Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bệnh viện có thể quyết định mua thuốc không thuộc bảo hiểm y tế

T.Huy

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Sau 10 năm thực hiện, Luật Đấu thầu năm 2013 đã bộc lộ rõ nhiều vướng mắc, bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, nhất là trong lĩnh vực y tế. Chỉnh sửa thêm về dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 ngày 22-5, Bộ Y tế đề xuất bệnh viện có thể tự quyết định về hình thức, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu khi mua thuốc không thuộc danh mục thanh toán bảo hiểm y tế.

Bộ Y tế đề xuất bệnh viện có thể tự quyết định về hình thức, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu khi mua thuốc không thuộc danh mục thanh toán bảo hiểm y tế – Ảnh minh hoạ: TL

Theo cổng thông tin Bộ Y tế,  đề xuất bệnh viện có thể tự quyết định về hình thức, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu khi mua thuốc không thuộc danh mục thanh toán bảo hiểm y tế là điểm mới trong dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi được Bộ Y tế góp ý thêm với cơ quan soạn thảo, chỉnh sửa sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Nội dung này giúp bác sĩ và bệnh nhân tăng khả năng tiếp cận và quyền lựa chọn thuốc điều trị, nhất là với nhóm bệnh nhân tự nguyện chi trả. Trước đây bệnh viện mua sắm thuốc theo cơ chế đấu thầu tập trung hoặc đấu thầu riêng nếu được phép.

Ngoài ra, Luật Đấu thầu sửa đổi có thể cho áp dụng đàm phán giá, sử dụng danh sách nhà thầu nhiều lần để bệnh viện chủ động trong mua sắm.

TTXVN đưa tin, giá biệt dược gốc tại Việt Nam đối với hầu hết nhóm điều trị chính đều đang ở mức thấp so các nước trong khu vực ASEAN. Tỷ trọng sử dụng thuốc biệt dược gốc tại các cơ sở y tế Việt Nam là 11%, các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương tỷ lệ trung bình hơn 27%.

Trong khi đó có tới 95% giường bệnh thuộc các bệnh viện công lập. Do đó tháo gỡ những nút thắt thể chế trong quản lý mua sắm thuốc, nhất là các loại thuốc mới, biệt dược gốc sẽ giúp tăng cơ hội tiếp cận thuốc của người bệnh và phương pháp điều trị tiên tiến cho bác sĩ.

Các chuyên gia cho rằng, nếu các luật được đồng bộ, có thể tháo gỡ từng bước nút thắt thể chế trong quản lý mua sắm thuốc, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiếp cận thuốc mới, biệt dược gốc của bác sĩ, người bệnh; cũng hạn chế được tình trạng bệnh viện thiếu thuốc, vật tư tiêu hao… đến mức phải để bệnh nhân tự đi mua.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới