Thứ tư, 27/11/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Biến đổi khí hậu thách thức các doanh nghiệp châu Á

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Biến đổi khí hậu thách thức các doanh nghiệp châu Á

Chánh Tài

(TBKTSG Online) - Biến đổi khí hậu đang gây ra hàng loạt biến cố thời tiết cực đoan ở châu Á trong năm nay, chủ yếu là những trận mưa lũ bất thường. Điều đáng lo ngại là nhiều doanh nghiệp trong khu vực chưa sẵn sàng ứng phó với các hậu quả từ hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Câu chuyện quản lý nước: Thích ứng với biến đổi khí hậu

DN quan tâm mạng lưới thích ứng với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu thách thức các doanh nghiệp châu Á
Nhà cửa bị ngập lụt ở TP Kurashiki, tỉnh Okayama, Tây Nam Nhật Bản hồi tháng 7-2018. Ảnh: AP

Lũ lụt gia tăng

Tờ Nikkei Asian Review cho biết trong khi nhiều chính phủ đang tiến hành các biện pháp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thủ phạm chính của biến đổi khí hậu, hội nghị lần thứ 24 của các bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP24) gần đây ở Ba Lan dường như nhất trí rằng không thể ngăn lại hiện tượng nóng lên toàn cầu. Trong những thập kỷ tới, các cơn lụt ở khu vực châu Á có thể càng nghiêm trọng hơn.

Năm 2018 chứng kiến các trận lũ lụt nghiêm trọng gia tăng khắp châu Á. Hồi tháng 8-2018, bang Kerala (Ấn Độ) trải qua trận lụt tồi tệ nhất trong một thế kỷ, khiến hơn 1.200 người thiệt mạng và làm thay đổi chỗ ở của 1,3 triệu người. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, thảm họa thiên nhiên khiến Ấn Độ thiệt hại 80 tỉ đô la trong giai đoạn 1998-2017.

Một tháng trước đó, nhiều khu vực của Nhật Bản hứng chịu trận lũ có mức độ tàn phá lớn nhất kể từ năm 1982, khiến hơn 230 người thiệt mạng. Nhiều doanh nghiệp như Mazda, Toyota, Mitsubishi Heavy Industries và Panasonic buộc phải đóng cửa các nhà máy.

Vào giữa năm nay, những trận mưa lớn bất thường cũng gây vỡ đập ở Myanmar và Lào. Hồi giữa tháng 9, siêu bão Mangkhut ập vào miền Bắc Philippines khiến 130 người chết và gây thiệt hại khoảng 600 triệu đô la. Tình trạng ngập lụt thường xuyên xảy ra ở thủ đô Manila khiến chính phủ Philippines phải tìm kiếm các nhà đầu tư để xây dựng một thành phố mới cách Manila 80km vì nơi này được bao bọc bởi các dãy núi và có địa thế cao hơn.

Trong một báo cáo vào năm 2017, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lưu ý rằng 6 trong số 10 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu nằm ở châu Á gồm Bangladesh, Myanmar, Pakistan, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. ADB ước tính gần 49% dân số Bangladesh và 55% dân số Việt Nam dễ bị tổn thương trước mối đe dọa từ thiên nhiên.

Doanh nghiệp chưa chủ động ứng phó

Không có nơi nào trên thế giới dễ tổn thương hơn châu Á trước mối đe dọa lũ lụt do biến đổi khí hậu. Lisa Guppy, điều phối viên về thảm họa, xung đột và các vấn đề nhân đạo phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) nói: “Nam Á và Đông Nam Á được dự báo là những khu vực sẽ bị tác động nặng nề nhất do mực nước biển dâng lên”.

Bà Guppy cho biết nhiều doanh nghiệp ở hai khu vực này không chỉ không bảo vệ được tài sản của họ mà còn làm trầm trọng thêm do các vấn đề xả khí thải gây hiệu ứng không kiểm soát, khai thác quá mức nguồn nước ngầm và các tài nguyên khác...

Viễn cảnh trên buộc các doanh nghiệp ở châu Á phải tìm cách tự bảo vệ trước các mối đe dọa môi trường. Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trong khu vực đã phải lĩnh hậu quả nặng nề do không hành động ứng phó. Thảm họa lũ lụt lớn nhất trong 5 thập kỷ qua ở Thái Lan vào năm 2011 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu và làm tê liệt chuỗi cung ứng sản xuất từ linh kiện ô tô và cho đến thiết bị bán dẫn ở nước này. Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính thiệt hại do lũ lụt gây ra tại Thái Lan vào năm đó lên đến 46 tỉ đô la.

Lũ lụt khiến ba nhà máy của hãng xe Toyota ở Thái Lan phải ngừng hoạt động, trong khi đó, hãng xe Honda dừng toàn bộ hoạt động sản xuất tại nước này, phế bỏ 1.000 ô tô bị ngập nước nhưng không kịp di dời, đồng thời phải dừng sản xuất tại một nhà máy ở Malaysia. Sau thảm họa lũ lụt năm 2011, Honda đã tìm sự tư vấn ở hãng kiểm toán PwC và soạn thảo một kế hoạch bảo đảm hoạt động kinh doanh liên tục trong đó có tính đến biến đổi khí hậu. Song những ví dụ như Honda không nhiều.

Theo kết quả khảo sát do Phòng Thương mại và công nghiệp Tokyo thực hiện vào hồi đầu năm nay, chỉ có 27% trong số 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản được khảo sát cho biết họ có xây dựng kế hoạch liên tục kinh doanh trong trường hợp xảy ra các thiên tai. Gần 80% các doanh nghiệp được khảo sát không có các biện pháp ứng phó cho lũ lụt.

Trong lúc một số doanh nghiệp lớn ở châu Á xây dựng các kế hoạch kinh doanh trong các trường hợp khẩn cấp, nhiều doanh nghiệp khác dường như chỉ biết chờ đợi các chính phủ hành động. Khoảng 90% doanh nghiệp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nơi có nguy cơ bị ngập lụt cao, không có bất kỳ sự chuẩn bị nào để giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu, theo kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vào năm 2015. Các công ty vận hành ba khu công nghiệp ở miền Nam Việt Nam xác nhận với Nikkei Asian Review rằng họ không chủ động chuẩn bị ứng phó các hậu quả của biến đổi khí hậu.

Bà Lisa Guppy lưu ý rằng tình trạng ngập lụt trong khu vực ngày càng phổ biến nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu. Bà nói: “Hầu như mọi đợt triều dâng do bão hay một biến cố gây ngập nước bất ngờ sẽ khiến hệ thống thoát nước quá tải nhưng chúng tôi thực sự không biết người dân phải ứng phó ra sao”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới