Thứ bảy, 4/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Bị kỷ luật sa thải không được hưởng trợ cấp thất nghiệp: cả lý lẫn tình đều chưa ổn

Phạm Đăng Khoa (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) - Vừa qua, trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) trình lên Quốc hội, cơ quan soạn thảo (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đề xuất người lao động (NLĐ) bị kỷ luật theo hình thức sa thải theo pháp luật lao động sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đây là nội dung vốn không có trong Luật Việc làm 2013, mà theo đó, NLĐ bị sa thải nếu có đủ điều kiện theo luật định thì vẫn có thể được hưởng quyền lợi bảo hiểm này.

Thoạt nghe, đây có vẻ là một đề xuất phù hợp nếu xem xét ở khía cạnh NLĐ là chủ thể vi phạm kỷ luật lao động đến mức phải nhận hình thức kỷ luật ở mức cao nhất. Chưa kể, khi chỉ ra các lỗi vi phạm có thể bị sa thải, Bộ luật Lao động 2019 đã nhấn mạnh đến các hành vi rất “phản cảm” như trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc (bằng cách liệt kê các hành vi này lên đầu danh sách các hành vi có thể bị sa thải).

Điều này khiến việc “phạt” các lỗi này bằng cách không cho hưởng quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp trở nên thuyết phục hơn. Nói cách khác, quỹ bảo hiểm thất nghiệp không thể là “phần thưởng” cho người vi phạm kỷ luật nơi làm việc nghiêm trọng đến mức phải bị cho thôi việc.

Tuy nhiên, xét bản chất việc áp dụng pháp luật lao động lẫn tình hình triển khai chính sách về bảo hiểm thất nghiệp ở Việt Nam hiện nay, việc từ chối cho NLĐ bị kỷ luật dưới hình thức sa thải tiếp cận các khoản trợ cấp thất nghiệp ở thời điểm hơn ai hết, họ là những người thật sự cần đến chúng đã gây ra không ít thắc mắc, băn khoăn.

Cơ quan soạn thảo vô tình đang “hành chính hóa” một quan hệ dân sự, lao động thuần túy. Cụ thể, với quy định bị sa thải thì không được trợ cấp thất nghiệp người ta có thể hiểu, dựa trên quyết định kỷ luật lao động dưới hình thức sa thải (một hành vi dân sự, lao động), cơ quan quản lý nhà nước sẽ ra quyết định từ chối cho NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp (một hành vi hành chính).

Băn khoăn lớn nhất có lẽ là với việc đề xuất này, cơ quan soạn thảo vô tình đang “hành chính hóa” một quan hệ dân sự, lao động thuần túy. Cụ thể, với quy định bị sa thải thì không được trợ cấp thất nghiệp người ta có thể hiểu, dựa trên quyết định kỷ luật lao động dưới hình thức sa thải của người sử dụng lao động (NSDLĐ) đối với NLĐ (một hành vi dân sự, lao động), cơ quan quản lý nhà nước là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ ra quyết định từ chối cho NLĐ hưởng trợ cấp thất nghiệp (một hành vi hành chính).

Trong khi đó, trừ khi có sự đồng thuận, chấp nhận của chính NLĐ bị xử lý kỷ luật (điều này ít khi xảy ra) hoặc sự thừa nhận của cơ quan có thẩm quyền (chẳng hạn tòa án có thẩm quyền), quyết định kỷ luật theo hình thức sa thải hoàn toàn là hành vi pháp lý đơn phương và mang tính chủ quan của NSDLĐ, vốn đang có quyền và lợi ích trái ngược, thậm chí đang xảy ra xung đột nghiêm trọng với quyền và lợi ích của NLĐ bị kỷ luật.

Ngoài ra, việc quyết định có xử lý kỷ luật sa thải NLĐ vi phạm hay không vốn là lựa chọn của NSDLĐ, sử dụng quyền do pháp luật cho phép để chấm dứt quan hệ lao động cũng như để được miễn trừ thực hiện một số nghĩa vụ đi kèm với NLĐ khi chấm dứt quan hệ lao động với họ (chẳng hạn như các khoản trợ cấp thôi việc, mất việc) chứ hoàn toàn không phải là yêu cầu bắt buộc của pháp luật.

Khi đó, để đạt được mục đích chấm dứt quan hệ lao động với nhân viên vi phạm đến mức bị sa thải, chủ doanh nghiệp hoàn toàn có thể lựa chọn cách thức tiếp cận “mềm” hơn, như thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động với NLĐ (có thể kèm theo các điều kiện như nhân viên nghỉ việc này sẽ không được hưởng các khoản trợ cấp mất việc, thôi việc như một NLĐ nghỉ việc bình thường) mà không cần phải ban hành một quyết định sa thải để buộc nhân viên này phải rời khỏi nơi làm việc.

Đến đây, một nghịch lý xảy ra: cũng là NLĐ bị mất việc làm đó, trong lựa chọn này của NSDLĐ (thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động) thì được hưởng quyền lợi trợ cấp thất nghiệp, ngược lại (bị sa thải) thì không. Như vậy, vô hình trung, NSDLĐ chính là người quyết định việc có được hay không được hưởng trợ cấp thất nghiệp của NLĐ bị mất việc. Khi đó, quyết định của cơ quan quản lý nhà nước về lao động, việc làm, cụ thể là giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, về việc hưởng trợ cấp thất nghiệp của NLĐ liên quan dường như chỉ là hành vi hành chính phản ánh ý chí, lựa chọn của NSDLĐ trước đó. Nói cách khác, trong trường hợp cụ thể này, ở một chừng mực nào đó, NSDLĐ đang chính là người điều tiết việc sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp, một vai trò pháp luật chưa bao giờ giao cho họ.

Có thể nói, tâm lý coi NLĐ bị xử lý kỷ luật sa thải là “người xấu” đang chi phối quan điểm ủng hộ việc không cho họ hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi bị mất việc làm. Trong khi đó, như đã đề cập ở trên, dù lỗi của NLĐ có bị xem là nặng tới đâu thì việc xử lý kỷ luật sa thải cũng chỉ là hành vi pháp lý đơn phương, là sự lựa chọn áp dụng (được pháp luật cho phép) của chủ doanh nghiệp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của mình trước NLĐ bị cho là vi phạm.

Việc đánh giá, xử lý hành vi vi phạm pháp luật của NLĐ trong nhiều trường hợp cần có sự tham gia của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (chẳng hạn như cơ quan công an, tòa án). Việc vi phạm của họ (nếu có) tới đâu sẽ có chế tài tương ứng (hành chính, hình sự) để xử lý tới đó một cách khách quan, phù hợp. Và đương nhiên, đó không còn là việc của doanh nghiệp sử dụng lao động nữa.

Việc dựa vào quyết định xử lý kỷ luật lao động, một quyết định đơn phương của một bên (NSDLĐ) đang có mâu thuẫn lợi ích với bên kia (NLĐ) để quyết định NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp hay không là một việc chứa đựng nhiều rủi ro về sự thiếu chính xác và thiếu công bằng. Điều này càng đúng với điều kiện nước ta hiện nay. Theo thống kê, trong quí 3-2023, trong số hơn 200.000 lượt người phải nhận trợ cấp thất nghiệp, hơn 70% là người chỉ có trình độ sơ cấp trở xuống, trong đó, nếu chia nhỏ hơn, đại đa số NLĐ này (90%) là những người không hề có bằng cấp, chứng chỉ(1).

Nhìn vào những con số này người ta có thể hình dung ra “tương quan lực lượng” giữa một bên là các “ông chủ” - NSDLĐ - với một bên là những NLĐ đang bị xem xét xử lý kỷ luật lao động. Việc bị sa thải oan hay không thỏa đáng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Trước khi những NLĐ không bằng cấp, không trình độ này có thể làm gì đó để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình (nếu có) thì nguy cơ rõ nét nhất là ngay đến những khoản trợ cấp thất nghiệp ít ỏi để trang trải cuộc sống trong khi đi tìm việc làm mới họ cũng có thể không được nhận.

(*) Công ty Luật Lac Duy & Associates (LDA)
(1) https://thesaigontimes.vn/hon-250-000-nguoi-nop-ho-so-de-nghi-nhan-tro-cap-that-nghiep/

1 BÌNH LUẬN

  1. Kỷ luật sa thải. Khác với kỷ luật – sa thải. Càng khác với sa thải. Tất cả đều dẫn đến kết cục: Mất việc, mất thu nhập. Chưa kể mất uy tín, mất cơ hội, hàng loạt hệ lụy kéo theo khác. Trường hợp oan sai thì càng bi đát hơn nữa. Các hình thức xử lý này, chả có liên quan gì đế nghĩa vụ và quyền lợi hưởng thất nghiệp của người lao động, theo đó họ có làm – có đóng, có đóng – có hưởng. Gắn kỷ luật sa thải với quyền lợi thụ hưởng thất nghiệp là đề xuất mang tính áp đặt, cưỡng chế, không hợp pháp và hợp lý chút nào. Cách làm luật như vậy, vừa quan liêu và vô cảm, vừa kém nhân quyền và nhân văn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới