Thứ hai, 2/12/2024
27 C
Ho Chi Minh City

‘Biến động’: từ khóa tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2025

Dũng Nguyễn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Lo ngại về tăng trưởng kinh tế GDP được nhiều chuyên gia gói gọn trong từ khóa “biến động” theo “Trump 2.0”, trong đó được nhắc đến nhiều nhất là thương mại. Từ đó, các chuyên gia cho rằng cần chủ động kích hoạt các động lực tăng trưởng trong nước, thay vì phụ thuộc xuất khẩu.

Xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính trong năm 2024. Ảnh minh họa.

Lo ngại về bức tranh thương mại

Sau khi chiến thắng của ông Donald Trump, câu hỏi tiếp theo sẽ là diễn biến thương mại quốc tế sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Việt Nam, vốn là động lực tăng trưởng quan trọng không chỉ riêng trong năm 2024.

Tại Hội nghị Doanh nghiệp niêm yết mới đây, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty quản lý quỹ Dragon Capital, chia sẻ dự báo trong bối cảnh “Trump 2.0”, trong đó nhấn mạnh đến hai kịch bản về mức độ ảnh hưởng. Trong trường hợp ảnh hưởng ở mức vừa thì tăng trưởng GDP của Việt Nam là 6,8% trong năm 2025, nếu ảnh hưởng tiêu cực hơn thì con số còn 5,6%.

Cụ thể hơn, theo báo cáo của Dragon Capital, kịch bản tăng trưởng tốt trong năm 2025 phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu với dự báo tăng 11,7% cao hơn ước tính 9,8% của năm 2024. Ngược lại, trong kịch bản xấu thì xuất khẩu có thể giảm 1%, chưa kể trụ cột đầu tư quan trọng là đầu tư nước ngoài (FDI) cũng suy giảm.

Lo ngại thương mại quốc tế một phần đến từ việc Việt Nam duy trì thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico, cũng như diễn biến dòng vốn FDI từ Trung Quốc ngày càng tăng và nhập khẩu từ Trung Quốc của Việt Nam đã tăng gấp đôi trong những năm gần đây.

Xuất khẩu là động lực tăng trưởng chính cho GDP Việt Nam, nhưng trong năm 2024 vẫn tiếp tục nhưng cũng có vấn đề riêng, theo ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, chia sẻ trong Diễn đàn Đầu tư Việt Nam hồi giữa tháng 11.

Thứ nhất là tăng trưởng xuất khẩu trong năm nay tích cực một phần dựa vào mức nền yếu của năm trước. Mặt khác, triển vọng năm 2025 có thể không được duy trì như năm nay vì thị trường thế giới hạ nhiệt và ẩn số chính quyền mới của Mỹ. Theo ông Hùng, lo ngại về việc áp đặt hạn chế thương mại vẫn chưa rõ ràng, nhưng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tới thương mại thế giới.

Vẫn có những sự tranh luận về mức độ tác động của chính sách hạn chế thương mại của ông Trump đến hàng hóa toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Theo ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, Công ty quản lý quỹ VinaCapital, triển vọng vẫn ở mức tích cực vì mục tiêu thực sự là Trung Quốc chứ không phải việt Nam, ngoài ra Mỹ còn vướng phải câu chuyện lạm phát.

"Ngay trong trường hợp Mỹ áp thuế toàn diện, ví dụ như 5-10% đối với hàng hóa nhập khẩu từ tất cả các quốc gia ngoài Trung Quốc, Việt Nam vẫn sẽ giữ được lợi thế so với các đối thủ cạnh tranh khác về dòng vốn FDI", đại diện VinaCapital bình luận.

Tìm động lực tăng trưởng mới ở thị trường trong nước

Đi gần hết năm 2024, nền kinh tế Việt Nam gây bất ngờ với nhiều nhà phân tích vì tốc độ phục hồi. Mức tăng trưởng GDP cuối năm đạt 7% được đánh giá là nhiều khả năng đạt được.

Trong năm 2025, Quốc hội mới đây đặt mục tiêu 6,5-7%. Tuy nhiên, sự lo ngại về thương mại toàn cầu bị ảnh hưởng, nên nhiều chuyên gia cho rằng cơ cấu tăng trưởng cần thay đổi, bổ sung thêm động lực mới.

Động lực mới sẽ nằm ở câu chuyện nội địa. Dù mức tăng trưởng cao, một vấn đề của năm 2024 là tiêu dùng còn yếu, chi tiêu Chính phủ, bao gồm đầu tư công thấp hơn kế hoạch. “Động lực tăng trưởng nằm trong tay Chính phủ, bao gồm cả chi tiêu ngân sách và đầu tư công. Đòn bẩy là chi tiêu công, kích cầu nội địa kéo đầu tư nội địa và tiêu dùng tăng lên”, ông Hùng chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, chia sẻ tại Diễn đàn đầu tư trên, điều quan trọng là làm sao “đưa tiền vào lưu thông”. Tiền ở đây là đầu tư công, chỉ nằm trong kho bạc nhà nước thì ảnh hưởng đến nhiều vấn đề khác, trong đó có cả áp lực duy trì mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước 10 tháng năm 2024 của cả nước chỉ đạt 52,29% kế hoạch, thậm chí thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (56,74%). Còn ở phía chi ngân sách, khoản mục chi đầu tư phát triển giảm 8,7%, trong khi chi thường xuyên tăng 9,5%, chi trả nợ tăng 8,1%.

Tin tốt là nhiều dự án hạ tầng đang được khởi động và Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Mặt khác, nhiều dự thảo luật quan trọng đang tiếp tục được Quốc hội thảo luận, và nhiều bộ luật sửa đổi khác đã có hiệu lực, dự kiến sẽ còn tiếp tục tác động đến thị trường trong năm 2025.

Từ phía nhóm doanh nghiệp, một điểm cộng là triển vọng kinh doanh đang được cải thiện. Kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2024 cho thấy, khoảng 165 công ty (chiếm khoảng 42% doanh nghiệp niêm yết) có mức tăng trưởng trên 20% trong quí 3-2024. Con số này đang tăng dần từ năm 2022 đến nay, cho thấy mức độ phục hồi đang lan rộng hơn.

Dự báo cả năm 2024, tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường khoảng 18-19%. Năm 2024 cũng cho thấy sự phục hồi nhất định sau hai năm trước đó, với bức tranh lợi nhuận không tăng dù doanh thu tăng. Còn năm 2025, các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục được kỳ vọng sẽ có sự phục hồi rõ nét hơn cả  về doanh số và lợi nhuận.

Tuy nhiên, trong diễn biến bức tranh vĩ mô có sự thay đổi nhanh chóng và khó lường như hiện nay, một điểm chung là các chuyên gia vẫn để ngỏ kịch bản tăng trưởng theo chính quyền mới của Mỹ. “Chúng ta cần chuẩn bị ứng phó với những biến động ở mức cao hơn của kinh tế thế giới trong năm 2025”, ông Dominic Scriven, khuyến nghị.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới