Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Biển giàu nhưng người còn khó

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Biển giàu nhưng người còn khó

Ngư dân Bạc Liêu có lợi thế khai thác hải sản trên hai ngư trường rộng lớn là biển Tây Nam và biển Đông. Ảnh: Phương Nam.

(TBKTSG) – Bạc Liêu là địa danh nổi tiếng, nơi có “Hắc công tử” hào phóng và những tá điền lầm than phải đổ máu trên đồng Nọc Nạn. Chúng tôi đã có một đêm ở nhà Công tử Bạc Liêu để mơ giấc mơ làm giàu của đất và người nơi đây.

Ngủ nhà Công tử Bạc Liêu, nói chuyện biển giàu

Khu nhà cổ nằm trên đường Điện Biên Phủ (thị xã Bạc Liêu) còn mang nguyên dáng vẻ sang trọng, quý phái của gia đình Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Bây giờ, không cần công tử, công chúa gì, như chúng tôi cũng có thể vào nghỉ một đêm, bởi nơi đây đã trở thành khách sạn với thương hiệu rất… hút hàng: Công Tử Bạc Liêu.

Bước vào khách sạn, chúng tôi đã lầm bầm vái trời cho được ngủ phòng công tử, nhưng vỡ mộng ngay vì “phòng công tử lúc nào cũng có khách đặt, nghỉ đỡ ở phòng… cha công tử nhen!”. Phòng đẹp, độc đáo nhất là chiếc điện thoại từ thời Pháp vẫn còn dùng tốt. Ngay bên ngoài là tiền sảnh cho khách uống cà phê, thêm vài bước chân là phòng ăn “VIP” rèm treo, trướng rủ.

Món lẩu công tử đặc sản với bồn bồn, cá lóc, tôm, lươn lạng thịt thành miếng mỏng, chim vạc rô ti kèm dưa chua bồn bồn, cá rô kho tộ dọn trên chén ngọc, đũa ngà. Tráng miệng bằng đặc sản nhãn giồng, hồng giòn trồng trên đất Bạc Liêu. Ở thị xã nước ngọt quanh năm, nhưng đi khoảng 4 cây số là đã gặp biển.

Ông Trương Tấn Mười, Phó văn phòng UBND tỉnh, nói Bạc Liêu rất giàu tiềm năng. Nông dân có giống gạo Một bụi đỏ Hồng Dân ngon nổi tiếng, chuyên dành xuất khẩu. Ngư dân có 125.000 héc ta nuôi trồng thủy sản với nhiều thuận lợi. Diêm dân làm chủ vựa muối Long Điền Tây sản lượng hàng trăm ngàn tấn/năm (chiếm 10% diện tích muối của cả nước), được các chuyên gia đánh giá là loại muối ngon nhất Việt Nam, nhờ vị mặn tinh khiết, không tạp chất, thị trường Nhật từng rất chuộng. Đội tàu đánh cá gần ngàn chiếc khai thác trên hai ngư trường rộng lớn là biển Tây Nam và biển Đông tùy theo mùa gió chướng hoặc gió nam.

Từ quốc lộ 1A đến huyện biển Đông Hải, nơi có bốn cửa biển Gành Hào, Cái Cùng, Huyện Kệ, Số 4, chưa đầy 30 cây số, đường khó đi, ô tô bò từng chút, nhưng hai hàng dương xanh mướt rì rào trong gió biển đẹp tuyệt. Đông Hải có 23 cây số bờ biển, gần 500 tàu cá, khai thác 45.000 tấn hải sản/năm. Biển ở đây giống Trà Vinh, Bến Tre, cát pha bùn, cây tràm, cây đước bám chặt giữ đất. Đông Hải còn có một kho giống cua, nghêu, cá kèo… Chỉ riêng mùa ruốc đã đem về cho dân biển bạc tỉ nhờ xuất khẩu sang Hàn Quốc.  

Nhưng người còn khó

Chú Trương Văn Quí giới thiệu muối Bạc Liêu là ngon nhất nước. Ảnh: Phương Nam.

Chú Trương Văn Quí, ở ấp Long Điền Tây, có bốn mẫu muối làm từ thời còn địa chủ. Ngồi bệt dưới đất, đón làn gió đồng lồng lộng, chú Quí xúc một tô muối cho chúng tôi… uống trà, vì “muối này ngon nhất nước đó”. Chú Quí đang rất vui vì hai năm liền trúng muối, lời cả trăm triệu. Giá muối 30.000 đồng/giạ đã có lời tới 70%, nhưng có lúc lên tới 80.000-90.000 đồng/giạ. Cũng như nhiều diêm dân ở đây, chú Quí không vội bán mà chứa lại vài trăm giạ trong tu muối (muối cào thành đống ngay giữa đồng, phủ lá dừa khô hay bạt ny lon) chờ giá lên thêm.  

Được mùa nhưng diêm dân vẫn chưa bao giờ sung sướng. Đầu đội trời, chân đạp… muối quanh năm nên da đen sắt, người khô cằn, chỉ đôi mắt là sáng lấp lánh như nước ruộng muối đêm trăng. Mùa muối bắt đầu vào tháng 11 Âm lịch, nhưng từ đầu tháng 10, đã phải sên, vét, sửa sang bờ, lăn nền, phơi nền, kéo nước la-phan. Rồi theo dõi độ mặn để cặp nước từ ruộng này qua ruộng khác cho tới khi đủ 25 chữ (1 chữ = 10%o) mới kết thành muối. Trúng mùa, một mẫu thu được 2.000-2.500 giạ muối.

Ông Mai Hoàng Nên, Phó văn phòng UBND huyện Đông Hải, cho biết, trước đây dân vùng này chỉ làm mỗi năm một vụ muối, vì đồng muối mặn chát chúa, không cây, con nào sống nổi. Nhưng giờ bà con phát hiện ra nuôi cá kèo cực ngon. Chú Quí bảo nuôi tốt, một mẫu đất cũng được thêm vài triệu đồng. Đang trúng giá muối, tỉnh lại có dự án làm muối chất lượng cao để xuất khẩu, nhưng nghe tin năm nay sẽ nhập khẩu muối, nên diêm dân lại lo… Và những cơn mưa trái mùa đầu năm, đã khiến khoảng 1.500 héc ta muối sắp đến ngày thu hoạch bỗng chốc tan thành nước…  

Hầu hết người dân Bạc Liêu nuôi tôm kiểu quảng canh “bỏ mặc cho trời”. Ảnh: Phương Nam.

Anh Bình, cán bộ nông nghiệp trẻ cùng chúng tôi xuống vuông tôm, cho biết Hương lộ 9 sẽ được nâng cấp thành Quốc lộ 63B, mở đường cho cảng Gành Hào đưa cá tôm về thành phố thuận lợi hơn. Nhưng hiện nay, lo nhất vẫn là tình trạng khai thác tận diệt. Tới mùa nghêu, cá kèo giống, mùa ruốc… là dân ra đầy biển,cv  người nách thước, kẻ tay dao “cày” nát bờ biển không sót chỗ nào. Hết mùa, người vẫn nghèo xơ, mà biển cũng nghèo xơ.
Ông Trương Văn Mười trăn trở rằng làm nghề biển giá bấp bênh, rủi ro cao, không hơn gì người trồng lúa. Ông Nguyễn Trường Hận, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Hải, cũng nói tốc độ phát triển tôm công nghiệp chậm, hầu hết nuôi quảng canh theo kiểu phó mặc cho trời.

Khi chúng tôi ghé thăm gia đình anh Trần Văn Toàn, nuôi bốn mẫu tôm quảng canh, câu chuyện dấm dẳn, đứt quãng đến… phát rầu: “Nuôi vầy có lời không?”. “Ôi, lời gì đâu, toàn lỗ”.  “Sao lỗ vậy?”. “Tôm chết quá trời”. “Sao không mua thuốc trị?”. “Vuông rộng mênh mông, thuốc nào siết. Cũng đâu biết bệnh gì. Chết nhiều thì xả nước bỏ. Thả giống khác vô”. “Có tốn nhiều thức ăn không anh?”. “Đâu có cho ăn, thả giống rồi thôi”.

Câu chuyện làm chúng tôi ray rứt mãi, nhất là khi đi đến nơi nào, cũng nghe than dân biển trình độ thấp lại ít chịu tiếp thu kỹ thuật mới vào sản xuất.

PHƯƠNG NAM – TRẦN PHƯỚC

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới