Thứ bảy, 25/01/2025
27 C
Ho Chi Minh City

Biến đổi khí hậu buộc các chuỗi cung ứng phải thay đổi

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Không lâu nữa, các lô hàng hạt điều có thể không còn được vận chuyển từ Tây Phi đến Việt Nam để bóc vỏ hoặc rang rồi đưa sang châu Âu để đóng gói mà sẽ được chế biến ngay tại khu vực này. Lý do là các nhà bán lẻ ở châu Âu đứng trước áp lực cắt giảm khí thải trong chuỗi cung ứng để chống biến đổi khí hậu mà hành trình vận chuyển hạt điều qua nhiều tuyến đường biển sẽ phát thải rất nhiều khí nhà kính.

Một nhà kho hạt điều ở Bouake, Bờ Biển Ngà. Trong thời gian tới, hạt điều có thể được chế biến ngay tại các nước Tây Phi, bao gồm Bờ Biển Nga thay vì vận chuyển đến Việt Nam để chế biến. Ảnh: Reuters

Sự thay đổi dự kiến nói trên chỉ là một trong nhiều kịch bản cho thấy các thương hiệu toàn cầu phải sắp xếp lại các chuỗi ung ứng để giảm lượng khí thải nhà kính.

Các kệ hàng của chuỗi siêu thị giảm giá Aldi ở Đức đang bày bán măng tây và dâu tây được trồng tại địa phương sau khi nắng nóng và hạn hán ở Tây Ban Nha thúc đẩy Aldi tiến hành các thay đổi đáng chú ý trong chuỗi ung ứng vào năm ngoái. Aldi là tên gọi chung của hai thương hiệu bán lẻ Aldi Nord và Aldi Sud được tách ra khỏi Aldi vào năm 1960.

Aldi, chuỗi bán lẻ do anh em nhà Albrecht thành lập ở Đức thời hậu thế chiến thứ hai đã đưa ra lý do liên quan đến biến đổi khí hậu để giúp người mua lựa chọn hàng hóa ở hàng nghìn siêu thị trên khắp châu Âu và Mỹ.

Một số sự kiện thời tiết khắc nghiệt ở Nam Mỹ và Mỹ Latin cũng khiến Aldi gặp khó khăn hơn trong việc tìm nguồn cung ứng nông sản tươi và đẩy tăng giá giá cà phê và các loại hạt. Các sản phẩm này nằm trong số những mặt hàng bán chạy nhất tại Aldi.

Tại Pháp, khách hàng đã sốc khi không tìm thấy mù tạt Dijon trong các siêu thị vào mùa hè năm ngoái. Lý do là nhiệt độ cao ở Burgundy, vùng sản xuất mù tạc Dijon ở Pháp và ở Canada, nhà sản xuất hạt mù tạt lớn thứ hai trên thế giới đã khiến cây mù tạt chết héo. Tuy nhiên, hậu quả của sự gián đoạn kinh doanh do biến đổi khí hậu gây ra còn “gay gắt” hơn cả mù tạt.

Lũ lụt nghiêm trọng ở Đức hồi năm ngoái không chỉ phá hủy mùa màng mà còn làm hư hại hàng hóa ở các siêu thị. Ở một số vùng của bang California (Mỹ), thời tiết nóng đến mức công nhân và máy móc không thể chịu nổi khiến công việc thu hoạch nông sản cung cấp cho siêu thị Aldi phải thực hiện vào vào ban đêm.

Về lâu dài, chuỗi bán lẻ này dự báo năng suất cây trồng suy giảm sẽ dẫn đến tình trạng di cư, đặc biệt là ở những khu vực thiếu lương thực nhất thế giới. Khả năng thu hoạch và sản xuất các sản phẩm mà người tiêu dùng mong muốn sẽ trở nên khó khăn hơn.

Theo Anke Ehlers, giám đốc phụ trách bền vững quốc tế tại Aldi Sud, công ty điều hành hơn 7.000 siêu thị ở 11 nước, biến đổi khí hậu là “mối nguy hiểm rất rõ ràng và hiện hữu”.

Đối với Aldi, sự thay đổi chiến thuật trong chính sách tìm nguồn cung ứng là để nâng cao nhận thức về năng lực chống chịu của chuỗi cung ứng cho các nhóm mua hàng của nhà bán lẻ này.

Nhiều công ty khác cũng buộc phải tăng cường giám sát chuỗi cung ứng. Có nhiều lý do cho sự thay đổi này, đầu tiên là tình trạng gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra, sau đó là cuộc khủng hoảng năng lượng sau cuộc xung đột Nga-Ukraine và bây giờ là do tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu.

Giáo sư Swenja Surminski của Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu và môi trường Grantham thuộc Trường Kinh tế và khoa học chính trị London (LSE), lưu ý việc xây dựng khả năng phục hồi kinh doanh có nghĩa là lường trước các rủi ro thay vì ở chế độ “đối phó với khủng hoảng”.

Surminski cũng là giám đốc về khí hậu và tính bền vững của Công ty môi giới bảo hiểm lớn nhất thế giới Marsh McLennan và là thành viên của Ủy ban Biến đổi khí hậu Anh. Một cuộc khảo sát của LSE cho thấy, các công ty phân bổ 85% chi phí giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu sau khi thảm họa thiên nhiên xảy ra.

Surminski cho biết, vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ trở trở thành trọng tâm trong các cuộc họp hội đồng quản trị của các doanh nghiệp khi lực lượng lao động và cơ sở vật chất  chịu sự tác động ngày càng gia tăng từ các biến cố thời tiết khắc nghiệt,

Chính sách quản lý là một động lực khác để buộc giới doanh nghiệp phải điều chỉnh chuỗi cung ứng. Các loại thuế mới liên quan đến carbon ở Liên minh châu Âu (EU) sẽ buộc các công ty phải xem xét lại toàn bộ lượng khí thải carbon trong toàn bộ hoạt động kinh doanh.

Ví dụ, Aldi đã đánh giá, 99% lượng khí thải của chuỗi bán lẻ này đến từ các nhà cung cấp. Do đó, Aldi đang làm việc với các nhà cung cấp chiến lược để hỗ trợ nhà cung cấp cắt giảm khí thải.

Xây dựng mạng lưới vận tải vận hành bằng động cơ điện hoặc nhiên liệu bền vững là một trong những cách đơn giản nhất để giúp cắt giảm khí thải. Tuy nhiên, các phương tiện vận chuyển chạy bằng năng lượng sạch vẫn còn ít ỏi ở nhiều nước vì chi phí đầu lớn.

Điều đó có nghĩa là trong tương lai, những gói hạt điều bán chạy nhất sẽ không còn được vận chuyển từ Tây Phi đến Việt Nam để bóc vỏ, rang rồi đưa trở lại châu Âu để đóng gói mà sẽ được chế biến ngay tại Tây Phi.

Tổ chức lại chuỗi cung ứng theo cách như vậy sẽ giúp loại bỏ bớt các hành trình vận chuyển phát thải khí nhà kính. Vì vậy, xu hướng được kỳ vọng trong tương lai là hầu hết các thương hiệu toàn cầu sẽ giương cao khẩu hiệu “người địa phương hãy mua hàng địa phương”.

Theo Financial Times

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới