(KTSG Online) - Dù Nhà nước đã có những chính sách để thu hút vốn tư nhân đầu tư vào y tế, nhưng trên thực tế vẫn còn sự bất bình đẳng giữa y tế tư nhân và công lập như các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân phải tự trang trải kinh phí về đất đai, tìm kiếm nguồn nhân lực trình độ cao, cơ sở vật chất, cấp kinh phí nghiên cứu khoa học… Những điều này đã tạo ra cản trở không nhỏ, khiến y tế tư nhân chưa thể tăng tốc phát triển.
- Cần quy định rõ tình huống cấp bách trong y khoa để gỡ vướng cho đấu thầu thuốc
- Chuyển đổi số y tế giảm gánh nặng cho nhân viên tuyến cơ sở
- Cảnh báo tình trạng trục lợi bảo hiểm y tế
Là một trong những người đi đầu trong đầu tư y tế tư nhân tại Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, người sáng lập Tập đoàn y khoa Hoàn Mỹ cho biết, hệ thống y tế công cộng bị quá tải dẫn đến thời gian chờ đợi lâu. Vì vậy, việc phát triển y tế tư nhân là chủ trương đúng đắn, là xu thế tất yếu giúp bổ sung cơ sở khám chữa bệnh để người dân có nhiều lựa chọn hơn cho việc chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, trong nhiều năm vừa qua, dù Nhà nước đã có những chính sách để thu hút vốn tư nhân đầu tư vào y tế, nhưng trên thực tế vẫn còn những “khúc quanh” khiến y tế tư nhân chưa thể tăng tốc.
Theo Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, hiện vẫn còn sự bất bình đẳng giữa hai khối y tế công lập và y tế tư nhân. Trong khi cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước được thực hiện nhiệm vụ chính trị, được đầu tư về đất đai, cơ sở vật chất, trang bị nhân lực, trả lương, cấp kinh phí nghiên cứu khoa học, máy móc, thiết bị y tế… thì cơ sở khám chữa bệnh tư nhân phải tự trang trải kinh phí cho tất cả các lĩnh vực trên. Không những vậy, bệnh viện tư nhân không được thanh toán phí điều trị nội trú bảo hiểm y tế. Điều này vô hình chung đã tạo ra những cản trở không nhỏ, kìm hãm sự phát triển của y tế tư nhân.
Nói về tình trạng bất bình đẳng giữa hai khối y tế này, bác sĩ cho biết từ năm 1998, nhà nước đưa ra chính sách xã hội hoá y tế, cho phép tư nhân đầu tư nhiều mô hình dịch vụ y tế độc lập để đáp ứng nhu cầu khám bệnh của bệnh nhân nhằm giảm tải cho bệnh viện công lập. Trong thời kỳ này, cơ sở y tế tư nhân phát triển rất mạnh, nhưng giữa công và tư nhân có nhiều bất bình đẳng, nhất là bất bình đẳng trong nguồn nhân lực và quan điểm phục vụ xã hội. Điều này đã tạo ra sự bất an khi đầu tư y tế tư nhân độc lập.
Vào năm 2005, Nghị định 05 của Chính phủ về xã hội hoá y tế được bổ sung để đa dạng hóa về chính sách chính sách xã hội hoá y tế; trong đó bệnh viện công lập được liên kết với tư nhân đầu tư dịch vụ hay xây dựng hạ tầng cơ sở y tế phục cụ cho bệnh nhân ngay trong khuôn viên Bệnh viện. Nghị quyết này làm cho đầu tư y tế tư nhân độc lập giảm mạnh. Nhà đầu tư khối tư nhân đổ tiền vào bệnh viện công để cùng chia sẻ tài nguyên và hưởng lợi một cách dễ dàng, làm “méo mó” chính sách xã hội quá y tế. Hậu quả là người bệnh bị thiệt thòi, phải trả cho phần mình được hưởng từ bảo hiểm y tế, vừa trả tiền túi cho dịch vụ do liên kết hợp tác đầu tư này. Sự liên kết này cũng bóp nghẹt các cơ sở y tế tư nhân độc lập bên ngoài, bác sĩ Tùng phân tích.
Gần đây, nhà nước cho phép thí điểm bệnh viện tự chủ, làm cho liên kết này càng tạo ra một xung đột lợi ích nội bộ làm dứt gãy sự quản trị vốn đơn giản của bệnh viện công lập, nay trở thành phức tạp và một lần nữa, người bệnh phải chịu thiệt thòi hơn.
Trước những bất cập trên, bác sĩ Tùng - một trong những người đi đầu trong đầu tư y tế tư nhân kiến nghị, Nhà nước nên cơ cấu tổ chức rõ ràng giữa hai khối y tế tư nhân và công lập. Cụ thể là trả bệnh viện công lập về như trước đây. Còn đối với bệnh viện công lập được phục vụ việc khám bệnh cơ bản cho dân phục vụ nghiên cứu khoa học, phục vụ chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở y tế công hay tư.
Mặc khác cho nâng tỷ lệ giường bệnh của y tế tư nhân lên nhiều hơn. Bởi hiện nay, tỷ lệ giường bệnh của y tế tư nhân chỉ chiếm 5.1 % so với công lập.
Ngoài ra cần có những chính sách đầu tư cho tư nhân đầu tư vào lĩnh vực y tế kỹ thuật cao; đặc biệt là kỹ thuật hướng đến y tế số để sánh vai với sự tiến bộ y tế của các nước khác. Đáng nói hơn là không nên quan điểm rằng chỉ có y tế cơ sở của Nhà nước mới làm được, còn tư nhân thì không có tư cách làm vì bệnh viện tư hay công đều là tài nguyên quốc gia, bác sĩ Tùng cho biết thêm.
Về quản trị bệnh viện, nhà nước cũng nên có chủ trương thí điểm quản trị theo mô hình của các nước tiên tiến. Đó là Nhà nước là nhà đầu tư bệnh viện và thuê tư nhân quản lý với một hợp dồng quản lý theo hiệu quả có KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc) hằng năm. Trường hợp nếu họ không đạt được hiệu quả ban đầu sẽ có thể tuyển dụng nhà quản trị khác.