạn chế dùng nước đá, kem lạnh vì dễ làm rối loạn tiêu hóa, viêm họng.

Để giảm nguy cơ bệnh tật, chế độ ăn cần kiêng hẳn mỡ động vật, hạn chế ăn thịt (nướng, hun khói, chiên), muối, đường, trứng, hóa chất (phẩm màu, hương liệu thực phẩm, chất bảo quản, chất phụ gia…). Nên ăn nhiều rau, củ, đậu, rong biển, trái cây, tỏi, hành tím, rau thơm, mè đen, một ít nấm. Ăn gạo lứt tốt hơn gạo trắng. Uống đủ nước: nước khoáng kiềm, nước trà xanh, nước trái cây, nước gạo lứt rang, nước đậu đen, sữa đậu nành…

Tóm lại, bệnh tòng khẩu nhập, bệnh thường do ăn uống mà ra, ăn cho sướng miệng thì chỉ làm khổ cái thân, những thức ăn càng ngon (thường nhiều thịt cá, thực phẩm công nghiệp nhiều hóa chất làm tăng hương vị) đều có khuynh hướng toan (acid) hóa máu, là môi trường thuận lợi cho bệnh tật phát sinh, chưa kể do thức ăn ngon nên ăn nhiều, ăn một cách thái quá, dẫn đến béo phì. Đây là điều kiện thuận lợi cho bệnh tật tung hoành.

Riêng với giới doanh nhân, ngày đêm chiến đấu, lo nhiều vì thương trường là chiến trường, ăn uống không giờ giấc, nhiều tiệc tùng, ăn nhiều thịt cá (acid), ít rau củ quả (kiềm), ăn vội vàng, không có thì giờ tập thể dục, vì thế sức khỏe của doanh nhân thật đáng lo ngại!

______________________

(*) Viện Y dược học dân tộc TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới