Thứ hai, 30/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

Biến động nhân sự cấp cao trong cuộc ‘đại phẫu’ của doanh nghiệp bất động sản

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) - Sau làn sóng cắt giảm nhân viên từ năm ngoái, đến nay việc các lãnh đạo chủ chốt liên tiếp rời đi cũng cho thấy mức độ tái cơ cấu quy mô lẫn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngày một mạnh hơn.

Áp lực trên ghế ‘nóng’ ngày một tăng

Cuộc đào thải khốc liệt trên thị trường bất động sản không chỉ dừng lại ở việc con số 88.000 doanh nghiệp đóng cửa từ đầu năm hay làn sóng cắt giảm hơn 50% nhân sự ở nhiều doanh nghiệp. Sức nóng về tái cơ cấu tổ chức hay hoạt động kinh doanh còn gây sức ép lớn lên nhiều lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp. Chưa năm nào làn sóng từ nhiệm của lãnh đạo cấp cao trong Hội đồng quản trị (HĐQT) của doanh nghiệp lại lên cao như vậy.

Biến động tại Nova Group là một ví dụ điển hình cho việc sức ép trên ghế nóng ngày một tăng. Mới năm ngoái thôi doanh nghiệp này công bố mô hình doanh nghiệp mới khi hệ sinh thái kinh doanh của doanh nghiệp mở rộng sang nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên mô hình ít nhiều bị xáo trộn khi doanh nghiệp này “sa lầy” trong cuộc khủng hoảng trái phiếu. Do vậy những biến động lãnh đạo chủ chốt tại các doanh nghiệp trong hệ sinh thái kinh doanh ngày một nhiều với tốc độ không ai ngờ tới.

cao ốc TPHCM. Ảnh: Minh Hoàng
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang có mức độ tái cơ cấu lớn về quy mô lẫn hoạt đọng kinh doanh. Ảnh minh họa: Minh Hoàng

Gần đây nhất, vào cuối tháng 5 vừa qua, 2 lãnh đạo cấp cao trong HĐQT Tập đoàn Novaland vừa đệ đơn từ nhiệm. Cụ thể, ông Nguyễn Trần Đăng Phước, thành viên HĐQT, xin được từ nhiệm kể từ ngày 22-6 với lý do cá nhân và ông Nguyễn Đức Dũng, Giám đốc Tài chính cũng xin thôi giữ chức vụ từ ngày 23-5 với lý do tương tự.

Trong đợt biến động nhân sự trước đó, tập đoàn này cũng chứng kiến sự rời đi của nhiều lãnh đạo nhận trách nhiệm dẫn dắt các “đầu tàu” kinh doanh trong hệ sinh thái kinh doanh mới được thiết lập năm 2022. Trong đó, đáng chú ý là ông Bùi Xuân Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Novaland từ nhiệm và bà Hoàng Thu Châu, thành viên HĐQT thôi kiêm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc.

Trước khi từ nhiệm, hai cựu lãnh đạo này đều bán cổ phiếu NVL của Novaland với số lượng lớn. Như vậy, sau một năm thay đổi mô hình quản trị, doanh nghiệp lại bắt đầu một cuộc tái cấu trúc mới thông qua sự thay đổi nhân sự cấp cao. Nhiều thông tin công bố mới đây cho thấy, rất có thể việc “thay máu” nhân sự cấp cao của doanh nghiệp này sẽ tiếp tục diễn ra trước thềm ĐHCĐ sắp tới.

Hay như tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, sau "cuộc chiến vương quyền" nổ ra từ đầu năm, việc biến động lãnh đạo chủ chốt đến như một việc tất yếu. Ngoại trừ nhà sáng lập Lê Viết Hải cùng người con của ông duy trì vị trí thì HĐQT của tập đoàn này đều có sự thay đổi với sự rời đi của nhóm đối đầu trực tiếp trước đó như ông Nguyễn Công Phú, Lê Quốc Duy và Albert Antoine.

Những người còn lại trong HĐQT được xem như là những người chiến thắng trong cuộc tranh chấp thượng tầng của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trở lại thực tế, "bên thắng cuộc" lại đối diện với muôn vàn khó khăn khi cổ phiếu HBC bị chuyển từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch hồi cuối tháng 5 vừa qua. Bên cạnh đó, các chỉ số tài chính lẫn bối cảnh thị trường đang đẩy doanh nghiệp này rơi vào khủng hoảng với những rắc rối về nợ và dòng tiền.

Tại tập đoàn FLC, cuộc “thay máu” nhân sự cấp cao cũng bắt đầu tiến hành sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi cựu Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Quyết dính lao lý. Theo đó, HĐQT Tập đoàn FLC đã chấp thuận đề nghị thôi giữ chức vụ Phó chủ tịch HĐQT và phụ trách quản trị công ty của ông Doãn Hữu Đoàn kể từ ngày 16-5, đồng thời bổ nhiệm bà Trần Thị Hương làm người phụ trách quản trị công ty, thay thế ông Đoàn.

Sau khi ông Đoàn từ nhiệm, HĐQT FLC còn 4 thành viên, bao gồm ông Lê Bá Nguyên - Chủ tịch, bà Vũ Đặng Hải Yến - Phó chủ tịch thường trực và hai thành viên là ông Lê Thái Sâm, bà Trần Thị Hương.

Đây là thay đổi nhân sự cấp cao mới sau khi HĐQT Tập đoàn FLC thông qua hợp đồng nguyên tắc về việc chuyển nhượng 401,5 triệu cổ phần Bamboo Airways thuộc sở hữu của Tập đoàn FLC cho ông Lê Thái Sâm (thành viên HĐQT FLC vào ngày 8-5). Điều này đồng nghĩa với việc Tập đoàn FLC đang thoái vốn hoàn toàn khỏi Bamboo Airways, đưa hai đơn vị này trở thành hai pháp nhân hoạt động độc lập.

Không chỉ các doanh nghiệp trên, làn sóng thay đổi nhân sự cấp cao cũng diễn ra ở nhiều doanh nghiệp trong ngành bất động sản. Ghi nhận của KTSG Online cho thấy, kể từ đầu năm đến nay, đã có gần 20 doanh nghiệp công bố việc thay đổi nhân sự, chủ yếu là từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐQT, ở cả các doanh nghiệp vốn hóa lớn lẫn vừa. Trong bối cảnh hiện tại của thị trường, việc tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua mua bán chuyển nhượng, tinh gọn mô hình kinh doanh khiến cho việc biến động nhân sự cấp cao ngày một lớn.

Doanh nghiệp cần động lực tăng trưởng mới

Trong báo cáo mới đây, Bộ Xây dựng cho biết, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đang gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý, như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn.

Biến động nhân sự cấp cao cho thấy việc tái cấu trúc mô hình kinh doanh, mô hình quản trị của doanh nghiệp ngày một triệt để hơn. Thị trường càng khó thì tốc độ tái cơ cấu càng nhanh hơn khiến cho việc thay đổi nhân sự cấp cao với tần suất nhiều hơn và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ông Nguyễn Mạc Hoài Nam, Tổng giám đốc Công ty tư vấn Nam Phát, cho rằng hiện tượng đổ vỡ cấu trúc doanh nghiệp và thay đổi nhân sự hàng loạt trong ngành địa ốc diễn ra căng thẳng hơn cuộc khủng hoảng gần nhất (giai đoạn 2011-2013). Bởi so với 10 năm trước thì quy mô thị trường hiện nay phát triển vượt bậc. Việc tái cấu trúc cả mô hình, quy mô tăng trưởng lẫn nhân sự là điều bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn vượt qua khủng hoảng.

Các doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị, đặc biệt là quản trị rủi ro để thích ứng tốt hơn với biến động của môi trường đầu tư kinh doanh. Ảnh minh họa: Lê Vũ

Tuy vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc thay đổi nhân sự cấp cao chưa hẳn là vấn đề tiêu cực. Có thể các nhân sự lãnh đạo mới sẽ có cái nhìn khách quan hơn, cải thiện tâm lý tốt hơn cho tiến trình tái cấu trúc của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thêm động lực mới, năng lượng tích cực để bắt tay vào việc cải tổ mô hình doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh tốt hơn.

Điều này cũng thể hiện rõ khi Tập đoàn Novaland công bố tài liệu phục vụ đại hội cổ đông sắp tới với nhiều thông tin cho thấy mức độ cơ cấu hoạt động lớn thậm chí gây “sốc” cho nhiều người. Cụ thể, HĐQT trình cổ đông kế hoạch doanh thu thuần 9.531 tỉ đồng, giảm 14,5% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu đạt 214 tỉ đồng, giảm hơn 90%.

Nếu kế hoạch lợi nhuận này được hoàn thành, đây là mức thấp nhất trong 8 năm qua, kể từ khi doanh nghiệp niêm yết. Tuy nhiên, điểm tích cực là doanh nghiệp hướng đến việc triển khai hoàn thiện một loạt dự án bị đóng băng trong cơn khủng hoảng trái phiếu và pháp lý trong năm qua.

Đáng chú ý, doanh nghiệp cũng trình cổ đông để hủy bỏ hai phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn và trả cổ tức công bố trước đó. Đồng thời, bầu thêm thành viên HĐQT thay cho ông Nguyễn Trần Đăng Phước có đơn từ nhiệm mới đây.

Tương tự, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình sau khi chia tay môt loạt nhân sự trong HĐQT thì những người còn lại cũng bước vào cuộc “đại phẫu” nhằm đưa doanh nghiệp thoát khỏi khủng hoảng. Theo ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT, chủ trương của doanh nghiệp bán hết các dự án đã đầu tư để có tiền xoay xở. Những máy móc, thiết bị, giàn giáo lớn thì doanh nghiệp trừ nợ bằng cách chuyển giao cho các nhà thầu phụ mà không kèo nài giá cả. Đây là phương án khả dĩ nhất mà HĐQT có thể lựa chọn để đưa doanh nghiệp tái cấu trúc thành công.

Tuy vậy, không phải doanh nghiệp nào cũng may mắn có tài sản hoặc đủ tiềm lực tài chính để xử lý. Đã xuất hiện nhiều lãnh đạo doanh nghiệp còn phải chấp nhận giải thể doanh nghiệp hoặc tạm dừng hoạt động. Vì vậy tình hình kinh tế trong và ngoài nước hiện nay là phép thử để các doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị, đặc biệt là quản trị rủi ro để thích ứng tốt hơn với biến động của môi trường đầu tư kinh doanh. Thay đổi nhân sự cấp cao vừa là thách thức vừa là cơ hội để doanh nghiệp tìm kiếm động lực tăng trưởng mới hoặc xử lý tốt khủng hoảng nội tại.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới