Thứ tư, 20/11/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Bị ‘thổi’ bay 5.000 tỉ đô la, thị trường chứng khoán Trung Quốc mất sức hút trước đối thủ Ấn Độ

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Đà sụt giảm không ngừng của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã làm tăng sức hút của thị trường chứng khoán Ấn Độ, đối thủ mới nổi lớn nhất của Trung Quốc.

Chỉ số MSCI Ấn Độ tăng gần 10% trong quí 3 vừa qua, so với mức giảm 23% của chỉ số MSCI Trung Quốc. Hiệu suất vượt trội 33 điểm phần trăm của chỉ số MSCI Ấn Độ là mức cách biệt cao nhất kể từ tháng 3-2000.

Chính sách ‘zero Covid’, chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghệ của Bắc Kinh cùng với căng thẳng với phương Tây đã khiến thị trường chứng khoán Trung Quốc mất 5.000 tỉ đô la vốn hóa kể từ đầu năm 2021. Và Ấn Độ, từ lâu được xem là “một Trung Quốc tiếp theo”, đã trở thành sự lựa chọn thay thế hấp dẫn nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế được dự báo nhanh nhất ở châu Á.

Với đà tăng trưởng mạnh mẽ, chứng khoán Ấn Độ đang thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài phân bổ tỷ trọng vốn lớn hơn. Ảnh: The Statesman

Nhà quản lý đầu tư kỳ cựu người Mỹ - Mark Mobius đã phân bổ tỷ trọng tài sản vào cổ phiếu ở Ấn Độ cao hơn so với Trung Quốc kể từ đầu năm nay. Công ty quản lý tài sản Jupiter Asset Management (Anh) cho biết một số quỹ thị trường mới nổi của họ nắm tỷ trọng cổ phiếu Ấn Độ lớn nhất. Công ty M&G Investments (Singapore) cũng tiết lộ đã “phân bổ nhiều hơn” cho cổ phiếu Ấn Độ trong năm nay.

Các nhà quản lý tiền tệ nhận định thị trường nội địa ngày càng mở rộng của Ấn Độ có nghĩa là quốc gia này có thể vượt qua cơn suy thoái đang rình rập trên toàn cầu tốt hơn hầu hết các thị trường mới nổi khác. Về lâu dài, xu hướng kinh tế Trung Quốc tách rời khỏi Mỹ cũng có thể mở đường cho các công ty Ấn Độ tăng cường sự hiện diện của họ trên toàn thế giới.

Nick Payne, Giám đốc đầu tư thị trường mới nổi toàn cầu tại Jupiter Asset Management, nói: “Các biện pháp phong tỏa kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc tiếp tục tác động đến các chuỗi cung ứng, vì vậy, nhu cầu về một giải pháp thay thế đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ. Ấn Độ là ứng cử viên số một để thực hiện vai trò thay thế đó, theo cách tiếp cận thường được gọi là Trung Quốc + 1”.

Sự dịch chuyển trái chiều giữa hai thị trường chứng khoán Trung Quốc và Ấn Độ bắt đầu diễn ra vào tháng 2-2021 khi các điều kiện thắt chặt thanh khoản ở Trung Quốc góp phần làm đảo ngược đà tăng giá kéo dài hai năm của thị trường chứng khoán ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trong khi đó, chứng khoán Ấn Độ tiếp tục đạt mức cao kỷ lục nhờ sự trỗi dậy mạnh mẽ chưa từng thấy của nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Giá trị thị trường tổng cộng của các công ty góp mặt trong chỉ số MSCI Trung Quốc đã giảm 5.100 tỉ đô la kể từ đó và chỉ số này đóng cửa vào hôm thứ Sáu ở mức thấp nhất kể từ tháng 7- 2016.

Trong quí 3, chỉ số MSCI Ấn Độ có hiệu suất cao hơn 33% so với chỉ số MSCI Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Trái lại, giá trị thị trường tổng cộng của chỉ số MSCI Ấn Độ, vốn đạt mức cao nhất trong lịch sử vào đầu năm nay, tăng thêm khoảng 300 tỉ đô la. Giới đầu tư cũng đã điều chỉnh tỷ trọng phân bổ vốn theo xu hướng nghiêng hẳn về Ấn Độ.

Tỷ trọng vốn phân bổ của Quỹ đầu tư Global EM Fund dành cho cổ phiếu Ấn Độ đang ở mức cao kỷ lục nhưng tỷ trọng phân bổ đối với cổ phiếu Trung Quốc chỉ đang phục hồi nhẹ sau khi giảm mạnh trong những quí vừa qua, theo Cameron Brandt, Giám đốc nghiên cứu của Công ty EPFR Global (Mỹ).

Vikas Pershad, nhà quản lý quỹ của Công ty M&G Investments, nói: “Việc phân bổ vốn đầu tư ngày càng tăng dành cho các quỹ chỉ tập trung vào Ấn Độ và các quỹ châu Á không bao gồm cho thấy sự chuyển dịch này vẫn đang ở giai đoạn đầu. Một số rào cản đối với việc đầu tư vào Trung Quốc có vẻ mang tính cấu trúc và kéo dài hơn dự kiến”.

Chắc chắn, với nhiều tháng tăng giá, cổ phiếu Ấn Độ trở nên đắt nhất ở châu Á nếu xét theo chỉ số P/E (thị giá/thu nhập). Vì vậy, một số nhà đầu tư bắt đầu trở nên thận trọng hơn, đặc biệt khi triển vọng thị trường chứng khoán Ấn Độ có thể bị ảnh hưởng do Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ đã tăng lãi suất bốn đợt liên tiếp.

Mặt khác, Trung Quốc có tiềm năng tăng trưởng mạnh một khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau các đợt phong tỏa kiểm soát Covid-19. Cổ phiếu của các công ty Trung Quốc niêm yết tại Hồng Kông đang giao dịch ở mức rẻ nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư tập trung vào câu chuyện tăng trưởng dài hạn của Ấn Độ vẫn giữ niềm tin mạnh mẽ. Các nhà kinh tế được khảo sát bởi Bloomberg nhận định nền kinh tế Ấn Độ tăng trưởng khoảng 7% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3-2023, cao hơn gấp đôi so với tốc độ tăng trưởng dự kiến của Trung Quốc trong năm 2022.

Mark Mobius, người đồng sáng lập Công ty đầu tư Mobius Capital Partners, cho biết dân số lớn và trẻ hơn của Ấn Độ cùng với môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân sẽ giúp nước này phát triển nhanh hơn Trung Quốc trong những năm tới.

Các công ty lớn trên toàn cầu đang tận dụng sức mạnh công nghiệp của quốc gia Nam Á này. Apple, từ lâu đã sản xuất hầu hết iPhone ở Trung Quốc, quyết định bắt đầu sản xuất iPhone 14 mới ở Ấn Độ sớm hơn dự kiến. Ngân hàng Citigroup đang nhắm đến Ấn Độ như là một trong những thị trường hàng đầu để mở rộng ra toàn cầu.

“Chúng tôi nghĩ đây thực sự là thời điểm chín muồi của Ấn Độ. Rất nhiều công ty đang đầu tư vào nước này”, Julia Raiskin, người đứng đầu thị trường châu Á Thái Bình Dương tại Citigroup, nói.

Với tầm ảnh hưởng của thị trường ngày càng tăng, tỷ trọng của Ấn Độ trong Chỉ số các thị trường mới nổi MSCI đã tăng gần 7 điểm phần trăm trong vòng 2 năm qua. Trong khi đó, tỷ trọng của chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông trong chỉ số này giảm tổng cộng hơn 10 điểm phần trăm.

Kristy Fong, Giám đốc đầu tư cao cấp của Aberdeen New India Investment Trust, nhận định bất kể thị trường Trung Quốc hoạt động như thế nào, sức hấp dẫn của Ấn Độ đối với các nhà đầu tư toàn cầu vẫn là một xu hướng dài hạn.

Bà nói: “Ấn Độ là nơi đặt trụ sở của một số công ty chất lượng cao nhất trong khu vực, với một số đội ngũ quản lý có năng lực nhất so với ở bất kỳ đâu của châu Á. Các lĩnh vực mà Ấn Độ vượt trội bao gồm dịch vụ tài chính, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng và chăm sóc sức khỏe”.

Theo Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới