Biên chế và hộ khẩu, câu chuyện ở xứ Tây và quê ta
Hiệu Minh
(TBKTSG) - Năm 2017, Bộ Công an tuyên bố từ năm 2020 bỏ sổ hộ khẩu giấy và sẽ quản lý cư trú bằng “sổ hộ khẩu điện tử” thông qua mã số định danh. Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), dự kiến sẽ được thông qua trong năm 2020 để bắt đầu bỏ sổ hộ khẩu giấy từ tháng 7-2021.
Một tin khác là từ ngày 1-7-2020, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức có hiệu lực, trong đó viên chức sẽ ký hợp đồng lao động xác định thời hạn - bỏ “biên chế suốt đời” với viên chức, xóa bỏ suy nghĩ cứ vào được Nhà nước là ổn định hoàn toàn.
Vì sao bỏ hộ khẩu, nên thay bằng gì?
Hộ khẩu và biên chế đã đi theo đất nước qua hai thế kỷ với biết bao chuyện buồn vui. Khi tôi sang Mỹ làm việc cứ băn khoăn mãi, làm sổ hộ khẩu ở đâu và liệu biên chế suốt đời có không. Hóa ra người Mỹ không dùng hộ khẩu, đi làm theo hợp đồng và tôi nhớ vài chuyện vui.
Một thời, hộ khẩu đi theo sổ gạo, tem phiếu, phân nhà ở Hà Nội. Vào biên chế coi như chỗ làm việc được bảo đảm suốt đời. Ai đến tuổi trưởng thành, đi làm đều mong muốn sự ổn định, có nhà cửa và gia đình, có công việc suốt đời. Đó là một giấc mơ thuộc tầm... nhân loại.
Nhớ năm 1977, Giáo sư Phan Đình Diệu, lúc đó khoảng 40 tuổi, Viện trưởng Viện Tính toán và Điều khiển, đi thăm các nước Đông Âu và tìm nhân tài cho viện. Gần 200 lưu học sinh Việt Nam tại Warsaw đón giáo sư tới nói chuyện.
Trước buổi gặp, anh nhờ tôi “nghe nói cậu biết cắt tóc, chiều nay tớ có cuộc nói chuyện, đi nhiều nước mà không có thời gian. Cậu giúp tớ nhé”. Thời đó sinh viên Ba Lan nổi tiếng tóc dài quần loe, hippi, sexy, cắt tóc chỉ là xén bớt phần dài dưới gáy. Loay hoay một hồi, mình cũng sửa xong cái gáy của Giáo sư.
Nhân tiện Giáo sư hỏi ngành học và cho số điện thoại, địa chỉ ở Hà Nội để khi về gặp. Đang du học nên chả nghĩ đến xin việc. Khi về Hà Nội mới hiểu cái bán kính 3 ki lô mét lấy tâm là bờ hồ Hoàn Kiếm để tìm việc là vô cùng quan trọng.
Tôi lên Viện Khoa học xã hội trên Nghĩa Đô tìm. Giáo sư viết thư tay lên Bộ Đại học, thế là sau một tháng tôi có quyết định về viện, hưởng lương tập sự, vào biên chế, có hộ khẩu, có sổ gạo, có tem phiếu, điều mơ ước của bao bạn trẻ lúc đó.
Lúc đó tôi còn độc thân nên có anh bạn lớn tuổi giúp tìm vợ. Anh có vợ ở Hòa Bình. Chồng có hộ khẩu, vợ thì không, các con ăn theo mẹ ở quê, gia đình mỗi người một nơi, muốn cho con ra Hà Nội học thì phải có hộ khẩu, mà điều này như mơ lên sao Hỏa.
Anh có ý nhắm giới thiệu tôi cho con gái của một vị đại tá công an, có quyền cấp hộ khẩu. Anh thì thầm, cậu lấy được cô này thì mình được nhờ chuyển vợ về Hà Nội. Chuyện không đi tới đâu.
Một lần đi ăn với người bạn ở một nhà hàng có tên “Quán cơm Mậu dịch” ở gần hồ Trúc Bạch có trang trí nội thất khá giống với thời bao cấp, từ màu tường quét vôi vàng vàng, cửa sổ sơn xanh, vài cái bi đông và xe đạp cũ kỹ, thấy cả ảnh sổ hộ khẩu, sổ gạo, tem phiếu, thời của “bao cấp, xin cho” từ thế kỷ trước.
Nếu như sổ gạo tồn tại sau hòa bình 1975 giúp người chủ hộ và những người ăn theo được đong gạo theo tiêu chuẩn để sống qua ngày, thì sổ hộ khẩu như thần hộ mệnh cho cả gia đình có trước đó mấy chục năm. Ở Hà Nội mà không có hộ khẩu và sổ gạo thì khó được coi là người thành phố.
Sự phát triển từ một đất nước có 60% dân sống dưới chuẩn nghèo, sau mấy chục năm tỷ lệ ấy chỉ còn 9-10% đã khiến nhu cầu đi lại, làm ăn và sinh sống không thể bó hẹp trong cái sổ hộ khẩu và quyết định biên chế.
Do vài biến cố ở cơ quan, công việc nghiên cứu nhàm chán, lương thấp, tôi quyết định đi làm cho vài cơ quan nước ngoài, bỏ luôn biên chế dù gia đình và bạn bè hối tiếc. Bố mẹ đánh điện “về ngay bố ốm” chỉ vì nghe tin con bỏ biên chế và có khi bị cắt hộ khẩu.
Sau này thi tuyển sang Mỹ làm việc dài hạn, tôi cho các con đi học mới biết họ không dùng hộ khẩu để quản lý cư dân. Trẻ tới trường học theo zipcode, bố mẹ trình địa chỉ nhà ở thông qua hợp đồng mua hay thuê, hóa đơn trả tiền điện nước, để chứng tỏ là mình ở đó, thông tin có giá trị như hộ khẩu của nước mình.
Theo thống kê của Mỹ, có tới gần 50% người trong độ tuổi lao động không có việc làm toàn thời gian. Và có việc làm toàn thời gian thì chưa chắc đã có biên chế (open ended). Vì thế, việc chuyển việc từ bang này sang bang khác là bình thường với 90% người Mỹ.
Người ta bàn nhiều đến biên chế và ngoài biên chế. Mỗi cách lựa chọn có mặt tốt và mặt xấu. Tuy nhiên, với xu hướng biên chế ở nước ta thì nó đã biến tướng vì tạo ra một lực lượng khổng lồ trong biên chế nhưng làm việc không hiệu quả.
Chế độ hợp đồng có thời hạn đang là xu hướng chung của thế giới. Ngay tại Ngân hàng Thế giới, từ năm 2015, để có công việc suốt đời, nhân viên phải trải qua hợp đồng ba năm đầu tiên, sau đó kéo dài năm năm, và tiếp theo là bảy năm.
Trong 15 năm đó nhân viên luôn làm tốt sẽ được vào biên chế. Cách đó làm nhân viên nai lưng mà làm cho tốt. Thời của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng mạnh tay với biên chế bên hệ thống hành chính công, chuyển đổi sang hợp đồng có thời hạn tại tất cả các bộ ngành của Mỹ.
Theo Báo cáo 2035 của Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới, Việt Nam có khát vọng đến năm 2035 trở thành một nước công nghiệp hiện đại, hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng. Trong sáu vấn đề quan trọng thì báo cáo đã nhấn mạnh về nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, lấy khu vực kinh tế tư nhân làm trung tâm.
Đã là tư nhân thì biên chế suốt đời là... xa vời. Xu hướng phát triển là thế thì bỏ biên chế là một giải pháp hay. Vào biên chế nhẹ nhàng như người viết bài này sẽ thấy nhàm chán, nếu công việc lương thấp, không sáng tạo, một lúc nào đó sẽ thôi “ngồi giữ ghế” để sang một công việc tự do nhưng thu nhập cao, đãi ngộ tốt và đường thăng tiến trong minh bạch, dù hộ khẩu ở nơi đâu.
Cổng dịch vụ công quốc gia đang vận hành và thu hút sự chú ý, mọi dịch vụ phải trực tuyến, quốc gia số cần công dân số, não trạng giấy phải thay đổi sang tư duy số, nhờ đó mà có quốc gia sáng tạo.
Còn các bậc cha mẹ sẽ không phải làm như hai cụ nhà này ở thế kỷ trước: đánh điện “về ngay bố ốm” chỉ vì nghe tin con bỏ biên chế và có nguy cơ mất hộ khẩu.