BHXH Việt Nam giải thích lý do chi quản lý tăng
Thùy Dung
![]() |
Hoạt động của Quỹ BHXH luôn được người lao động đặc biệt quan tâm – Ảnh minh họa: TDung |
(TBKTSG Online) – Cơ quan BHXH Việt Nam vừa lên tiếng giải thích về các khoản chi, cho rằng đây là khoản chi theo kế hoạch, có lộ trình rõ ràng và chủ yếu tăng là do mở rộng đối tượng và ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử trong hoạt động của quỹ.
Điều này là do thời gian gần đây có thông tin Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) tăng chi đột biến trong năm 2015, tăng hơn 75% so với năm trước, tương đương hơn 3.190 tỉ đồng. Nhiều người lo ngại về tính bền vững của quỹ này.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về các hoạt động quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2015 của Cơ quan BHXH Việt Nam, dự toán chi quản lý bộ máy năm 2015 khoảng 7.400 tỉ đồng, tăng gần 75,8% so với năm 2014 (tương đương tăng gần 3.193 tỉ đồng số tuyệt đối).
Tại buổi đối thoại về chi phí quản lý Quỹ BHXH diễn ra cuối tuần trước, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Cơ quan BHXH Việt Nam, cho biết con số 3.193 tỉ đồng tăng thêm là số liệu dự toán BHXH Việt Nam lập gửi Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan, không phải là dự toán chi phí quản lý được Thủ tướng giao. Dự toán chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN năm 2015 của BHXH Việt Nam được Bộ Tài chính thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ giao là 6.560 tỉ đồng, tăng 59% (2.445 tỉ đồng) so với dự toán năm 2014.
Chi phí quản lý bộ máy của BHXH Việt Nam tăng 2.445 tỉ đồng so với dự toán năm 2014 là để thực hiện một số nhiệm vụ mà năm 2014 trở về trước chưa được bố trí kinh phí hoặc bố trí ở mức thấp do tuân thủ Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong đó, một số khoản chi mà ông Sơn liệt kê là chi cho công tác tuyên truyền phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN; chi đẩy mạnh cải cách hành chính và thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN; chi ứng dụng công nghệ thông tin…
Ngoài ra còn có khoản chi phí phục vụ trực tiếp cho đối tượng tham gia, thụ hưởng, phát triển đối tượng. Năm 2015, khoản mục chi này tăng 36% so với năm 2014. Nguyên nhân là do số đối tượng tham gia, số đối tượng thụ hưởng, số thu, số chi BHXH, BHYT, BHTN đều tăng nên các khoản chi thù lao đại lý thu BHXH tự nguyện, BHYT của một số đối tượng và chi UBND xã lập danh sách tham gia BHYT theo hộ gia đình, phục vụ công tác thu; chi phí chi trả lương hưu, giám định BHYT… cũng tăng tương ứng.
Đối với chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy, ông Sơn cho hay, năm 2015 số chi này chỉ tăng 6% so với năm 2014 do nâng lương hằng năm. Còn chi quản lý hành chính năm 2015 không tăng so với năm 2014.
“Như vậy, chi phí quản lý BHXH, BHYT, BHTN năm 2015 tăng 59% so với năm 2014 chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách và phục vụ trực tiếp đối tượng tham gia, thụ hưởng, phát triển đối tượng trong năm qua tăng rất lớn. Nội dung chi thường xuyên cho hoạt động bộ máy chỉ tăng 6% so với năm 2014”, ông Sơn nói.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho hay người dân luôn quan tâm đến bản chất cuối cùng của chính sách BHXH, BHYT, và khi thấy một khoản chi nào đó trong chi phí hành chính tăng lên so với năm trước đó thì người dân hoàn toàn có quyền băn khoăn. Vấn đề quan trọng là giải thích để người dân hiểu việc tăng đó có hợp lý hay không, có đáp ứng được yêu cầu quản lý hay không?
Về chi phí quản lý BHXH Việt Nam, theo ông Lợi, chi phí này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết và giao chi phí đó không quá 2,3% so với tổng số thu và số chi, và được lấy trong số đầu tư tăng trưởng quỹ, không phải lấy trong Quỹ BHXH.
Việc chi Quỹ BHXH tăng lên là do đối tượng mở rộng tăng lên. Cụ thể, ngành BHYT phấn đấu đến năm 2020, 80% dân số tham gia BHYT thì đến bây giờ, đã đạt 81,7%. Năm 2016 tăng hơn 1 triệu người so với năm 2015 tham gia hệ thống BHXH. Chi phí tăng còn do nhiều vấn đề như do công tác tuyên truyền, công tác đầu tư, công tác đi vận động đối tượng tham gia.
Ngoài ra, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nêu rõ phải đẩy mạnh công nghệ thông tin. Con đường bền vững, công khai, minh bạch của BHXH Việt Nam là phải ứng dụng công nghệ thông tin và phải kết nối giữa người tham gia BHXH, BHYT với các cơ sở khám chữa bệnh và với hệ thống BHXH trong toàn quốc.
Mời đọc thêm: