Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Biên mậu Việt – Trung trong bối cảnh ACFTA

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Biên mậu Việt – Trung trong bối cảnh ACFTA

Lan Nhi

Tiểu thương Việt Nam buôn bán ở cửa khẩu Cổng Trắng, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Quang Chung.

(TBKTSG) – Với Hiệp định Tự do thương mại ASEAN- Trung Quốc (ACFTA), các mặt hàng xuất nhập khẩu chính ngạch, đáp ứng các điều kiện ưu đãi, xuất xứ theo quy định sẽ được hưởng lợi. Song với Việt Nam, mua bán tiểu ngạch với Trung Quốc, không thuộc phạm vi điều chỉnh của ACFTA, cũng là một vấn đề quan trọng không kém.

Việt Nam có bảy tỉnh có biên giới giáp với Trung Quốc. Ở các địa phương này, hình thức buôn bán biên mậu (chưa tính đến buôn lậu và gian lận thương mại) rất phổ biến.

Do đó, trong nhiều năm qua và cả những năm sắp tới, sức hút của việc thay đổi các chính sách thương mại, miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu do ACFTA mang lại, với Việt Nam nói riêng có thể chưa tác động lớn bằng việc thay đổi các chính sách buôn bán biên mậu, mà vừa qua phía Trung Quốc đã chủ động thay đổi liên tục.

Trong các báo cáo về tình hình thương mại Việt – Trung, Bộ Công Thương luôn cho rằng biên mậu có vai trò quan trọng trong việc tăng cường xuất khẩu nhiều mặt hàng, tháo gỡ khó khăn cho những mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu nhưng chất lượng chưa cao. Và qua con đường biên mậu, việc nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào cần thiết cho sản xuất cũng diễn ra sôi động.

Theo thống kê của bộ này, trong giai đoạn 2006-2008, hoạt động thương mại biên giới qua bảy tỉnh biên giới Việt – Trung không ngừng tăng về giá trị tuyệt đối, bình quân mỗi năm trên 40%. Thống kê năm 2008 cho thấy kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam qua đường tiểu ngạch chiếm một phần ba tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.

Sở dĩ kênh mua bán này phát triển với tốc độ nhanh như vậy chủ yếu là do thói quen, tập quán buôn bán của doanh nghiệp hai nước nhiều năm qua. Hơn nữa, hình thức giao thương nơi cửa khẩu có những cách làm dễ dàng hơn xuất qua đường chính ngạch vì thủ tục đơn giản, chỉ cần khai báo hải quan. Đồng thời, cách mua bán này ít chịu các hình thức kiểm dịch khắt khe nên chi phí thấp, hoặc chỉ chịu các loại phí biên mậu.

Đó là những lý do mà khi cân nhắc lựa chọn giữa hình thức mua bán biên mậu và ACFTA, phần lớn các doanh nghiệp của hai nước sẽ vẫn chọn con đường biên mậu dù biết rằng không ít rủi ro đang chực chờ họ.

Xuất theo con đường biên mậu, hàng hóa chất lượng thế nào cũng thường bị đánh đồng, bị ép giá, thậm chí bán lỗ. Do mua bán không có hợp đồng, hàng hóa mang lên tới cửa khẩu mới tìm khách để bán, nên doanh nghiệp trong nước thường gặp nhiều rủi ro, như trường hợp dưa hấu bị ứ đọng ở biên giới xảy ra liên tục trong những năm gần đây.

Điều quan trọng hơn, Trung Quốc thường xuyên áp dụng các chính sách linh hoạt để điều chỉnh lượng hàng cũng như giá hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này sao cho có lợi nhất cho phía Trung Quốc. Khi cần họ có thể nới lỏng giá hay các chính sách biên mậu để tăng mua hoặc ép giá và thắt chặt chính sách khi muốn hạn chế hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Cũng do các chính sách này chỉ áp dụng đối với hàng nhập khẩu qua đường tiểu ngạch của Việt Nam nên không vi phạm các quy định về WTO.

Sở Công Thương các tỉnh phía Bắc thống kê được các yêu cầu mà phía Trung Quốc hay áp dụng như: hoa quả chỉ được qua cửa khẩu Lào Cai hoặc Tân Thanh (Lạng Sơn), cao su chỉ đi qua Móng Cái hoặc Lục Lầm, thủy hải sản chỉ đi qua Móng Cái. Theo đó, mức phí biên mậu cũng được thay đổi theo từng thời điểm, mùa vụ và cách thức kiểm dịch lỏng hay chặt cũng để kiểm soát việc xuất nhập khẩu.

Kể từ đầu năm 2008 đến nay, một loạt các chính sách biên mậu của Trung Quốc đã thay đổi, ví dụ như hình thức thương mại biên giới tiểu ngạch không còn được hưởng ưu đãi mà thay vào đó là nâng hạn mức miễn thuế (giảm đến 50% thuế suất thông thường cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam) nhưng chỉ áp dụng đối với hình thức trao đổi buôn bán cặp chợ biên giới và chỉ cư dân các tỉnh giáp biên được hưởng.

Doanh nghiệp Trung Quốc (đặc biệt ở hai tỉnh Vân Nam và Quảng Tây), theo dự tính của Bộ Công Thương, sẽ tận dụng hình thức này nhằm hạn chế chi phí. Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan Trung Quốc vẫn chưa thống nhất danh mục các mặt hàng được phép thông quan theo cách trên (hiện nay là danh mục tạm thời do các địa phương quy định) nên hàng hóa Việt Nam bị động vì chưa tính được đường dài để thâm nhập thị trường và thiếu sự ổn định.

Trong nhiều năm tới, buôn bán tiểu ngạch vẫn còn tồn tại cùng với những rủi ro vốn có của hình thức giao thương này. Thế nhưng, nhiệm vụ lâu dài của ACFTA là phải giảm bớt tỷ trọng thương mại biên mậu vốn đang thắng thế. Điều đó hoàn toàn có thể làm được, nếu việc tuyên truyền và phổ biến ACFTA cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp rất cần được hướng dẫn thực thi ACFTA một cách đầy đủ và chi tiết.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới