Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Bí ẩn của Faslink?

Tâm Hải

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Tôi đến thăm showroom và phòng lab của Faslink một buổi chiều muộn ngày đầu tuần. Chiếc khăn choàng làm từ bã ba tách cà phê và hai chai nhựa cầm trong tay nghe mình vải thật mịn, nhẹ và êm tay cùng màu sắc tinh tế…

Hào hứng quàng ngay lên cổ và làm liền một cú “selfie” để khoe với bạn “Nè, làm từ bã cà phê đó, hay không?”. Sau đó là một loạt những lời “xin” hay hỏi chỗ mua. Có lẽ vì tò mò, mà cũng có thể vì thiện cảm về sự chuyển hóa tuyệt vời của thứ nước uống gắn bó với ta mỗi ngày…

Tiến vào thế giới thời trang bền vững

Showroom và phòng lab (R&D) của Faslink nằm ở tầng 15 tòa nhà Viettel, quận 10, TPHCM. Và bước vô thế giới ấy là cuộc khám phá liên hồi. Nhiều trụ bằng nhựa trong, giới thiệu từng loại nguyên liệu lạ tạo ra vải: bã cà phê, vỏ hàu, sợi sen, sợi bạc hà, hạt đá… với các thành phẩm may sẵn như áo vest, sơ mi, áo thun trẻ trung, khăn, nón… Chất liệu vải đẹp nhẹ, mịn, êm, mát dịu đến chỉ muốn vùi mặt vào giữa những sản phẩm màu thật nhã đó.

Mặt tủ, sợi, nón từ rác và vật liệu tái chế.

Nhưng điều mà cô chủ trẻ Trần Hoàng Phú Xuân gây ngạc nhiên không chỉ chừng ấy. Công việc chính của Faslink không phải bán quần áo thời trang mà việc chính là nghiên cứu để cung cấp các giải pháp và nguyên liệu sợi bền vững. Trong 10 năm hoạt động, Faslink luôn theo sát và cập nhật liên tục những công nghệ may mặc tiên tiến, đạt chứng nhận tiêu chuẩn quản lý ISO 9001:2008.

Được thành lập từ năm 2008, Công ty cổ phần Kết nối thời trang (Faslink JSC) là sự hợp nhất giữa Công ty cổ phần may mặc Xuân Phương Nam và Công ty vải sợi may mặc An Thuận Phát.

Đó là một cơ duyên thú vị nhưng cũng đầy thách thức đối với Faslink bởi ở châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan vào những năm 2010 đã rất quan tâm đến khái niệm thời trang bền vững. Tuy nhiên, tại thị trường Việt Nam, thời trang bền vững đến nay vẫn còn là một điều khá mới mẻ và vấn đề chi phí (cost) là một rào cản lớn. Thời trang bền vững có thể nói bao gồm các sản phẩm được sản xuất “thân thiện môi trường”, hữu cơ (organic) và tái chế được. Thời trang bền vững đắt đỏ hơn bởi các chi phí tăng thêm được chi trả cho các công tác bảo vệ môi trường như xử lý nguồn nước thải, vận hành nhà máy giảm thiểu khí thải carbon, các công nghệ sợi mới giúp giảm đến 70-80% lượng nước sử dụng.

Phú Xuân kể với tôi là gần đây, chị nhận ra, đàm phán với khách hàng quốc tế bây giờ, có hai từ nghe mãi thành điệp khúc luôn: tốt cho sức khỏe (wellness) và kinh tế tuần hoàn.

Thời trang bền vững chính là bắt đầu của thời trang tốt cho sức khỏe. Sức khỏe con người và sức khỏe của hành tinh này (môi trường) nữa. Như vậy, tuy nguyên liệu may thời trang phải bền vững (sử dụng các loại phụ phẩm, thậm chí phế phẩm theo mô hình kinh tế tuần hoàn) nhưng các chất liệu thông minh này phải được tái chế với công nghệ cao và mỗi sản phẩm ra đời luôn có “lý lịch” đi kèm là bảng báo cáo các chỉ số khoa học liên quan chất liệu và tính năng.

Từ những nguyên liệu lạ lẫm, đa số là chất thải được tái chế bằng công nghệ cao, xử lý thông minh, nhiều sản phẩm không chỉ là thời trang mà còn là giải pháp bảo vệ sức khỏe đã ra đời. Ví dụ, chỉ ba năm miệt mài thử nghiệm và đưa vào sản xuất, thương mại hóa, nguyên liệu sợi tre đã trở nên phổ biến rộng khắp ở Việt Nam. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, khẩu trang được sản xuất từ vải tre với tính năng kháng khuẩn tự nhiên đã được đón nhận nồng nhiệt.

Công việc bận bịu nhất của Faslink là làm việc với các phòng nghiên cứu ở các nước/vùng lãnh thổ khắp các châu lục: Đức, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Trung Quốc, Đài Loan… Sau mỗi công trình hoàn thành là lấy patent, đánh dấu những chặng đường không ngừng khám phá và liên tục đưa các kết quả nghiên cứu vào cuộc sống.

Faslink có nhiều khách hàng lớn, chủ yếu thầu may đồng phục. Để trang phục tốt cho sức khỏe người mặc, người mua thời trang giờ đây đặc biệt chú ý đến tính năng của nguyên phụ liệu. Các khách hàng “sỉ” của Faslink, may đồng phục cho cán bộ nhân viên, luôn tìm hiểu thật kỹ lưỡng các báo cáo, dữ liệu về các chỉ số hóa lý, độ ẩm, độ giãn, độ kháng khuẩn… có khi đến hàng trăm chỉ số.

Trong khi nhiều khách hàng Việt Nam chủ yếu xem màu, xem mặt vải và hỏi giá, ít ai quan tâm tính năng, thì nhiều nơi, có đến chục năm qua, khách hàng đã trả tiền cho tính năng của nguyên liệu.

Và lựa chọn của Faslink là không ngừng theo đuổi con đường nguyên liệu bền vững và tận dụng những công nghệ mới mang đến những tính năng như vải từ cà phê khử mùi, khô nhanh; vải từ vỏ hàu giúp chống từ trường; vải sen giúp tăng cường ion âm và collagen; vải tái chế từ chai nhựa hay lưới đánh cá, vải nano mang đến những sản phẩm mặc nhẹ, không nhăn, chống tia UVA va UVB, đồ suit giặt máy nhanh khô…

Cuộc đua công nghệ sợi

Đội ngũ nghiên cứu của Faslink rất quan tâm đến xu hướng nguyên liệu sợi những năm tới. Theo Phú Xuân, sản xuất sợi eco và nhân tạo sẽ không chỉ là xu hướng, mà còn mở ra một cuộc đua về công nghệ sợi.

Việt Nam có lịch sử ngành dệt lâu đời, kinh nghiệm nhà nghề lâu năm nhưng nay, lịch sử và bề dày kinh nghiệm không còn là bảo chứng duy nhất cho sự thành công của ngành dệt. Chúng ta hoàn toàn có thể bị thụt lùi, thậm chí bị loại trừ nếu không bắt đầu dấn thân vào cuộc đua công nghệ này.

Lấy ví dụ ngành dệt của Ấn Độ như một bài học cho các thị trường dệt sợi khác, có nguồn nhân công rẻ, có nền văn hóa trồng bông lâu đời, nhưng không đầu tư công nghệ và chọn đứng ngoài cuộc chơi công nghệ sợi eco và sợi nhân tạo. Còn Nhật Bản và Trung Quốc lại theo thời thế, tiếp tục phát huy tối đa công nghệ mà họ đang có và liên tục chiếm lĩnh thị trường dệt may.

Việt Nam cũng không nằm ngoài guồng quay đó, cuộc đua công nghệ dệt này đang phát triển nhanh và rộ tới mức, nếu tiếp tục đứng ngoài, ngành dệt may nước nhà sẽ càng ngày càng trở nên cũ kỹ, và thiệt thòi hơn so với nước bạn.

Phú Xuân nói suy nghĩ về tương lai nghề nghiệp rất rành mạch: “Ta có thể dễ dàng nhận thấy Việt Nam có rất nhiều tiềm năng, cơ hội để nâng tầm ngành dệt may nước nhà, không nên chỉ dừng lại ở việc trở thành “nhà máy gia công” của thế giới. Nhưng để thoát ra tình trạng chỉ tập trung vào gia công, thì các đơn vị dệt may lớn của Nhà nước nên cởi mở hơn, chấp nhận rủi ro và chấp nhận lối đi mới là thử chuyển mình sang làm nhà sản xuất gốc (ODM – Original Design Manufacturer) để tối ưu hóa tiềm lực thiết kế và năng lực sản xuất. Có như thế, Việt Nam mới có thể bảo vệ thị trường may mặc nội địa trước những thách thức toàn cầu hóa hiện nay như cách mà Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đang làm”.

Đến… thế giới lung linh của rác thải

Cái tủ trong phòng lab có những cánh cửa màu sắc trẻ trung, tươi vui mà chất liệu đẹp như gỗ cẩn xà cừ. Phú Xuân thản nhiên cho biết là làm từ… rác. Cả cái nón màu đỏ treo trên giá đằng kia, cũng là từ rác. Còn chiếc bàn thì cũng chẳng kém cạnh, mặt bàn và các chân bàn làm từ giấy thải, giấy vụn.

Tôi miết tay lên mặt tủ chế tạo từ rác, có cả mấy mảnh giấy báo hay miếng nhựa nhỏ còn hiện nguyên trên bề mặt, thật lạ, nhìn toàn thể không thể biết, rác đẹp tới vậy. Phú Xuân kể, cực nhất vì quá nhiều chỉ số li ti phải đảm bảo, nhưng cũng vui ngất ngây khi đem công thức đi sản xuất thử, thành công. Tưởng tượng vỏ hàu vứt thành đống bên bờ biển giờ thành vải đẹp và còn giúp giảm được 2oC khi mặc thì… Tôi cười, vậy sẽ không còn ai nói, “kẻ ăn ốc, người đổ vỏ” nữa, vì cứ gom vỏ (hàu) bây giờ lại quý hơn ăn ốc rồi!

Ca dao tục ngữ rồi sẽ phải viết lại nhiều lắm? Khi mà bã cà phê, vỏ chuối, lá sen, bã mía, vỏ bắp, sợi dứa, vỏ hàu… lên ngôi, thành thứ nguyên liệu quý hiếm của nhà sản xuất thông minh và người mặc thông minh. Vải sen, làm từ lá và hạt sen, khi thành phẩm là sơ mi, quần áo lót, khăn choàng. Thứ nào cũng mềm, thật mịn và mát, lên áo sơ mi đàn ông thì hết ý. Đến một tiệc lớn, có lẽ chàng phải gắn một mảnh giấy thật xinh, ghi: “đây là vải sen”. Sang “khó đỡ” luôn vì trong cái đẹp và sang có chút gì thanh cao, thông minh của sáng tạo và cả sự đáng yêu vì bền vững cho thiên nhiên nữa.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới