(KTSG Online) - Đang bị các nước khác bỏ lại phía sau trong việc đào tạo nguồn lực cho chuyển đổi số, Nhật Bản đặt mục tiêu có được đội ngũ 270.000 kỹ sư về trí tuệ nhân tạo (AI) và internet vạn vật (IoT) vào năm 2030. Với rất ít sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán học (STEM), Nhật Bản đang nhận ra tương lai mờ mịt và nhu cầu cần đầu tư hơn nữa cho nguồn nhân lực.
Quân đông nhưng thiếu tinh nhuệ
“Chúng tôi không thể phát triển một hệ thống dự báo về sản phẩm, mặc dù chúng tôi rất cần”, giám đốc phụ trách chuyển đổi số của một công ty Nhật Bản nói. Dù số nhân viên công nghệ thông tin (IT) đã tăng 1,6 lần, nhưng họ vẫn chưa có được tài năng ở các lĩnh vực có công nghệ đột phá.
Nhật Bản có số kỹ sư IT tương đối đông đảo, với số kỹ sư làm việc trong ngành công nghệ thông tin và viễn thông lên đến 1,22 triệu người trong năm ngoái – theo khảo sát của Bộ Viễn thông và Nội vụ. Đây là số lượng đông thứ tư trên thế giới. Trong khi đó, số nhân viên IT ở Mỹ là 4,09 triệu người, Ấn Độ là 2,32 triệu và ở Trung Quốc là 2,27 triệu – theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Nhưng kỹ năng chuyên biệt mới là quan trọng nhất. Số kỹ sư IT thông thường chuyên thiết kế app và website chiếm đến 90% tổng số lao động ngành này tại Nhật Bản năm 2018. Chỉ có 10% tập trung vào nghiên cứu AI và các thiết bị thông minh có thể kết nối với internet vạn vật (IoT) – theo số liệu của Bộ Công thương và Kinh tế (METI).
Nghiên cứu dữ liệu của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), hãng tư vấn Nikkei và hãng tuyển dụng Human Resocia nhận ra rằng có 29.000 sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học tự nhiên, toán và thống kê trong năm 2018 tại Nhật Bản. Trong năm đó, con số này ở Mỹ gấp 10 lần.
Tại Nhật Bản, con số tăng trưởng trung bình của sinh viên tốt nghiệp các ngành trên từ 2014-2018 lại giảm 0,4%. Trong khi đó, như Pháp đạt tỷ lệ tăng trưởng trung bình mỗi năm là 10%, hay Ý thì 7%.
Chuyển đổi để cạnh tranh
Các trường đại học Nhật Bản đang cố gắng thay đổi tình thế. Năm 2017, Đại học Shiga mở phân khoa khoa học dữ liệu đầu tiên ở xứ này. Sinh viên sẽ làm việc với Daihatsu Motor và các hãng công nghệ khác. Riêng khoa mạng thông tin sáng tạo và thiết kế tại Đại học Tokyo có những khóa học kết hợp giữa khoa học máy tính với ngành thiết kế và marketing.
Giáo sư Kaoru Kawamoto của Đại học Shiga nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi nội dung giáo dục để đáp ứng nhu cầu xã hội, hơn là nhồi nhét những kiến thức ngành STEM.
Nước Mỹ có các tổ chức tư vấn cung cấp cho các đại học thông tin về các tài năng mà các doanh nghiệp đang cần, tăng tính kết nối giữa mảng học thuật và điều hành doanh nghiệp.
Đang có những chuyển động mới tại Nhật Bản trong việc đào tạo và thuê mướn kỹ sư công nghệ IT đột phá. Daikin Industries đã lập luôn một trường đại học riêng với sự hợp tác của Đại học Osaka nhằm đào tạo 1.500 kỹ sư AI và IoT vào năm 2023, đưa họ làm việc ở lĩnh vực dịch vụ và tiếp thị. Z Holdings, công ty mẹ của Yahoo Japan, sẽ tăng thêm lực lượng kỹ sư IT khoảng 5.000 cho đến năm 2025.
Theo bảng xếp hạng cạnh tranh công nghệ số toàn cầu của Viện Quốc tế về phát triển quản trị ở Thụy Sĩ, thứ hạng của Nhật Bản từ 20 trong năm 2013 đã rớt xuống 27 trong năm 2020. Quá trình đào tạo và nuôi dưỡng nguồn nhân lực số là nguyên nhân chính của quá trình tụt lùi này.
Giới doanh nghiệp Nhật Bản không chịu đứng yên chịu trận. Các trường đại học và các công ty đang thay đổi với hy vọng sẽ có thể cung ứng đủ số kỹ sư IT, về chất lẫn lượng, để tăng tính cạnh tranh của đất nước này. Nhưng họ vẫn đối diện với sự ganh đua mạnh mẽ của Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc trong các lĩnh vực công nghệ đột phá.
Năm 2020, Trung Quốc lần đầu vượt qua Mỹ về số lần bài báo học thuật AI được trích dẫn. Đây là thước đo chất lượng của một nghiên cứu. Trước đó, Mỹ luôn qua mặt các nước khác về nghiên cứu AI. Theo báo cáo của Đại học Stanford, tỷ lệ trích dẫn các bài báo học thuật liên quan tới AI của Trung Quốc là 20,7%, cao hơn 19,8% của Mỹ. Từ năm 2012, Trung Quốc công bố 240.000 nghiên cứu học thuật về AI, bỏ xa thành tích 150.000 của Mỹ. Các nghiên cứu của Trung Quốc cũng có chất lượng xuất sắc trong lĩnh vực nhận diện và tạo ra hình ảnh. Một trong những lý do Trung Quốc mạnh về AI như vậy là lượng dữ liệu khổng lồ mà họ phát sinh. Tính đến năm 2030, ước tính 8 tỉ thiết bị tại đây sẽ kết nối IoT, được gắn trên xe hơi, cơ sở hạ tầng, robot và các trang thiết bị khác, sinh ra lượng lớn dữ liệu.