(KTSG Online) - Những xung đột mới về chính sách khí hậu đang gây căng thẳng cho các nhóm đồng minh quốc tế và hệ thống thương mại toàn cầu. Điều này báo hiệu một tương lai trong đó các chính sách được thiết kế để ngăn chặn thảm họa môi trường nhưng cũng có thể dẫn đến các cuộc chiến thương mại xuyên biên giới thường xuyên hơn.
- EU nhất trí đánh thuế carbon hàng hóa nhập khẩu gây ô nhiễm môi trường
- Mỹ muốn hợp tác với châu Âu để thúc đẩy thép ‘xanh’
Trong những tháng gần đây, Mỹ và châu Âu đã đề xuất hoặc đưa ra các khoản trợ cấp, thuế quan và các chính sách khác nhằm tăng tốc quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Những người ủng hộ cho rằng, để ngăn chặn thảm họa khí hậu toàn cầu, các chính phủ phải tích cực hành động để phát triển các nguồn năng lượng sạch hơn đồng thời trừng phạt những công ty phát thải nhiều khí nhà kính nhiều nhất nhất.
Tuy nhiên, những người chỉ trích lại lo ngại khi các chính phủ trợ cấp cho các ngành công nghiệp của họ hoặc áp dụng mức thuế mới đối với các sản phẩm nhập khẩu, điều này sẽ gây bất lợi hoặc bất công đối với các nước khác và công ty nước ngoài.
Các chính sách như vậy đi chệch ra khỏi nguyên trạng thương mại kéo dài hàng thập niên. Trong đó, Mỹ và châu Âu thường hợp tác thông qua Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để cố gắng phá bỏ các rào cản thương mại và khuyến khích các nước đối xử bình đẳng hơn với các sản phẩm của nhau, từ đó thúc đẩy thương mại toàn cầu.
Giờ đây, các chính sách mới ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu đang khiến các đồng minh thân cận chống lại nhau và làm gia tăng những rạn nứt trong hệ thống quản trị thương mại toàn cầu vốn đã mong manh.
“Cuộc khủng hoảng khí hậu đòi hỏi phải chuyển đổi kinh tế ở quy mô và tốc độ chưa từng có trong lịch sử 5.000 năm của loài người. Không có gì ngạc nhiên khi một nhiệm vụ tầm cỡ này sẽ yêu cầu một bộ công cụ chính sách mới”, Todd N. Tucker, Gám đốc chính sách công nghiệp và thương mại tại Viện Roosevelt (Mỹ) nói.
Hệ thống thương mại toàn cầu hiện tại vận chuyển hàng chục triệu container chứa đầy bàn ghế, quần áo và phụ tùng ô tô từ các nhà máy nước ngoài đến Mỹ mỗi năm, thường có giá thấp đáng kinh ngạc. Trong khi đó, giá mà người tiêu dùng phải trả cho những hàng hóa này lại chưa tính đến tác hại môi trường do các nhà máy sản xuất tạo ra hoặc do khí thải từ các tàu container và máy bay chở hàng.
Các quan chức Mỹ và châu Âu cho rằng, cần phải hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn hoạt động kinh doanh các sản phẩm gây ô nhiễm hoặc thải nhiều carbon hơn. Các quan chức Mỹ tin rằng, nước này cần phải giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc, đặc biệt là đối với các vật liệu cần thiết để cung cấp năng lượng cho quá trình chuyển đổi năng lượng xanh như tấm pin mặt trời và pin xe điện.
Cả Mỹ và châu Âu đều đang áp dụng các loại thuế và thuế quan nhập khẩu nhằm khuyến khích các phương pháp sản xuất hàng hóa ít gây hại cho môi trường hơn.
Các quan chức chính quyền Biden kỳ vọng quá trình chuyển đổi khí hậu có thể tạo ra cơ hội hợp tác mới với các đồng minh. Tuy nhiên, cho đến nay, các sáng kiến dường như chủ yếu gây tranh cãi.
Nguồn gây tranh cãi lớn nhất là các khoản tín dụng thuế mới mà chính phủ Mỹ áp dụng đối với các thiết bị và xe sử dụng năng lượng sạch được sản xuất tại Bắc Mỹ. Đây là một phần của Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) mà Tổng thống Biden đã ký ban hành vào năm ngoái.
Liên minh châu Âu (EU) lo ngại các công ty của khu vực này sẽ thua thiệt khi Mỹ thu hút các khoản đầu tư mới vào pin, hydrogen xanh, thép và các ngành công nghiệp khác. Vì vậy, trong tháng này, các quan chức của EU bắt đầu phác thảo kế hoạch để trợ cấp cho các ngành năng lượng xanh, một động thái mà giới quan sát lo ngại sẽ đẩy thế giới vào một “cuộc chiến trợ cấp” tốn kém và không hiệu quả.
Mỹ và EU đang đàm phán để điều chỉnh một số nội dung của Đạo luật IRA trước khi các quy định về tín dụng thuế của Mỹ được chốt vào tháng 3 tới. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden dường như chỉ có khả năng hạn chế trong việc thay đổi một số điều khoản của đạo luật này. Các quan chức châu Âu đã gợi ý, có thể kiện Mỹ lên WTO.
Anne Krueger, cựu quan chức của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới, cho biết tác hại tiềm ẩn của các khoản trợ cấp từ Đạo luật IRA của Mỹ đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và các đồng minh ở châu Âu là rất lớn.
“Khi Mỹ phân biệt đối xử để ủng hộ các công ty trong nước và chống lại phần còn lại của thế giới, Mỹ đang làm tổn thương chính mình và đồng thời làm tổn thương người khác”, bà Krueger, hiện là học giả cao cấp tại Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp thuộc Đại học Johns Hopkins nói.
Các chính sách khí hậu khác gần đây cũng gây tranh cãi. Vào giữa tháng 12, EU đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc áp đặt mức thuế carbon mới đối sắt thép, nhôm, xi măng, phân bón và điện nhập khẩu có giá rẻ hơn từ các nước không thực hiện các hành động nghiêm ngặt để cắt giảm lượng khí thải nhà kính.
Động thái này nhằm đảm bảo sân chơi công bằng cho các công ty châu Âu vốn phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt về môi trường.Tuy nhiên, kế hoạch áp thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu gây ô nhiễm của EU đã vấp phải sự chỉ trích từ các nước, gồm Trung Quốc.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đang lên kế hoạch thành lập một nhóm liên minh quốc tế áp thuế đối với thép và nhôm từ các nước có chính sách môi trường lỏng lẻo hơn.
Vào tháng 12, Nhà Trắng đã gửi cho cho EU bản dự thảo kế hoạch này. Ý tưởng vẫn còn một chặng đường dài để trở thành hiện thực. Ngay cả khi kế hoạch này tạo ra nền tảng mới trong việc giải quyết biến đổi khí hậu thì cách tiếp cận này có thể gây phật lòng các đồng minh như Canada, Mexico, Brazil và Hàn Quốc, những nước chiếm hơn nửa lượng thép nhập khẩu của Mỹ vào năm ngoái.
Theo đề xuất ban đầu, về mặt lý thuyết, các nước này sẽ phải sản xuất thép theo quy trình sạch như Mỹ và châu Âu, nếu không các sản phẩm thép sẽ bị áp thuế nhập khẩu.
Những người ủng hộ cho rằng, chính sách phân biệt đối xử với các sản phẩm và hàng hóa nước ngoài được sản xuất với lượng khí thải carbon lớn hơn chính là điều mà các chính phủ cần để xây dựng các ngành năng lượng sạch và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu
Ilana Solomon, nhà tư vấn thương mại độc lập và các chuyêm gia khác đề xuất một “điều khoản hòa bình khí hậu”. Trong đó, các chính phủ cam kết không sử dụng WTO và các thỏa thuận thương mại khác để phản đối các chính chính khí hậu của nước khác
“Tính chính danh hoàn toàn của hệ thống thương mại toàn cầu chưa bao giờ bị nghi ngờ nhiều hơn lúc này”, bà nói.
Theo NY Times