Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bếp trưởng và CEO

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Bếp trưởng và CEO

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) – Bếp trưởng và CEO có điểm chung nào? Để thành công, cả hai đều phải dành hết tâm sức, tình yêu cho công việc, biết đáp ứng nhu cầu của những người mà họ đang phục vụ…

Ở Việt Nam, bữa cơm gia đình thường do người phụ nữ đảm nhận. Tiếp xúc nhiều nữ doanh nhân thành công, sau khi kết thúc công việc, tôi thường hỏi: “Để có bữa cơm ngon cho gia đình mỗi ngày, chị cần những gì?”. Mỗi người trả lời một khác, nhưng tất cả đều có một điểm chung: tình yêu thật sự dành cho gia đình.

Ai trong chúng ta cũng biết bát canh “Râu tôm nấu với ruột bầu. Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” trong gia đình của người xưa ngon không chỉ là sự say tình của đôi vợ chồng nghèo mà còn là sự hợp duyên giữa con tôm và quả bầu.

Bình thường mà nói, thưởng thức bữa cơm gia đình không chỉ đơn thuần bằng thị giác, xúc giác, vị giác, mà điều quan trọng nhất là bằng cả trái tim. Với tình yêu thật sự dành cho gia đình, người vợ trong câu ca dao kia đã tìm ra sự kết hợp tinh túy giữa tôm và bầu.

Từ câu chuyện bữa cơm gia đình, tôi chợt liên tưởng đến công việc của một giám đốc điều hành ở doanh nghiệp. Ở đó CEO cũng giống như một bếp trưởng. Những người tham dự vào buổi ăn của doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là cán bộ nhân viên, mà còn là khách hàng, nhà đầu tư.

Bữa cơm ngon của doanh nghiệp là đáp ứng sự mong đợi của nhà đầu tư, khách hàng và toàn thể cán bộ nhân viên trong công ty. Và thành công của một bếp trưởng không phải là một, hai hay ba bữa ăn ngon mà là các bữa ăn ngon liên tiếp nhau theo suốt tuổi đời của doanh nghiệp.

Vì thế thành công của một CEO không phải là tối đa hóa lợi nhuận mà là tối đa hóa giá trị dài hạn cho cổ đông. Nghĩa là họ phải tạo ra và thâu tóm giá trị khách hàng một cách hiệu quả, và không bao giờ bằng lòng với giá trị mình tạo ra.

Thành công của một bữa ăn bắt nguồn từ nhiều yếu tố và bếp trưởng là người chịu trách nhiệm về các yếu tố đó. Thực tiễn cho thấy, không có một “công thức nấu ăn” chung nào có thể làm vừa lòng tất cả mọi người. Tuy nhiên, dựa vào mong đợi của nhà đầu tư, khách hàng và toàn thể cán bộ nhân viên trong công ty, theo tôi, có ba yếu tố quan trọng và mang tính quyết định mà CEO phải có. Đó là CEO phải thật sự yêu doanh nghiệp mình đang đảm nhiệm, xem doanh nghiệp là một phần trong cuộc đời của mình; xây dựng và duy trì một mô hình kinh doanh thành công; xây dựng một tổ chức thật sự hiểu mình.

Tại sao ta đòi hỏi phải có yếu tố yêu doanh nghiệp? Không có một người nào thành công trong công việc mà thiếu đi niềm đam mê, tình yêu mãnh liệt với công việc của mình.

Vì vậy, đảm đương vai trò CEO, điều đầu tiên phải làm là xem doanh nghiệp như một phần trong cuộc sống của mình và dồn mọi tâm huyết vào công việc. Chính tình yêu, niềm đam mê sẽ giúp CEO tạo ra những “bữa ăn ngon” mỗi ngày cho doanh nghiệp. Nó cũng giống như tình yêu mà người phụ nữ trong câu ca dao đề cập ở trên dành cho gia đình.

Tiếp theo là xây dựng mô hình kinh doanh thành công. Tìm mô hình kinh doanh thành công cũng giống như tìm sự kết hợp tinh túy giữa tôm và bầu. Chúng ta đều đồng lòng: sẽ không có một mô hình kinh doanh thành công chung cho mọi doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong một ngành nghề nào đó, hai công ty có thể có hai mô hình kinh doanh hoàn toàn khác nhau, mô hình này ưu việt hơn mô hình kia rất nhiều. Ví dụ, trong lĩnh vực kinh doanh tạp hóa, mô hình chuỗi cửa hàng rõ ràng ưu việt hơn mô hình cửa hàng đơn lẻ.

Mô hình kinh doanh thành công phải tạo ra giá trị cho các đối tượng có lợi ích liên quan khác nhau trong công ty, trong đó, phần giá trị lớn nhất được tạo ra là giá trị khách hàng, và doanh nghiệp phải nắm bắt giá trị này hiệu quả hơn đối thủ cạnh tranh. Giá trị cho cổ đông phải được tạo ra trong dài hạn, dựa trên hai nhân tố: khả năng của nó trong việc duy trì lợi nhuận đầu tư trên vốn chủ sở hữu lớn hơn chi phí vốn chủ sở hữu; khả năng tăng trưởng mà không làm ảnh hưởng đến tỷ lệ lợi nhuận của nó.

Một mô hình, trong đó lợi thế cạnh tranh bắt nguồn từ những động thái có chủ ý và được hiểu rõ, được phản ánh trên mọi phương diện của công ty. Ví dụ, với DELL, cốt lõi thành công là thật sự chú trọng vào khách hàng, gắn liền với mô hình kinh doanh trực tiếp. Điều này được hỗ trợ bởi các hệ thống trực tuyến tinh vi cũng như năng lực phân phối và lắp ráp hiệu quả.

Mô hình kinh doanh thành công phải được xây dựng trên thực tế của doanh nghiệp, phù hợp với các nguồn lực và năng lực thiết yếu của tổ chức. CEO phải nhận diện, phát hiện và bảo vệ những thành tố cốt lõi mà trên cơ sở đó mô hình kinh doanh trong tương lai được phát triển.

CEO phải làm sao cho các bên có lợi ích liên quan tâm huyết tham gia thực hiện viễn cảnh và các mục đích do mình đề ra. Thông qua nhận thức và hành xử một cách sáng suốt đối với nhân viên, khách hàng, cổ đông và không kém phần quan trọng với chính mình, CEO có thể lãnh đạo một cách tận tâm và hữu hiệu.

Và điều cuối cùng là xây dựng một tổ chức hiểu mình. Một tập thể gồm nhiều người, mỗi người hiểu vai trò của bản thân mình vẫn chưa đủ. Tổ chức nổi tiếng luôn sở hữu nhiều thuộc tính, phần lớn là vô hình, và những thuộc tính này cùng nhau đưa tổ chức đi tới thành công. Những thuộc tính này bao gồm: hoài bão, niềm tin, năng lực, hành vi, thương hiệu…

Không có mô hình kinh doanh, CEO không thể hy vọng mình thành công. Do đó CEO cần nhân viên hiểu mô hình này và quản lý nó để tạo ra giá trị hứa hẹn. Như vậy, CEO cần phải nghĩ ra những thông điệp mình muốn truyền đạt và cách để quản lý hiệu quả tính thực tiễn của việc truyền đạt nội dung đó.

Một công ty thật sự hiểu chính mình sẽ có trực giác về đường hướng phát triển và biết điều gì là đúng. Điều này giúp toàn công ty nhìn chung về một hướng. Nhân viên của công ty giải thích về mục đích và chiến lược của nó một cách cụ thể bằng ngôn ngữ của họ với niềm tin và sức thuyết phục. Những đặc tính riêng biệt của công ty được tôn lên nổi bật hơn các công ty khác, và lôi cuốn nhân viên cũng như khách hàng.

Muốn làm được điều đó, phải có nghị lực bên trong để chuyển các lời hứa thành hiện thực, để theo đuổi và liên tục đạt được thành tích cao. CEO phải làm sao để công ty mình điều hành luôn có sự tự tin, mọi cán bộ nhân viên luôn tập trung và bền bỉ với mục đích của chính mình. Họ biết mình đang làm gì, tin vào điều đó và hài lòng với chính mình.

ĐỖ THANH NĂM – Công ty Win-Win

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới