Thứ hai, 23/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Biến động địa chính trị tiếp tục ‘ám ảnh’ doanh nghiệp toàn cầu trong năm 2023

Chánh Tài

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Các chuyên gia về rủi ro dự đoán giới doanh nghiệp có thể đối mặt với một năm hỗn loạn nữa khi Mỹ và các cường quốc kèn cựa để củng cố và tranh giành vị thế của họ trên toàn cầu trong một kỷ nguyên mới của những thay đổi địa chính trị.

  • Ba biến số của nền kinh tế toàn cầu năm 2023
  • Kinh tế thế giới năm 2023: Khó khăn cũ cộng thêm thách thức mới
    Các chuyên gia về rủi ro cảnh báo các biến động địa chính trị trên toàn cầu sẽ tiếp tục tác động đến giới doanh nghiệp trong năm 2023. Ảnh: Treasury&Risk

    Năm 2022 chứng kiến cuộc xung đột vũ trang lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, dẫn đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp nước ngoài ở Nga bị rối loạn và gián đoạn. Ngoài ra, những biểu hiện căng thẳng công khai giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nước đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế toàn cầu, cũng gia tăng trong năm 2022. Sau nhiều thập niên phát triển nhờ thương mại tự do toàn cầu, nhiều doanh nghiệp giờ đây đối mặt với những phức tạp ngày càng tăng trong các mối quan hệ giữa các nước lớn, chẳng hạn như sự gia tăng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu.

    Tiến sĩ Lindsay Newman, trưởng bộ phận lãnh đạo tư tưởng địa chính trị của S&P Global Market Intelligence, cho biết các chính phủ đang ngày càng có xu hướng sử dụng các ưu thế tài chính để thúc đẩy các mục tiêu an ninh quốc gia. Xu hướng đó gây ra những tác động rõ ràng đối với các doanh nghiệp.

    Newman nói: “Khi địa chính trị xuất hiện cuộc trò chuyện trong bữa tiệc tối hoặc bữa tiệc cocktail, thì khách hàng sẽ đến gặp chúng tôi và đề nghị tư vấn quản lý rủi ro địa chính trị. Kỷ nguyên hậu Chiến tranh lạnh rõ ràng đã qua và có những cường quốc đang tìm cách định hình tương lai”.

    Theo bà, thế giới sẽ chứng kiến nhiều biến động địa chính trị hơn ở phía trước chứ không phải ít hơn.

    Đối đầu địa kinh tế nằm trong số 3 rủi ro hàng đầu trong hai năm tới, theo kết quả một cuộc khảo sát với hơn 1.200 chuyên gia về rủi ro, các nhà hoạch định chính sách và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, công bố hôm 11-1. Cuộc khảo sát do Diễn đàn Kinh tế thế giới, Công ty tư vấn rủi ro Marsh & McLennan Cos. và Tập đoàn bảo hiểm Zurich Insurance phối hợp thực hiện. Theo cuộc khảo sát, hai rủi ro ngắn hạn lớn hơn là cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, thiên tai và thời tiết khắc nghiệt.

    Một cuộc khảo sát khác với hơn 1.300 lãnh đạo doanh nghiệp, do Công ty tư vấn Protiviti thực hiện, cũng cho thấy mối lo ngại của các chuyên gia về những thay đổi địa chính trị, thương mại toàn cầu và khả năng tái định hình toàn cầu hóa tăng mạnh vào năm ngoái. Những rủi ro địa chính trị không nhất thiết phải là mối lo ngại hàng đầu đối với những người trả lời cuộc khảo sát. Các thách thức về nhân tài, điều kiện kinh tế và chi phí lao động là ba mối quan tâm hàng đầu của họ. Nhưng cuộc khảo sát này cho thấy mối lo ngại về địa chính trị tăng vọt so với những năm trước đó.

    Brendan Hanifin, đối tác của hãng luật Ropes & Grey, cho biết các biện pháp mà Mỹ áp đặt để trừng phạt Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine trong 2022 chẳng khác nào một lệnh cấm vận toàn diện dưới tên gọi khác.

    Năm ngoái, việc chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh McDonald's Corp. rời khỏi Nga sau hơn ba thập niên đã minh họa một số khó khăn mà những dự án kinh doanh mang tínhtoàn cầu hóa phải đối mặt. Theo dữ liệu từ Trường Quản lý Yale (Mỹ), hơn 1.000 doanh nghiệp nước ngoài đã rời khỏi Nga hoặc cắt giảm hoạt động kinh doanh ở nước này kể từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra.

    Đến tháng 6-2022, các doanh nghiệp nước ngoài chịu tổn thất hơn 59 tỉ đô la từ các hoạt động kinh doanh tại Nga.

    Trong khi đó, Trung Quốc và Mỹ đã đối đầu gay gắt trong một số trường hợp. Ví dụ, Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng cho rằng Bắc Kinh vi phạm nhân quyền đối với nhóm thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Hồi tháng 8, Trung Quốc cũng mở một cuộc tập trận quân sự lớn xung quanh Đài Loan để đáp lại chuyến thăm hòn đảo này của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

    Trong bối cảnh căng thẳng, các quy định kiểm soát thương mại của Mỹ khiến việc kinh doanh với Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Năm ngoái, Mỹ đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu nhằm kìm hãm sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. Đạo luật Ngăn chặn cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ, có hiệu lực vào tháng 6-2022, chặn hầu hết hàng nhập khẩu vào Mỹ  từ khu vực Tân Cương của Trung Quốc, bao gồm bông (cotton) và các linh kiện tấm pin mặt trời.

    Brendan Hanifin cho biết giới doanh nghiệp ngày càng đau đầu để tìm cách ứng phó lý mối quan hệ phức tạp của Mỹ với Trung Quốc.

    Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 đã cảnh báo nhiều doanh nghiệp về nguy cơ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Stephenie Gosnell Handler, đối tác của hãng luật Gibson Dunn & Crutcher, cho biết ngay cả khi sự gián đoạn liên quan đến đại dịch giảm bớt, những rủi ro và sự không chắc chắn về việc tuân thủ pháp lý đã khiến một số doanh nghiệp cân nhắc lại cách họ gia công sản xuất ở Trung Quốc.

    Một số nhà quan sát lo ngại hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc  thể bị cản trở nếu Nhà Trắng đưa ra các đề xuất xem xét lại các khoản đầu tư ra nước ngoài vì những lo ngại về an ninh quốc gia. Chính quyền Tổng thống Joe Biden gần đây cũng chỉ đạo Ủy ban đầu tư nước ngoài tại Mỹ (Cfius) tăng cường giám sát các thương vụ đầu tư có thể giúp Trung Quốc hoặc các đối thủ khác tiếp cận các công nghệ quan trọng hoặc đe dọa chuỗi cung ứng.

    Tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết Mỹ không tìm cách tách rời kinh tế khỏi Trung Quốc. Giáo sư Sridhar Tayur, chuyên gia quản lý chuỗi cung ứng đang giảng dạy tại Trường Kinh doanh của Đại học Carnegie Mellon, cho biết dù một số công ty đang chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc để đến những nơi như Việt Nam và Ấn Độ, nhưng các doanh nghiệp Mỹ vẫn bị ràng buộc rất nhiều ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

    Theo giáo sư Tayur, ngoài hàng hóa thành phẩm, nhiều nguyên liệu thô và linh kiện cuối cùng có nguồn gốc từ Trung Quốc, vì vậy, bất kỳ nỗ lực nào của các doanh nghiệp nước ngoài nhằm chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi đất nước sẽ mất nhiều năm.

    Tiến sĩ Newman của S&P Global Market Intelligence cho rằng bất chấp những căng thẳng hiện tại, hợp tác quốc tế về lâu dài có thể chiếm ưu thế khi các nước cố gắng đối phó với những thách thức chung như biến đổi khí hậu và chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch.

    Theo WSJ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới