Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Biến đổi khí hậu – thời tiết cực đoan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Biến đổi khí hậu – thời tiết cực đoan

Nguyễn Vũ

(KTSG0 – Đại dịch Covid-19 có thể làm chúng ta bớt chú tâm đến các hiện tượng thời tiết cực đoan đang gây ra những thảm họa thiên nhiên ở nhiều vùng trên thế giới. Nhưng nhiều nhà khoa học cho rằng chúng là hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu và tình hình sẽ ngày càng trở nên khắc nghiệt hơn.

Chỉ trong vòng vài tuần, thế giới chứng kiến các hiện tượng thời tiết bất thường liên tục diễn ra. Đức, Bỉ và Hà Lan gánh chịu các trận lũ kỷ lục làm ít nhất 180 người chết. Lũ lụt ở Trung Quốc diễn ra càng kinh khủng hơn. Chỉ tính riêng ngày 20-7, lũ lụt đã làm 25 người ở tỉnh Hà Nam thiệt mạng. Nhiều nơi chứng kiến các trận mưa lớn chưa từng thấy cả ngàn năm trước đây.

Biến đổi khí hậu - thời tiết cực đoan
Đội cứu hộ cẩu xe cộ bị lũ cuốn trên đường B265 tại Đức trong trận lũ lụt gần đây. Ảnh: EPA

Trước đó, nước Mỹ và Canada gánh chịu các đợt nắng nóng kinh hoàng khi nhiệt độ tăng lên đến 47 độ C. Nắng nóng gây cháy rừng khắp nơi – chỉ tính riêng đám cháy ở Nam Oregon lan rộng đến gần 395.000 mẫu Anh, tức lớn hơn cả thành phố Los Angeles. Có tất cả 78 đám cháy lớn bùng phát khắp 13 tiểu bang nước Mỹ.

Đứng trước một hiện tượng thời tiết bất thường, như khi thấy nhiệt độ ở thành phố Portland đầu hè, bình thường chỉ vào khoảng 21 độ C nay bỗng vọt lên 46,6 độ C, ai nấy đều tự hỏi có phải đó là do hiện tượng biến đổi khí hậu? Nhiều nhóm các nhà khoa học đã rà soát các mô hình tính toán rồi đi đến kết luận rõ ràng biến đổi khí hậu đóng một vai trò quan trọng đằng sau các hiện tượng bất thường này.

Ở châu Âu, biến đổi khí hậu đã làm gia tăng các trận bão di chuyển chậm, quy mô lớn cứ quanh quẩn ở một khu vực và trút nước xuống như từng thấy ở Đức và Bỉ. Khi bầu khí quyển ấm lên do biến đổi khí hậu, nó sẽ giữ nhiều hơi ẩm hơn nên lượng mưa sẽ nhiều hơn. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Geophysical Research Letters cho rằng đến cuối thế kỷ các trận bão như thế sẽ xuất hiện nhiều hơn gấp 14 lần.

Các nhà nghiên cứu tại Tổ chức Khí tượng Thế giới thuộc Liên hiệp quốc cho rằng, các đợt nắng nóng ở Mỹ và Canada không thể nào xuất hiện nếu không có hiện tượng biến đổi khí hậu do con người gây ra. Họ tính toán mức tăng nhiệt độ do hiệu ứng phát thải khí nhà kính đã làm các đợt nắng nóng dễ xuất hiện hơn đến 150 lần.

Thiệt hại về nhân mạng và tài sản sau các trận lụt kỷ lục vừa rồi cho thấy cơ sở hạ tầng của các khu dân cư đông đúc đã không lường trước các thiên tai ở mức độ như thế. Eduardo Araral, đồng giám đốc Viện Chính sách nước tại Đại học Chính sách Công Lý Quang Diệu của Singapore cho rằng, các chính phủ phải thấy nền tảng hạ tầng họ xây dựng trong quá khứ hay thậm chí gần đây cũng rất dễ tổn thương trước các sự kiện thời tiết cực đoan này.

Hình ảnh người dân Trịnh Châu, Trung Quốc tìm cách thoát đường tàu điện ngầm khi nước dâng lên chảy ào ạt trong hầm, người dân Đức bất lực sợ hãi nhìn bùn tràn qua thành phố… buộc chính phủ các nước phải tính toán các biện pháp gần trong tương lai.

Đã nhiều năm nay các nhà khoa học từng cảnh báo nhiệt độ gia tăng sẽ tạo điều kiện khô hạn làm cháy rừng sẽ diễn ra thường xuyên hơn; đồng thời, ở nơi khác sẽ giảm độ ẩm trong bầu khí quyển, dẫn đến mưa lớn hơn khi có bão. Trận mưa ở London vào ngày 12-7 vừa qua khi lượng mưa một ngày bằng cả lượng mưa một tháng rơi xuống thủ đô nước Anh, gây lũ quét làm tê liệt nhiều đường phố và hệ thống xe điện ngầm phải tạm thời đóng cửa một phần. Các trận lụt như thế cũng diễn ra ở New Zealand, Nigeria, Iran. Thậm chí vùng Siberia của Nga mà lại xảy ra gần 200 đám cháy rừng làm cả khu vực rộng lớn chìm ngập trong khói bụi, lan xa đến tận Alaska.

Giáo sư John P. Holdren, trường Kennedy School of Government thuộc Đại học Harvard nhận định: “Tất cả những điều này đã được khoa học khí hậu tiên đoán cách đây nhiều thập kỷ. Mọi điều chúng ta lo sợ thì nay đang diễn ra; chúng lại diễn ra ở kịch bản xấu nhất”.

Hiện nay các nhà hoạt động vì môi trường chỉ còn biết thuyết phục các nước giảm phát thải khí nhà kính đủ để ngăn nhiệt độ toàn cầu tăng hơn 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp. Không làm được điều này chắc chắn thế giới sẽ chìm đắm trong nạn đói kém và lũ lụt ở các vùng ven biển. Thế nhưng dường như thiên nhiên không còn kiên nhẫn để chờ con người – thiên nhiên đã hành động trước và ngày càng khốc liệt hơn. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới