Bệnh viện nỗ lực chống quá tải, bệnh nhân vẫn nằm dưới sàn
Hoàng Nhung
![]() |
Mặc dù cam kết không để bệnh nhân nằm ghép trong 24-48 giờ, nhưng bệnh nhân tại Khoa Hô hấp của Bệnh viện Nhi Đồng 1 vẫn phải nằm tại hành lang. Ảnh CTV. |
(TBKTSG Online) - Thời gian qua, nhiều bệnh viện đầu ngành ở TPHCM mặc dù đã dùng mọi biện pháp để hạn chế tình trạng quá tải nhưng chuyện bệnh nhân phải nằm ghép, nằm ra sàn vẫn rất phổ biến và ngày càng trầm trọng.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 là một trong những bệnh viện ký cam kết với lãnh đạo ngành y tế không để bệnh nhân nằm ghép, nằm chung giường trong vòng 24-48 giờ vào tháng 3-2015. Dù bệnh viện đã thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh tại các bệnh viện quận Bình Tân, Tân Phú, đồng thời luân chuyển cán bộ y tế xuống bệnh viện cơ sở để khám chữa bệnh nhưng hầu như tình trạng quá tải vẫn còn trầm trọng.
Cụ thể vào đầu tháng 8 vừa qua, bệnh nhân khoa hô hấp nhập viện tăng mạnh. Khoa chỉ có 100 giường bệnh nhưng số bệnh nhi nằm điều trị có ngày lên đến 464 trẻ, có phòng 4-6 trẻ nằm chung một giường. Không đủ giường nằm, bệnh nhân nằm dưới sàn, ngoài hành lang.
BS. Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu cho biết, số giường thực tế của bệnh viện chỉ có 600, nhưng số bệnh nhân nằm viện gấp ba, bốn lần. Bệnh viện Ung Bướu đã phải mở các khoa vệ tinh tại các bệnh viện Quận 2, Bình Thạnh, khám bệnh ngoài giờ từ 5 giờ sáng… Bên cạnh đó, bệnh viện đã đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho 7 bệnh viện vệ tinh khác gồm Đa khoa Khánh Hòa, Cần Thơ, Quân y 175, Bình Định, Đồng Nai, Kiên Giang, Cà Mau với tổng cộng 16 kỹ thuật viên nhưng mỗi năm tình trạng quá tải giường bệnh vẫn tăng từ 7% đến 10%. Nếu năm 2015 công suất sử dụng giường bệnh 170%, thì đến năm 2016 lên tới 249%.
Trong lúc đó, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình cho biết, việc xây mới bệnh viện vẫn chưa được thực hiện. Để giảm bớt tình trạng quá tải, bệnh viện phải đưa bác sĩ xuống các bệnh viện tuyến dưới nhằm chuyển giao kỹ thuật, thành lập khoa vệ tinh tại Bệnh viện An Bình và các bệnh viện quận/huyện. Mô hình này đang hoạt động tốt nhưng lại gặp phải tình trạng thiếu phòng mổ.
Theo nhiều lãnh đạo bệnh viện tại TPHCM, mặc dù các bệnh viện đã cử các cán bộ luân phiên xuống chuyển giao kỹ thuật, thành lập khoa vệ tinh ở các bệnh viện tuyến dưới tại các địa phương, nhưng do bệnh viện tuyến dưới còn thiếu bác sĩ, thiếu máy móc... khiến bệnh nhân thiếu lòng tin vào bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện. Và hệ quả là các bệnh viện tại TPHCM vẫn quá tải, ùn tắc.
Lãnh đạo của một bệnh viện nhi cho biết, việc thực hiện cam kết không còn tình trạng nằm ghép là rất khó cho những bệnh viện chuyên khoa nhi, hoặc quá tải như Bệnh viện Ung Bướu khi cơ sở vật chất và số giường bệnh còn hạn chế. Nay, chỉ chờ Bệnh viện Nhi Đồng TPHCM đấu thầu trang thiết bị suôn sẻ, nhanh chóng để đưa vào sử dụng và Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 xây xong thì mới giải quyết được tình trạng quá tải này.