Thứ sáu, 20/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Biến động địa chính trị khiến nhà đầu tư nước ngoài thận trọng với tài sản Trung Quốc

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Nhiều quỹ đầu tư lớn của nước ngoài đang tránh xa các tài sản của Trung Quốc, chấp nhận bỏ lỡ đà phục hồi của thị trường chứng khoán của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau khi Bắc Kinh chấm dứt chiến lược ‘zero Covid’ hồi cuối năm ngoái. Đó là ví dụ mới nhất cho thấy những lo ngại chiến lược của họ liên quan đến địa chính trị như cuộc xung đột Nga-Ukraine, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc lấn át mong muốn kiếm lợi nhuận hấp dẫn.

Các quỹ đầu tư dài hạn của nước ngoài vẫn chưa vội rót tiền vào thị trường chứng khoán Trung Quốc. Ảnh: WSJ

Dòng tiền nước ngoài do dự

Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã tăng 50% trong ba tháng tính đến cuối tháng 1 nhưng lượng tiền đổ vào của nhà đầu tư nước ngoài đã giảm bớt. Phân tích của các công ty môi giới cho thấy phần lớn đà phục hồi của chỉ số này chủ yếu nhờ dòng tiền từ các quỹ phòng hộ theo đuổi chiên lược tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng.

Đối với các quỹ đầu tư dài hạn, cuộc xung đột Nga-Ukraine và và việc Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố quyền lực ở Trung Quốc đã khiến họ phải dừng lại để cân nhắc trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung đang nóng lên.

Một số nhà quản lý quỹ lo ngại rủi cơ xung đột ở eo biển Đài Loan sẽ tăng lên. Các nhà quản lý quỹ khác lưu ý rằng chiến tranh ở Ukraine đang làm phân mảnh nền kinh tế toàn cầu bằng cách củng cố các liên minh ngoại giao và thương mại riêng rẽ. Trung Quốc và phương Tây ngày càng trở thành hai phe đối nghịch nhau, khiến các quỹ đầu tư nước ngoài phải cân nhắc các rủi ro mới nếu gửi tiền vào tài sản ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Các nhà đầu tư Mỹ phải xem xét liệu họ có đang tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế của một chính phủ đối địch hay không”, Kevin Philip, đối tác tại Bel Air Investment Advisors (Mỹ), quỹ đầu tư đang quản lý 9,5 tỉ đô la tài sản của hơn 350 gia đình, cá nhân và các tổ chức có giá trị tài sản ròng cao, nói.

Cơn hưng phấn của nhà đầu tư nước ngoài với các tài sản Trung Quốc đang hạ nhiệt khi khả năng tìm kiếm lợi nhuận trở nên khó khăn hơn.

Dữ liệu hàng tháng cho thấy dòng tiền đầu tư chảy vào các quỹ đầu tư tập trung vào thị trường Trung Quốc đạt mức cao nhất trong 8 tháng là 15,4 tỉ đô la hồi tháng 12 năm ngoái, nhưng đã giảm xuống còn 4,3 tỉ đô la vào tháng 1. Dòng tiền chảy thông qua chương trình kêt nối chứng khoán Hồng Kông cho phép nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận các công ty niêm yết ở Trung Quốc đại lục cũng chững  lại trong tháng này, chỉ còn khoảng 20 tỉ nhân dân tệ (3 tỉ đô la Mỹ), giảm từ 64 tỉ nhân dân tệ trong tháng 1.

Trong báo cáo rút ra vào những cuộc họp với giới đầu tư ở Mỹ và Trung Quốc, các nhà phân tích của Goldman Sachs cho biết: “Các nhà quản lý vốn dài hạn có phần do dự trong việc triển khai vốn mới đối với tài sản của Trung Quốc”

Sự thận trọng đã khiến các quỹ đầu tư dài hạn của nước ngoài bỏ lỡi lợi nhuận tiềm năng lớn. Trong giai đoán từ cuối tháng 10-2022 đến cuối tháng 1-2023,  chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 15%.

Chờ đợi thời điểm tốt hơn

Will Malcolm, nhà quản lý danh mục đầu tư tại quỹ Aviva Investors, có trụ sở tại Singapore, cho biết nhiều nhà quan sát đang tự hỏi liệu sự thận trọng này có phải xuất phát một phần từ việc họ đang hạ thấp triển vọng trong dài hạn với tài sản Trung Quốc hay không.

Aviva Investors đã phân bổ tỷ trọng cao vào chứng khoán Trung Quốc và được hưởng lợi từ ba tháng tăng giá. Nhưng giờ đây, Malcolm cho biết ông giảm các vị thế nắm giữ tài sản của Trung Quốc với lý do cần phải tỉnh táo hơn khi tiếp xúc với các thị trường ở đây.

Man Numeric (Mỹ), công ty quản lý tài sản cho các quỹ đầu tư quốc gia, quỹ hưu trí, quỹ hiến tặng tài, phát hiện thấy một số nhà đầu tư tổ chức đang cân nhắc lại việc phân bổ tài sản ở Trung Quốc.

Greg Bond, Giám đốc điều hành Man Numeric, cho biết có một số khách hàng đang phân chia thị trường mới nổi ra hai nhóm, gồm nhóm có Trung Quốc và nhóm không có nước này.

Điều đó không có nghĩa là họ các quỹ đầu tư dài hạn không quan tâm đến thị trường Trung Quốc, mà chỉ là họ đang chờ thời điểm thích hợp để rót tiền.

Hesai Group, nhà sản xuất cảm biến của Trung Quốc đã huy động được 190 triệu đô la từ đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Mỹ trong tháng này.

Alice Shen, đối tác cấp cao của Công ty quản lý quỹ VanEck, có trụ sở tại Sydney (Úc) , lưu ý các căng thẳng địa chính trị liên quan đến Trung Quốc là  mối lo ngại lớn  nhưng khó có thể bỏ qua sức ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc

Kiyong Seong, nhà chiến lược vĩ mô châu Á tại chi nhánh ngân hàng Societe Generale ở Hồng Kông, kỳ vọng xu hướng sẽ thay đổi khi dữ liệu kinh tế của Trung Quốc cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong chi tiêu và nhu cầu.

Triển vọng đó có thể thu những dòng tiền nóng, nhưng các nhà đầu tư lớn sẽ chờ đến lúc có một sự thay đổi tâm lý lớn trên thị trường.

“Trung Quốc sẽ cố gắng lôi kéo các nhà đầu tư nước ngoài trở lại, nhưng tôi nghĩ các họ đang do dự. Nếu mọi người không thận trọng với một số biến cố xuất hiện gần đây trên mặt trận địa chính trị, bạn sẽ thấy nhiều dòng vốn đổ vào Trung Quốc hơn”, giám đốc đầu tư giấu tên của một quỹ hưu trí doanh nghiệp ở Mỹ, nói .

Theo Reuters

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới